08/09/2013 04:00 GMT+7

Mẻ bánh đời thầy

VÕ DIỆU THANH
VÕ DIỆU THANH

TT - Ngày tôi còn nhỏ nhìn nội nhào bột làm bánh bò tôi ngán. Bột phải nhào cho đều tay. Khi chờ lên men phải canh đúng độ sôi của bột.

Nếu để dậy quá bánh bở, nếu chưa kịp dậy bánh chai. Pha cái với bột nước phải vừa. Đặc quá bánh cứng, lỏng quá bánh nhão. Khi hấp lửa phải đủ mạnh và đều đặn. Nhưng cũng phải canh sao cho bánh vừa chín. Không đủ lửa bánh sượng, dư lửa bánh bị rỗ mặt.

Quá nhiều chữ “phải” cho một mẻ bánh. Người thợ đã lành nghề lắm khi vẫn bị tổ trác nếu bữa đó đường không chất lượng, bột được làm từ gạo mới.

Trong đó có cả chuyện cấm kỵ nữa. Như là đang hấp bánh không rờ đầu gối, không nói gở. Tôi rùng mình với mỗi mẻ bánh của nội. “Lớn con không đổ bánh bò!”.

Nội tôi nói: “Ừ, con ráng học lớn làm cô giáo!’’. Tôi lại lắc đầu. Cô giáo, còn ngán hơn. Đi học mỗi năm là một bài học mới, thầy cô mới, kiến thức mới.

Còn đi dạy mấy chục năm, chỉ bài học đó, trang giáo án nọ, cũ xì. Giống như nội vậy, ngày nào cũng bột, cũng đường, cũng men rồi còm lưng đổ bánh, khàn giọng rao bánh. Bánh nội làm rễ tre xốp, mềm, dai, nước cốt dừa béo mà bán còn ế lên ế xuống. Món ngon ăn hoài cũng ngán. Nói gì những bài học cũ mốc cũ meo.

Lòng vòng tôi cũng vào sư phạm. Khi ra trường dạy học, tôi mới thấy chuyện dạy khó hơn chuyện làm bánh gấp trăm lần. Lớp học nào cũng có nhiều em học một tháng không nhớ được một con chữ.

Tới khi thuộc chữ này thì quên chữ kia. Có nhiều em biết chữ cái rồi lại đánh vần kiểu bờ a be. Cái chỉ tiêu của phòng, của trường chờn vờn trước mặt. Tôi cắm đầu dạy. Nhiều bữa dạy xong bỏ cơm luôn. Tôi về khóc với má (lúc này nội già lắm rồi) rằng tôi không có năng khiếu dạy học. Má động viên, ráng đi con.

Tôi thương má ráng dạy. Trong từng buổi dạy tôi thường ngồi nhìn học trò rồi hỏi mình phải như thế này mấy chục năm nữa sao. Cái ý nghĩ đó làm tôi thấy đời mình lê thê như về lục bình mùa nước kiệt. Có lắm lúc học trò hỗn ẩu, tôi đã ngồi khóc ngon lành. Nhưng chính cái khó của nghề dạy đã làm tôi phải luôn vận động. Tôi hỏi các em làm thế nào để cô giúp được các em? Các em cười hồn nhiên “con không biết”. Đôi mắt các em, từ đứa ngoan hiền tới đứa cá biệt đều trong xanh. Tôi hỏi mình, sao có thể giận hờn những đôi mắt trong trẻo đó?

Tôi trò chuyện với các em thật nhiều, tập nghe tiếng nói của các em. Từ đó tôi biết dạy học không phải truyền thụ mà là giúp các em khám phá chính năng lực của các em. Mỗi ngày mới, với từng em riêng biệt tôi có những cách dạy khác nhau. Tất cả học sinh đều là cá biệt nên chẳng tồn tại học sinh cá biệt trong mắt tôi. Chẳng còn bài học nào khô khan, chẳng có con chữ nào gai góc.

Không lâu sau học trò đọc được chữ, thích thú với bài học, nhìn cô giáo với cái nhìn biết ơn. Tôi cảm thấy một niềm tự hào pha lẫn hạnh phúc dù cổ họng bị viêm triền miên. Một người bạn nhận xét: “Chị sinh ra và làm cô giáo là một sự lựa chọn không sai lệch”. Tôi hiểu vì sao nội tôi có thể làm bánh năm này qua năm khác với tất cả say mê. Nhìn mỗi mẻ bánh ra lò đúng ý, nhìn người ăn tấm tắc, nội vui hơn chính mình được ăn ngon.

Người thầy dạy học trò cũng thế. Ngôi trường cũ, lớp học cũ, đương nhiên bài học không mới, nhưng cách thức khác hơn vì đối tượng đã khác, tuổi nghề cũng đang dày thêm. Mỗi lứa học trò như một mẻ bánh riêng biệt. Chúng tạo những cảm hứng truyền thụ lạ. Mẻ bánh đời dạy học của tôi ngày càng đủ đầy hương vị.

VÕ DIỆU THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên