Bạn Trần Văn Thương giới thiệu nguyên lý hoạt động của máy phát hiện rác “biết nói” - Ảnh: THÀNH CÔNG |
Đó là chiếc máy phát hiện rác “biết nói” độc đáo của đôi bạn học sinh lớp 11TN2 Trường THPT Vị Thủy Trần Văn Thương và Nguyễn Ngọc Diệp.
Từ ý tưởng thiết bị hỗ trợ giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung của học sinh, các bạn đã chế tạo thành công máy phát hiện rác phát ra giọng nói.
Thương cho biết máy được cấu tạo gồm năm bộ phận: bộ phận pin điện thoại, loa phát âm thanh, bộ phận thu âm thanh và điều chỉnh giọng, mạch từ kết nối với chíp nhỏ, khung sườn và lắp ráp vào các hợp khung.
Tất cả đều hoạt động theo nguyên tắc khi thiết bị được khởi động, nếu thanh dò mạch cảm biến phát hiện rác chuyển động hay rơi xuống (tức có người đang vứt rác vào khu vực có thiết bị lắp đặt), sẽ dẫn đến mạch âm thanh, lập tức loa âm thanh phát ra một hiệu lệnh nhắc nhở: “Bạn đã bỏ rác không đúng nơi quy định, đề nghị bạn nhặt rác và bỏ vào nơi đúng quy định”.
Với thiết kế nhỏ, gọn, chiếc máy có thể đặt ở bất cứ vị trí nào trong lớp học, hay xung quanh khuôn viên trường, chi phí chế tạo máy cũng khá “mềm”, chỉ khoảng 400.000 đồng/sản phẩm. “Vì vậy, sau khi sản phẩm được đem ra thử nghiệm lần đầu, mình thấy hiệu quả mang lại rất tích cực” - Thương nói.
Nhiều học sinh lớp 11TN2 cũng công nhận ý thức các bạn được nâng cao hơn, số lượng rác thải giảm đáng kể. Chiếc máy còn giúp tiết kiệm được thời gian vệ sinh lớp để truy bài, học bài hiệu quả hơn.
“Mình và bạn Thương tiếp tục mày mò để cải tiến do line cảm biến chưa phân biệt rõ được thân nhiệt của con người và các vật khác nên dễ xảy ra hiểu lầm và phát ra hiệu lệnh nhầm” - Ngọc Diệp chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Sơn, phó hiệu trưởng Trường THPT Vị Thủy, cho rằng máy phát hiện rác biết nói có tính ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống cao.
Thầy cô trong trường luôn tạo điều kiện cho học sinh hiện thực hóa các ý tưởng tốt như lồng ghép việc giảng dạy, hỗ trợ thêm thông tin và kiến thức cơ bản trên lớp, giải đáp các thắc mắc để các em hoàn thành sản phẩm tốt hơn. Mô hình này của các bạn từng đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận