TTCT - “Làm nghề may được đo cơ thể người ta nghĩ cũng sướng, nhưng thăng trầm quá đỗi. Gặp thời, mỗi tuần kiếm cả lượng vàng, hết thời ra đường ngồi sửa đồ kiếm bạc lẻ” - một lão thợ may hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề tâm sự. Trong khi đó cũng có người sống được với thời bằng tay nghề cao và chọn được hướng đi. Phóng to Ông Cao Ngàn có gần 60 năm theo nghề may đo - Ảnh: Thuận Thắng Xế trưa. Trời vần vũ mãi mà chẳng chịu mưa, không khí càng thêm oi bức. Trong căn nhà không rộng lắm ở con hẻm 922 Cách Mạng Tháng Tám (P.5, Q.Tân Bình, TP.HCM), lão thợ may Cao Ngàn, 75 tuổi, vẫn cắm cúi rê cho xong những đường may cuối cùng của bộ vest màu xám tro, để kịp gửi sang cho khách mối ở tận California (Mỹ). Đời người - đời nghề Gần hai tháng trước, theo hướng dẫn của ông Ngàn, vị khách từ nửa vòng trái đất đã tự đo cơ thể mình rồi gửi các chỉ số qua đường Internet sang cho ông. “Anh Ngàn, còn nhớ tui không? Sao dời chỗ mà không báo gì hết trơn! Hơn hai chục năm trước, hồi tiệm may của anh còn ở ngã ba Ông Tạ, tui tới may đồ hà rầm. Thời gian sau tui chuyển ra Đà Nẵng làm ăn, giờ mới có dịp quay lại Sài Gòn, tiện thể dẫn theo thằng con trai, nhờ anh may cho nó mấy bộ đồ mặc trong lễ cưới” - một vị khách tóc hoa râm dẫn theo anh thanh niên lên tiếng. Sau phút ngỡ ngàng, khách - chủ nhận ra nhau, mừng như anh em lâu ngày gặp lại. Khởi nghiệp từ năm 17 tuổi tại Đà Lạt, vài năm sau ông Cao Ngàn chuyển vào Sài Gòn mở tiệm may. Trước năm 1975, ông là chủ hai nhà may nổi tiếng: Tiến Paris Mode ở đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ) và Tiến Tailor ở đường Thoại Ngọc Hầu (Phạm Văn Hai). Khách hàng tìm đến tiệm ngoài giới quan chức còn có nhiều người là nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Chế Linh, Giang Tử… “Dạo đó làm ăn như diều gặp gió. Tiệm của tôi có thể đóng hơn 50 bộ vest/ngày, vậy mà làm không xuể, phải từ chối bớt khách” - ông Cao Ngàn nhớ lại. Gần 60 năm hành nghề, hiện ông Ngàn có ba trong số năm người con nối nghiệp cha ra mở tiệm may riêng. Nhưng ông vẫn duy trì cơ sở may tại nhà như chiếc cầu nối giúp ông gặp lại những khách quen được xem như bạn thâm giao. Có những vị khách sau thời gian dài định cư ở nước ngoài, giờ trở lại Việt Nam vẫn lần dò hỏi thăm tin tức, tìm tới thăm ông chủ tiệm may tài hoa, uống với nhau ly trà. Ông Ngàn tâm sự: “Thợ may giỏi ngoài việc khéo tay còn phải biết cách tư vấn, thuyết phục khách chọn may quần áo phù hợp độ tuổi, nghề nghiệp, màu da, dáng, tính cách của từng người. Thậm chí đôi khi người thợ còn phải biết từ chối may những kiểu trang phục làm xấu thân chủ”. Thế nhưng, bên cạnh số thợ may trụ vững với nghề trước xu hướng phát triển của sản phẩm may công nghiệp như ông Cao Ngàn, không ít người phải ngậm ngùi tiếc nuối thời vàng son đã qua. Đó là trường hợp ông Lê Thành Đạt, 74 tuổi, chủ tiệm may Tuấn ở chợ Trà Quít (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Sóc Trăng). Gặp ông Đạt tại nhà một đồng nghiệp của ông ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), chúng tôi hỏi chuyện nghề, ông trầm tư giây lát rồi cất giọng rè rè của một người dân gốc Quảng: “Tiệm Đoàn Thành Lực Võ Duy Nguy/Cắt khéo may hay hẹn đúng kỳ/Quý khách xa gần xin chiếu cố/Biết rằng tài nghệ khá tinh vi”. Hóa ra đây là “bài thơ” chào mời khách hàng của một chủ tiệm may có tiếng ở đường Võ Duy Nguy (nay là Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận), đăng trên một tờ báo tết ở Sài Gòn cách nay ngót nửa thế kỷ. Giờ tiệm may Đoàn Thành Lực không còn nữa, nhưng người thợ may già vẫn còn lưu giữ bao kỷ niệm về nó. Thi thoảng có dịp về Sài Gòn, thể nào ông Đạt cũng kêu xe ôm quanh đi quẩn lại “con đường xưa” để sống lại những ngày ông giữ vai thợ chính tại tiệm may này. Hơn nửa thế kỷ thăng trầm với nghề, ông Đạt vẫn nhớ mãi giai đoạn đầu khởi nghiệp. Dạo đó tiệm may không phải ít, nhưng khách hàng nườm nượp dù chi phí cho một bộ đồ không hề thấp. Đóng một bộ vest có khi tốn hơn một lượng vàng, còn may chiếc quần tây cũng mất cả chỉ. Thợ lành nghề thu nhập trên dưới 100 đồng/ngày, trong khi chi phí một bữa ăn chừng 5 đồng. Cuối tuần lãnh lương, trừ hết các khoản chi dùng, ông Đạt dư sức mua một lượng vàng để dành. “Ấy vậy cho nên thợ may hồi ấy rất có giá, ra đường con gái thấy là mê tít” - ông Đạt nhớ lại. Chỉ thời gian ngắn sau khi từ quê Quảng Ngãi ngồi xe vào Sài Gòn lập nghiệp, ông Đạt đã gầy dựng một tài sản kha khá. Nhưng rồi trước sức “công phá” của hàng may sẵn, hàng loạt tiệm may đóng cửa hoặc đổi biển hiệu thành tiệm sửa quần áo, ông Đạt gom vốn về Sóc Trăng mở tiệm may nhỏ ở quê từ đó đến bây giờ. Không biết ông có cấm cản hay không, nhưng cả ba người con của vợ chồng ông chẳng ai nối nghiệp cha. Phóng to Anh Lương Xuân Hải (chủ nhà may Hoàng trên đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM) thiết kế mẫu đầm cho khách - Ảnh: Thuận Thắng Đi tìm lợi thế cạnh tranh “Áo dài, áo bà ba là sản phẩm thời trang đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Loại đồ này phải may đo, mà phải là thợ khéo tay thì mặc mới đẹp. Hiện công may một chiếc áo dài chừng 500.000 đồng, áo bà ba 200.000 đồng. Vậy mà có lúc tôi phải ngưng nhận khách từ trước tết hai tháng vì sợ nhận nhiều quá may không xuể, thất tín với khách” - bà Nguyễn Thị Tư, người có gần 60 năm chuyên may đồ nữ ở chợ Thị Nghè, Q.Bình Thạnh, nói.Anh Lương Xuân Hải, chủ nhà may Hoàng trên đường Nguyễn Trãi (Q.1), nhận định: “Khoảng 15 năm trước, cơn lốc hàng “sida” với ưu thế về giá đã đổ bộ vào Việt Nam. Tiếp theo đó là sự nở rộ của hàng may sẵn đã khiến nghề may đo truyền thống lâm vào thế khó. Muốn tồn tại, thợ may phải tìm cách lách qua khe cửa hẹp để bước chân vô thị trường may mặc”. Một trong những “bước đi” mà anh Hải tự đặt ra là mỗi tuần tung ra vài sản phẩm may mặc kiểu dáng mới để níu chân khách hàng. Anh cũng quan tâm nhiều hơn đến khách hàng có thu nhập cao, thông qua việc cung cấp các loại vải đẹp, hiếm thấy ngoài thị trường, với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/mét. Với những khách hàng có nhu cầu lấy đồ may ngay trong ngày anh cũng đáp ứng, tất nhiên giá cao hơn một chút. “Một bộ vest bình thường giá khoảng 3,5-4 triệu đồng (cả công may và vải), nhưng với khách có thu nhập cao thì đầu tư cả chục triệu đồng, lại có thể nhận ngay trong ngày họ vẫn chấp nhận” - anh Hải cho biết. Từ thực tế thị trường, anh Hải nhanh chóng nhận ra rằng ở giới nữ, nhu cầu mặc đẹp luôn được ưu tiên trong chi tiêu nên phần đông chị em vẫn thích tìm đến các tiệm may đo. “Đồ nữ, đặc biệt là váy, đầm, vest nhất thiết phải có điểm nhấn phù hợp với các số đo cơ thể và gu của từng người, nên chị em sẽ còn tìm đến tiệm may đo” - anh Hải khẳng định. Anh Cao Tấn Sang, chủ nhà may Phú ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), cũng trụ lại với nghề bằng việc chuyên sâu đồ vest, đồ ấm nam nữ. Hơn 20 năm qua, anh không ngừng học tập kinh nghiệm từ người cha, cũng là người thầy lâu năm trong lĩnh vực đồ ấm, để nắm vững kỹ thuật may đo theo kiểu cổ điển của châu Âu, đồng thời nhanh nhạy tiếp thu những kiểu dáng vest mới của Hàn Quốc, Nhật… nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. “Vest nam, nữ phải hợp với “phom” của từng người, chứ mua đồ may sẵn về sửa lại thì chẳng khác nào nồi úp lộn vung. Vì thế tôi nghĩ nhiều người sẽ chọn phương án may đo” - anh Sang tự tin. Bên cạnh đó, anh cũng không ngừng phát triển đội ngũ thợ có tay nghề chuyên sâu đồ vest để giữ mối khách hàng là các công ty, doanh nghiệp, đặt hàng trăm sản phẩm/năm. Đây là nguồn khách tiềm năng mà nếu duy trì tốt, tương lai sẽ phát triển theo cấp số nhân. Trong khi đó bà Hoa, một chủ hiệu may đồ nữ có hơn 40 năm làm nghề ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), xác định phương cách duy trì nghề may đo của mình là tập trung phát triển thời trang nữ. “Tôi nghĩ có những sản phẩm mà hàng may sẵn rất khó lấn sân hàng may đo, chẳng hạn như chiếc áo dài. Điều này sẽ giúp những tiệm may đo đồ nữ như tôi duy trì được lượng khách hàng riêng của mình” - bà Hoa nói. Trong số khách hàng của bà Hoa, ngoài những khách lẻ là mối ruột nhiều năm, gần đây cũng có một số cơ quan, doanh nghiệp tìm đến đặt may áo dài đồng phục cho cán bộ, nhân viên đơn vị với số lượng vài chục tới cả trăm bộ/năm. Tags: Phóng sựCạnh tranhNghề mayĐời nghềLợi thế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.