02/05/2011 05:32 GMT+7

Máy nước nóng năng lượng mặt trời có kinh tế không?

(NGUYỄN PHI HÙNG)
(NGUYỄN PHI HÙNG)

TT - Tôi có một nhà nghỉ gồm 10 phòng, đang trong quá trình thi công. Với mong muốn sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nước nóng cho nhà nghỉ, mong được tư vấn về việc nên chọn máy nước nóng cho toàn nhà nghỉ bằng một máy nước nóng năng lượng mặt trời hay là sử dụng máy nước nóng điện cho từng phòng riêng biệt? Công suất máy nước nóng phù hợp mỗi phương án? Giá thành dao động thế nào?

- Ông Phạm Huy Phong (trưởng ban tư vấn Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM):

VN nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, đặc biệt là các tỉnh phía Nam với số giờ nắng một ngày 4-8 giờ. Do đó việc ứng dụng năng lượng mặt trời ở nước ta sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năng lượng mặt trời được ứng dụng ở hai dạng là điện mặt trời (pin mặt trời) và nhiệt mặt trời (đun nước nóng, sấy, phát điện...).

Trong đó hiện nay ứng dụng năng lượng mặt trời cho cung cấp nước nóng dân dụng là khá phát triển do thiết bị có giá thành rẻ, tạo điều kiện ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo khảo sát của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, chi phí điện cho các máy nước nóng điện trong các gia đình có thể chiếm đến 25% tổng chi phí điện hằng tháng, đối với các cơ sở kinh doanh (nhà nghỉ, khách sạn) có thể chiếm đến 15%. Do đó việc ứng dụng năng lượng mặt trời vào việc cung cấp nước nóng cho dân dụng rất khả thi.

Mời bạn đặt câu hỏi gửi về: Góc tư vấn “Tiết kiệm năng lượng: làm thế nào?”, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Email: [email protected].

Về khả năng cung cấp nước nóng và hiệu quả kinh tế khi sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời, tôi đưa ra một ví dụ điển hình: một máy nước nóng năng lượng mặt trời dung tích 180 lít (dung tích sử dụng phổ biến trên thị trường cung cấp cho các hộ gia đình hiện nay) đủ dùng cho 4-5 người.

So với việc dùng máy điện, máy nước nóng năng lượng mặt trời này có thể giúp tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng chi phí điện một năm, thời gian hoàn vốn đầu tư dựa trên chênh lệch chi phí đầu tư giữa máy điện và máy nước nóng năng lượng mặt trời dưới ba năm.

Sau ba năm hoàn vốn, người sử dụng sẽ được lợi nhiều do tiết kiệm chi phí điện hằng tháng và do máy nước nóng năng lượng mặt trời có thời gian sử dụng (tuổi thọ) cao hơn so với máy dùng điện nên giảm thêm chi phí tái đầu tư (mua máy mới) khi máy điện phải thay thế.

Tính đến hết thời gian sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời (tạm tính 10 năm) thì chi phí điện tiết kiệm có thể bằng 1,5-2 lần chi phí mua máy nước nóng năng lượng mặt trời từ ban đầu!

Về công suất (năng suất) lắp đặt hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời cần căn cứ vào nhu cầu nước nóng cụ thể: số phòng, số người trong phòng, có sử dụng bồn tắm nằm hay không, có cung cấp nước nóng cho nhà bếp hay không...

Về chi phí đầu tư, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời bao gồm hệ thống thu nhiệt (đặt trên mái) và hệ thống ống dẫn nước nóng đến từng vị trí sử dụng. Do đó ngoài việc phụ thuộc công suất hệ thống, chi phí đầu tư còn phụ thuộc nhiều vào chi phí lắp đặt hệ thống ống dẫn phân phối, hệ thống ống này lại phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm kết cấu xây dựng của mỗi công trình.

Vì vậy để có thể biết được công suất phù hợp và chi phí cho việc đầu tư hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời tương ứng, ông Hùng nên liên hệ trực tiếp với các nhà cung cấp và thi công để được tư vấn cụ thể.

(NGUYỄN PHI HÙNG)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên