TTCT - Ba năm nay, cứ hễ có thời gian rảnh, đặc biệt là vào cuối tuần, Bùi Nguyễn Văn Nguyên lại xách máy đi lòng vòng chụp. Cái thú lê la hết chỗ này đến chỗ kia loanh quanh Sài Gòn để chụp ảnh này vào những ngày sắp Tết lại càng khoan khoái hơn. Ảnh trong 1 dự án của @odaucungchupMột cụ bà vận đồ bộ, xách cái giỏ đi chợ bằng nhựa đỏ, từ tốn bước xuống xích lô. Một phụ nữ trẻ chỉnh lại tấm drap giường vừa phơi trên thành chung cư... Rất nhiều hình ảnh dung dị rất Sài Gòn như thế đã lọt vào ống kính của Văn Nguyên, khi chàng trai trẻ này ngồi thong thả nhấm nháp ly cà phê vợt Ba Lù trong khu chợ Phùng Hưng (quận 5) lúc 7 giờ sáng một ngày đầu tháng chạp.Dấu phẩy ở cuối mỗi câu chuyện về Sài GònNguyên nói mình thương Sài Gòn lắm. Thương nên mỗi sáng thấy rất vui vì được thức dậy và thấy mình đang ở trong lòng Sài Gòn. Thương đến mức để phần tự giới thiệu trên trang Instagram @odaucungchup của mình là “Mấy người có thương Sài Gòn giống tui hông?”.@odaucungchup là nơi Nguyên đăng ảnh Sài Gòn cho những người cũng thương Sài Gòn giống mình xem, tỉ tê kể cho họ nghe những câu chuyện mà chàng trai đang làm trong ngành marketing này nghe được, bắt được, cảm nhận được về Sài Gòn, từ những thứ dung dị nhất.Những hình ảnh có thể không xa lạ - cũng là những con hẻm, những dây điện chằng chịt nơi phố xá, những tòa nhà đổ bóng trên mặt sông, lòng kênh lúc chiều buông, nhưng với Nguyên thế là đủ. Với một người thương Sài Gòn thì “đi khắp chốn, bất kể nơi đâu miễn trong thành phố này đã cảm thấy bình yên lắm rồi”.“Cứ tới độ này là tui bắt đầu siêng dậy sớm xuống đường lắm, mê nhứt là ghé mấy chốn chợ bên quận 5, dạo từ chợ Thủ Đô tới chợ Lớn, dạo từ Hải Thượng Lãn Ông ra tới Bến Bình Đông, đâu đâu cũng nhộn nhịp rộn ràng, kẻ bán người mua, sắc vàng sắc đỏ ngợp phố, ưng lắm,”Một tối những ngày thành phố se lạnh, Nguyên lại kể chuyện Sài Gòn, nhưng không phải bằng ống kính mà bằng một cuộc chuyện trò với chúng tôi. Đây không phải là một buổi phỏng vấn; những câu chuyện cứ nối tiếp, ngẫu hứng như cái cách mà chàng trai sinh năm 1992 này đều đặn kể cho hơn 103.000 người theo dõi mình trên Instagram mỗi ngày.“Thiệt tình mình không bao giờ lên kế hoạch là hôm nay đăng hình nào, kể chuyện gì, mà hôm nào có hứng kể lại chuyện gì đó mình lại lục ảnh ra, chỉnh sửa chút xíu rồi ngồi hoài niệm câu chuyện liên quan đến ảnh đó, gõ rồi đăng luôn nên bị typo (lỗi đánh máy) hoài, riết rồi mọi người quen, xem đó là dấu hiệu nhận biết của mình luôn” - Nguyên cười, nói.Một trong những đặc điểm nhận diện khác của Nguyên là luôn kết câu bằng dấu phẩy thay vì dấu chấm câu. “Mình muốn bỏ lửng câu như vậy để những người nghe chuyện Sài Gòn tự kể tiếp câu chuyện của mình với thành phố này, từ góc nhìn của họ. Mình không thích khuyên mọi người sống thế này, thế kia; mình nghĩ để người xem ảnh tự có suy nghĩ của mình sau dấy phẩy đó sẽ khiến mọi người thoải mái hơn” - Nguyên giải thích.Ngoài việc duy trì đăng ảnh ngẫu hứng, Nguyên cũng có những dự án dài hơi hơn về Sài Gòn mà cậu ấp ủ như Chữ Xưa Sài Gòn, Nhà Sài Gòn, Hẻm Sài Gòn, Xi Nê Sài Gòn, Người Sài Gòn… là những bộ sưu tập bảng hiệu in chữ theo font cũ còn từ ngày xưa, nhà cửa với những cánh cửa màu sắc gom lại đủ cả một bảng màu, mấy chục rạp chiếu phim một thời từng hưng thịnh, hay những khoảnh khắc con người rất đời ở cái đất Sài Gòn này.Ảnh trong 1 dự án của @odaucungchup Cái duyên với Sài GònNhiều người khá ngạc nhiên khi biết chàng trai thích kể chuyện Sài Gòn này… không phải là người Sài Gòn, mà đến từ Đắk Lắk. Từ một cậu sinh viên bỡ ngỡ bước chân lên Sài Gòn đi học hồi 10 năm trước, Nguyên dần dần thương Sài Gòn “hồi nào hổng hay”.Nguyên nói mình có cái duyên rất lớn với Sài Gòn, cũng như những câu chuyện về Sài Gòn đến với cậu rất tình cờ. “Đôi khi có những địa điểm tình cờ ghé qua thôi nhưng mình cứ chân thành hết mức, đem hết ruột rà mình ra thì người ta cũng sẽ đối lại với mình bằng sự tử tế, từ đó cởi mở, chia sẻ nhiều hơn” - Nguyên kết luận.Chủ nhân trang @odaucungchup nói rằng danh xưng “nhiếp ảnh gia” là quá to lớn với mình, thay vào đó cậu thích được miêu tả là “người kể chuyện Sài Gòn bằng hình ảnh” hơn.Suốt quá trình đi, chụp, nhớ, ghi của mình, Nguyên luôn tự nhủ mình phải “tập sống hào sảng giữa Sài Gòn”, như cái cách mà cậu trai trẻ hay được mấy chú bán mì bảo: “Mày cứ ngồi đi, tao làm cho tô mì ăn rồi nói chuyện tiếp”.■“Đi mua đồ sửa đồ gì mà thấy mấy tiệm bảng hiệu cũ sạch đẹp chỉn chu là quẹo dô liền vì thiệt sự có niềm tin dô cái tử tế với nghề của mấy chốn này lắm,”* Nguyên thương Sài Gòn tới cỡ nào mà “dám” hỏi: “Mấy người có thương Sài Gòn giống tui hông?”- Để đo cảm xúc tới cỡ nào thì hơi khó, nhưng mình là đứa mê Sài Gòn đến mức có thể ngồi thao thao bất tuyệt tất tần tật về Sài Gòn một cách hạnh phúc, đến mức mình không ngại xem người nghe có chán hay không vì bản thân mình không chán (cười). Sài Gòn với mình là một kho chất liệu khổng lồ mà có lẽ mình sẽ không bao giờ chụp hết được.Đôi khi cuộc sống quá bận rộn ở thành phố nhiều mặt tốt xấu này khiến người ta không bao giờ tự hỏi mình có yêu Sài Gòn không. Biết đâu khi nghe câu hỏi của Nguyên, ai đó lại bắt đầu để ý Sài Gòn thêm một chút. Sài Gòn như một cơn mưa dầm vậy, cứ từ từ thấm vào mình đến một lúc mình bất chợt nhận ra mình thương thành phố này quá đỗi. “Sài Gòn với mình là tuổi trẻ… Sài Gòn cho mình mọi thứ, từ những sự mất mát đến thành công và bình yên mỗi ngày. Những khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời mình đều có Sài Gòn chứng kiến”* Vậy Sài Gòn trong Nguyên là gì?- Là tuổi trẻ và là nhà. Nơi này cho mình rất nhiều thứ, ngay cả tình yêu Sài Gòn cũng là tự Sài Gòn cho mình, mình mở lòng đón nhận và tình cảm đó cứ thế phát triển tiếp.Sài Gòn cho mình nhiều người để nhớ và mỗi người đều cho mình ấn tượng rất đẹp, cho mình những mối quan hệ “lạ kỳ”, như một chú bán trà tắc. Mình từ khách hàng giờ đã trở thành người trong gia đình chú, cứ Tết là lại mang quà biếu qua biếu lại. Hay mỗi bận đi xa Sài Gòn lại thèm toàn những thứ “gì đâu” không, như thèm da diết ổ bánh mì.Sài Gòn có vai trò quan trọng với cảm xúc của mình, cho mình những lần đầu rất vui, lần đầu bị ăn cắp xe máy, lần đầu nghỉ việc… Không ít lần mình phải “cầu cứu Sài Gòn”. Đó là những lúc tâm trạng mình cực kỳ tệ, thế là mình bỏ hết mọi việc, đi loanh quanh, đứng giữa đường nghe tiếng xe, tiếng cô dì đang rao hàng quán… Lắng nghe những thanh âm đó, cảm nhận không khí đó, mình như được tiếp thêm năng lượng tích cực để “cày” tiếp.* Nguyên dự định duy trì “kênh kể chuyện Sài Gòn” của mình như thế nào?- Khi xây dựng được một nơi mang hơi thở tích cực như @odaucungchup, mình thấy phải có trách nhiệm với nó, phải duy trì, khiến nơi này luôn luôn tích cực. Mình thật sự hạnh phúc khi mọi người đến với @odaucungchup một cách rất tích cực.Mình muốn xây dựng kênh này chỉn chu hơn, mang nhiều góc nhìn về Sài Gòn hơn. Mình bắt đầu trang này vì tình yêu nơi này, nên mình vẫn sẽ duy trì nó như tình yêu Sài Gòn của mình. Tình yêu đó vẫn còn mãnh liệt thì trang này cũng sẽ sống rất mãnh liệt.Bùi Nguyễn Văn Nguyên, một người thương Sài Gòn. Ảnh: NVCC Tags: Sài GònNhiếp ảnhNhiếp ảnh giaChợ LớnHẻm sài gònChụp ảnhBùi Nguyễn Văn NguyênẢnh Sài Gòn
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tổ chức bộ máy công an 3 cấp 'bộ, tỉnh, xã', không tổ chức công an cấp huyện THÀNH CHUNG 24/01/2025 Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị khẩn trương triển khai đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương.
Người dân ùn ùn rời Hà Nội nghỉ Tết, cửa ngõ thành phố đông nghẹt hàng cây số HỒNG QUANG 24/01/2025 Kết thúc buổi làm việc cuối cùng, người dân ùn ùn rời Hà Nội để về quê nghỉ Tết. Cửa ngõ phía nam thành phố đông nghẹt người và xe.
PC08 TP.HCM dự báo giao thông các cửa ngõ ùn ứ từ tối nay, 51 đơn vị CSGT đồng loạt ra quân MINH HÒA 24/01/2025 Chiều 24-1 (25 tháng Chạp), đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM dự báo chiều cùng ngày và sáng mai (25-1) tình hình giao thông tại các tuyến đường dẫn lên cao tốc sẽ diễn biến phức tạp.
500 gia đình công nhân bịn rịn rời TP.HCM về quê đón Tết trên chuyến tàu mùa xuân TRIỆU VÂN 24/01/2025 Liên đoàn Lao động TP.HCM đã tiễn 127 gia đình công nhân (499 người) về quê đón Tết trên chuyến tàu mùa xuân.