Nhiều trạm y tế địa phương vẫn hoạt động xuyên Tết, trực cấp cứu 24/24 giờ để người dân an tâm đón Tết - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Làm thế nào nếu trong những ngày Tết tự xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính? Nếu đi du lịch xa không may nhiễm COVID-19 xử lý ra sao?
Vô số những điều cần lưu ý trong các ngày Tết mà người dân cần thận trọng để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình.
Luôn liên hệ với y tế địa phương
Trong những ngày Tết, nguy cơ nhiễm COVID-19 sẽ cao hơn, vì vậy bên cạnh việc luôn tuân thủ quy tắc 5K, người dân cũng nên có những phương án ứng phó nếu không may bị lây nhiễm.
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3 đã khá cao vì vậy nếu không có bệnh nền gì thì tỉ lệ diễn tiến nặng khi nhiễm bệnh rất thấp. Do đó người bệnh cứ giữ tâm lý bình tĩnh nếu có nhiễm COVID-19 vào dịp Tết.
"Quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ quy định cách ly, bảo vệ các thành viên trong gia đình, tuyệt đối không nên giấu bệnh để được vui chơi Tết. Mặc dù Tết nhưng tất cả các đơn vị y tế đều có làm việc nên vẫn thực hiện khai báo với trạm y tế qua các số điện thoại để được hỗ trợ, người bệnh không nên tự ý đến trực tiếp cơ sở y tế", ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, đối với người thân trong gia đình của bệnh nhân, cũng nên đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc gần với người bệnh, vệ sinh các bề mặt mà bệnh nhân tiếp xúc, mở thoáng cửa, giúp lưu thông không khí trong nhà.
Đặc biệt, ông Dũng lưu ý, trong các ngày Tết nếu có người thân chung nhà nhiễm bệnh, những người còn lại nên hạn chế tối đa việc ra ngoài gặp gỡ, chúc Tết để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Về việc theo dõi sức khỏe khi cách ly tại nhà, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện ÐH Y dược TP.HCM - cho biết dù triệu chứng bệnh có nhẹ nhưng bệnh nhân cũng nên kiểm tra tình trạng hô hấp thường xuyên. Nếu người bệnh có các dấu hiệu chuyển nặng phải báo ngay trạm y tế để có hướng xử trí kịp thời.
"Cần lưu ý chỉ số SpO2 nếu dưới 95% có thể là dấu hiệu cảnh báo thiếu oxy trong máu. Nếu nhịp thở trên 20 lần/phút, nhịp tim trên 100 lần/phút đó cũng là dấu hiệu nguy cơ", BS Nam nhắc nhở.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân không đủ điều kiện cách ly và điều trị tại nhà thì sẽ được chuyển đến các bệnh dã chiến điều trị COVID-19.
Từ ngày 19-1, TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Bệnh viện dã chiến Củ Chi cho đến khi có thông báo mới.
Tuy vậy vẫn còn một số bệnh viện điều trị COVID-19 được Sở Y tế phân công hỗ trợ và túc trực xuyên Tết như Bệnh viện dã chiến số 6, 8, 13, 14; bệnh viện điều trị COVID-19 TP Thủ Đức, Củ Chi, Tân Bình, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, An Bình, Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, Phước Lộc.
Làm gì khi đi du lịch bị dương tính?
Ngày Tết, trong quá trình đi du lịch, nếu không may nhiễm COVID-19, người dân nên dừng mọi hoạt động vui chơi và thực hiện cách ly y tế đầy đủ, tránh lây nhiễm.
ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết tùy vào loại phương tiện di chuyển trong chuyến du lịch mà xây dựng các phương án cách ly khác nhau.
"Người dân đảm bảo tuyệt đối việc đeo khẩu trang. Và nếu đi du lịch bằng ôtô của gia đình mà bị dương tính thì người dân có thể quay trở về nhà, không tiếp xúc ai trong quá trình di chuyển, báo cho nhân viên khách sạn nơi thuê vệ sinh, khử khuẩn phòng", BS Vân Anh chia sẻ.
Còn khi đi du lịch bằng xe khách hoặc máy bay không thể quay về, BS Vân Anh cho rằng người dân nên tự cách ly theo dõi trong vòng 5 - 7 ngày tại phòng khách sạn, đồng thời luôn tuân thủ 5K. Sau 5 - 7 ngày thực hiện xét nghiệm lại, nếu kết quả âm tính, có thể quay trở về nhà để tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà.
Các chuyên gia cho rằng trong thời điểm lễ Tết đông đúc, nhất là đã có sự xuất hiện của biến chủng mới, người dân nên hạn chế du lịch xa nhà. Nên tìm hiểu kỹ về các quy định cách ly tại địa phương trước khi đến bởi sẽ có địa phương cho phép khách du lịch tự cách ly tại khách sạn và cũng có nơi bắt buộc phải cách ly tập trung khi nhiễm COVID-19.
Đặt vấn đề có một số khách sạn yêu cầu khách du lịch đến phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, theo các chuyên gia việc này không thật sự cần thiết nếu người dân đã đảm bảo tiêm đủ liều vắc xin, tuân thủ quy tắc 5K.
Trạm y tế sẵn sàng cấp cứu bệnh 24/24 giờ
BS Đinh Nho Tài - trưởng Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM - cho biết trạm y tế vẫn phân công nhân lực đầy đủ túc trực xuyên Tết, đảm bảo kịp thời các công tác thăm khám, cấp cứu khi bệnh nhân liên hệ.
"Công tác phòng dịch, chăm sóc và điều trị bệnh nhân F0 tại nhà trong Tết vẫn được trạm y tế thực hiện bình thường, đảm bảo người dân được an tâm đón mùa Tết bình yên", BS Tài chia sẻ.
Theo BS Tài, trong các ngày Tết người bệnh cũng cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn nhiều các loại bánh, mứt ngày Tết, các đồ ăn nấu đi nấu lại qua ngày. Vì bệnh nhân F0 nếu ngộ độc thực phẩm, việc chuyển cấp cứu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và tăng nguy cơ lây nhiễm nếu không phòng hộ cẩn thận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận