Bà Trương Thị Gấm, thôn 1, xã Tân Hóa, một người nhận phần quà, cho biết: “Nước ngập, lúa ngô giờ không có một hạt nào. Mấy hôm nay tôi phải đi xin gạo để nấu cháo cho con ăn” - Ảnh: HỮU KHÁ |
Hàng trăm người dân đứng ở bờ sông, nón lá sấp ngửa, chân bì bõm trong bùn non ngóng đợi.
Tân Hóa bị cô lập mấy ngày nay và dự kiến còn tiếp tục trong những ngày tới. Ở một nhánh khác, hàng cứu trợ của Tuổi Trẻ cũng đã đến vùng lũ Hương Khê, Hà Tĩnh.
Nhà 9 người ăn cháo cầm hơi
Mắc kẹt giữa những lèn núi đá nên nước ở thung lũng Tân Hóa xuống rất chậm. Nước vẫn mênh mông. Chuyến xe cứu trợ của Quỹ trái tim Hùng Hậu (TP.HCM) phối hợp với báo Tuổi Trẻ đến từ rất sớm nhưng chẳng có cách nào chuyển hàng vào.
Đứng ở bờ sông Rào Nan, nhìn dòng nước đục ngầu bất lực, ông Cao Thanh Bình, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Minh Hóa, than thở: “Huyện miền núi nên chẳng có xuồng. Có hai chiếc xuồng của công an và biên phòng nhưng đang huy động đi tìm người mất tích trong lũ nên chẳng có cách nào chuyển hàng giúp các anh...”.
Bà Đinh Thị Ràng (62 tuổi, thôn 1, Tân Hóa) đang lui cui nhặt những cành củi mục ướt mềm dồn ở góc sân. Cô con gái cùng 6 đứa cháu nheo nhóc ôm cột buồn thiu trước hiên nhà. Căn nhà trống hoác từ trong ra ngoài. Nồi niêu xoong chảo chẳng còn. Nhà bà không có đất trồng lúa.
Mùa rồi được hơn tạ bắp để dành ăn cũng trôi mất. Trâu bò cũng không có. Chó 3 con đều chết chìm trong lũ.
“Mấy ngày nay nhà 9 người nhưng phải nấu cháo cầm hơi” - bà Ràng nước mắt lưng tròng. Bóc gói mì, mấy đứa nhỏ nhai ngấu nghiến.
Hàng xóm của bà Ràng, chị Đinh Thị Biên, cũng chung cảnh ngộ. Chồng mất sớm, không ruộng vườn, chị Biên đi rửa chén thuê ở Ba Đồn nuôi hai con gái.
Nghe tin lũ lớn chị về nhà thì mọi vật dụng đã chìm trong biển nước. Cháu Trương Thị Hận, con chị Biên, đang học lớp 6, nước da xanh tái lí nhí: “Mấy ngày nay con ăn cháo, bụng đói lắm!”.
Nước sạch cũng thiếu. Bên vệ đường nhiều nhà dân súc giếng để lấy nước sạch.
Trường học, trạm y tế, ủy ban xã đến những con đường làng ở Tân Hóa ngập ngụa trong bùn đất. Để có trường lớp cho học sinh sớm trở lại trường, hàng chục giáo viên phải đến trường dọn dẹp bùn đất, lau chùi bàn ghế.
Tuy nhiên, lớp bùn đất quá dày nên việc dọn dẹp không biết khi nào xong, chưa biết ngày nào đón học trò trở lại.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hương, đại diện cho Quỹ trái tim Hùng Hậu, chia sẻ rằng chuyển được những phần quà của đơn vị đến với người dân rốn lũ Tân Hóa lúc này là điều hết sức cấp thiết.
“Dù đường sá cách trở nhưng những phần quà thông qua báo Tuổi Trẻ đã đến được với người dân xa xôi là niềm động viên cho chúng tôi” - chị Hương nói.
Miếng khi đói...
Chiều 17-10, nhiều chuyến hàng cứu trợ nhu yếu phẩm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ tiếp tục đến với người dân vùng rốn lũ ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).
Dù trời không còn mưa nhưng xã Hòa Hải vẫn mênh mông giữa biển nước. Mất gần một giờ thuyền máy chúng tôi mới tiếp cận được trụ sở xã, đưa tới nơi 200 phần quà như dầu ăn, mì gói, sữa, nước khoáng, lương khô… của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.
Đón chúng tôi khi nước ngập vẫn còn ngang bụng, ông Nguyễn Đình Quang, chủ tịch UBND xã Hòa Hải, nói ba ngày qua mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn. 7 thôn trong xã bị ngập, trong đó có gần 140 hộ ngập nặng từ 1-2m. Thiếu thốn đủ bề, khó khăn chồng chất khó khăn.
“Đây là chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đến với người dân chúng tôi. Mấy hôm nay mưa lũ cô lập, người dân chỉ cố thủ ở trên gác nhà. Những phần quà là nhu yếu phẩm đến với người dân những lúc này rất đáng quý và thiết thực” - ông Quang nói.
Theo thuyền men theo hàng cột điện để vào những thôn bị ngập, chúng tôi bắt gặp những xác gia súc, gia cầm nằm vất vưởng ở bụi cây hoặc nổi lềnh bềnh trên nước. Nước rút đến đâu, người dân xã Hòa Hải lau dọn bùn non ở giường tủ, nền nhà đến đó.
Hai ngày đến từng hộ dân trao quà ở hai xã Phương Mỹ và Hòa Hải, anh Nguyễn Thế Hoàn, bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, xúc động khi chứng kiến cảnh hàng trăm hộ dân bị ngập sâu trong nước lũ, lụt.
“Những ngày tới, các đoàn viên cơ sở sẽ cùng chính quyền địa phương chung tay giúp người dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Hơn lúc nào hết người dân ở những vùng ngập lũ đang rất cần những tấm lòng sẻ chia của đồng bào cả nước” - anh Hoàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận