Ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) mỗi ngày cho thấy lượng bệnh nhân khám trị ung thư tại các khoa phòng luôn đông nghẹt.
Đặc biệt những ngày đầu tuần, bệnh nhân từ các tỉnh ùn ùn đổ về làm thủ tục vào khám, xét nghiệm khiến tình trạng chờ đợi tại các quầy làm thủ tục căng thẳng và ngột ngạt.
Bệnh nhân phải đợi cả tuần
Liên tục từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều bệnh nhân phản ánh đến báo Tuổi Trẻ Online về tình trạng phải chờ đợi quá lâu để tới lượt làm các xét nghiệm chuyên sâu về ung thư như chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ…
Ông N.H.P., một bệnh nhân quê Quảng Nam đang điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết từ đầu năm 2023 ông đã trải qua nhiều lần chụp CT nhưng lần nào cũng phải chờ đợi hàng tuần trời mới tới lượt.
"Trước đây thủ tục rất nhanh nhưng từ đầu năm tới nay mỗi lần nhận phiếu chỉ định đi chụp CT từ bác sĩ điều trị rồi xuống phòng chụp phải đợi 3-5 ngày. Do điều trị ngoại trú, mỗi lần đi khám ông phải chạy từ Quảng Nam ra nhận lịch hẹn chụp rồi lần sau ra lại.
Các bác sĩ thông cảm nhưng họ nói máy móc hư hỏng nhiều, các thiết bị quá tải nên bệnh nhân phải chấp nhận vất vả" - ông P. nói.
Bên cạnh đó, một số kỹ thuật trong việc theo dõi, điều trị các bệnh chuyên về ung thư tại Đà Nẵng cũng "đắp chiếu" khiến người bệnh buộc phải đi ra tỉnh khác làm xét nghiệm.
Ông H.H.L., bệnh nhân theo dõi ung thư phổi, cho biết trước đây một số bệnh viện có máy móc chuyên sâu về tầm soát, theo dõi ung thư như Pet CT, xạ hình xương… nhưng thời gian gần đây bệnh nhân muốn thực hiện các kỹ thuật này phải ra Hà Nội, Nghệ An hoặc vào TP.HCM.
"Trước tôi chụp Pet CT ngay một bệnh viện ở Đà Nẵng, nhưng gần đây bệnh viện nói máy đã hỏng nên phải ra Hà Nội để làm. Tốn kém và bất tiện" - ông L. nói.
Máy móc xét nghiệm ung thư 'trùm mền'
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một bệnh viện tại Đà Nẵng cũng nói một số hệ thống máy móc chuyên sâu về ung thư tại đây đang tạm ngưng hoạt động, chờ sửa chữa.
Bác sĩ Trần Tứ Quý - giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng - cho biết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị quá tải hoặc hư hỏng đang gây ra rất nhiều khó khăn cho các y bác sĩ, ảnh hưởng lớn tới người bệnh.
"Trước đây bệnh ít thì các máy làm việc đủ công suất, nhưng vài năm nay lượng bệnh nhân mỗi ngày rất đông, các thiết bị chụp quét phải làm việc liên tục dẫn đến hư hỏng và xuống cấp nhanh.
Từ đầu năm tới nay một số nguồn cung cấp sinh phẩm phục vụ chạy máy bị gián đoạn do biến động bất lợi trên toàn cầu. Mặt khác các máy bị hư hỏng giá sửa chữa lên tới hàng tỉ đồng, mỗi lần hỏng phải tổ chức quy trình đấu thầu, mua sắm và kéo dài nhiều tháng" - bác sĩ Quý nói.
Không có lựa chọn, bệnh nhân muốn làm các xét nghiệm chuyên sâu phải đi các tỉnh khác, trong khi Đà Nẵng từ lâu là trung tâm điều trị các bệnh về ung bướu của miền Trung, Tây Nguyên.
"Trong tình cảnh khó khăn hiện nay chúng tôi phải linh động xử lý bằng nhiều kỹ thuật hỗ trợ khác nhau, hạn chế để bệnh nhân phải đi ra tỉnh khác làm các xét nghiệm chuyên sâu" - bác sĩ Quý nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận