08/10/2012 02:05 GMT+7

May mà chưa đọc

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Trong buổi họp báo ra mắt tác phẩm điện ảnh Việt Nam Scandal - Bí mật thảm đỏ hôm 2-10 tại TP.HCM, đạo diễn Victor Vũ đã nhắn nhủ báo giới không tiết lộ nội dung bộ phim, bởi “trong phim có rất nhiều bí mật”.

rwLfyshI.jpgPhóng to

Không phải ngẫu nhiên đạo diễn Victor Vũ “cảnh giác” như vậy. Một trong những điểm hấp dẫn nhất của Scandal là những tình tiết bất ngờ, ly kỳ, nằm ngoài dự đoán của người xem, “thấy vậy mà không phải vậy”. Chắc chắn trải nghiệm của khán giả đối với bộ phim sẽ bị ảnh hưởng nếu như chưa đến rạp xem mà đã biết hết những bí mật của Scandal.

Chỉ một, hai ngày sau, hàng loạt bài báo giới thiệu, đánh giá bộ phim Scandal đã được tung ra. Điều đáng nói là bất chấp đề nghị của đạo diễn, một số bài viết kể tuốt tuồn tuột nội dung phim, từ số phận của nữ nhân vật chính cho đến sự thật đằng sau những bí mật trong phim. Lỡ khán giả nào không may đọc các bài viết này trước khi đi xem phim thì khó tránh khỏi việc đánh mất cảm giác “À, thì ra là như vậy” mà Scandal có thể tạo ra.

Thực tế không chỉ Scandal là nạn nhân của kiểu “bình phim” (hay đúng hơn là kể nội dung phim) kiểu này. Khá nhiều tác phẩm điện ảnh lớn có, nhỏ có, hay có, dở có... từng bị báo chí liệt kê sạch sẽ nội dung trước khi ra rạp, đến được với khán giả. Tất nhiên hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam.

Giới truyền thông phương Tây gọi các thông tin làm lộ nội dung một bộ phim hay một cuốn sách là “spoiler”, bắt nguồn từ từ “spoil”, có nghĩa là làm hỏng với hàm ý sự tiết lộ này làm hỏng cảm nhận của khán giả. Nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng nhất nước Mỹ Roger Ebert của báo Chicago Sun - Times từng có bài viết với tựa đề: “Các nhà phê bình không có quyền tiết lộ nội dung phim”.

“Các nhân vật trong phim thường không làm những gì chúng ta vẫn làm. Thỉnh thoảng họ có những lựa chọn khiến chúng ta cảm thấy bị xúc phạm. Đó là quyền của họ. Chúng ta có quyền không đồng ý với họ. Nhưng chúng ta không có quyền hủy diệt sự ngạc nhiên của khán giả với những lựa chọn đó”. Ông cho rằng với một số bộ phim, thậm chí việc hé lộ nội dung phim có sự ngạc nhiên cũng là sự tiết lộ quá đáng.

Ông Roger Ebert luôn tuân thủ nguyên tắc này, nhưng ông cũng thừa nhận có đôi lúc nhiều khán giả vẫn chỉ trích ông tiết lộ nội dung phim quá nhiều. “Một bộ phim hay hoặc dở không phải vì nội dung, mà vì xử lý nội dung đó như thế nào. Khán giả không bao giờ muốn được báo trước những tình tiết gây bất ngờ của bộ phim, và họ sẵn sàng gửi những lá thư đầy giận dữ đến các nhà phê bình vi phạm nguyên tắc này” - ông Roger Ebert khẳng định.

Đương nhiên có đôi lúc nhà phê bình buộc phải tiết lộ một phần nội dung phim để đánh giá. Và các nhà phê bình điện ảnh phương Tây tìm đến một giải pháp mang tính thỏa hiệp. Các bài bình phim trước khi kể nội dung luôn có một câu “spoiler alert”. Đó là lời cảnh báo các đoạn dưới đây có tiết lộ nội dung phim, khán giả nào không muốn các thông tin này ảnh hưởng đến trải nghiệm khi xem phim có thể ngừng đọc.

Đã đến lúc những người chuyên viết bài phê bình điện ảnh ở làng báo Việt Nam phải áp dụng nguyên tắc nói không với spoiler, hoặc ít nhất đưa ra cảnh báo “spoiler alert”. Bởi nói như Roger Ebert, việc tiết lộ nội dung phim chẳng khác nào hành vi phá hủy sự thành công của bộ phim.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên