24/01/2015 14:14 GMT+7

Ông Sáu Hổ được Chủ tịch nước tặng huân chương

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TTO - Ông Sáu Hổ, người đã bỏ nhiều công sức để sáng chế ra chiếc máy "xới trục liên hợp" vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động.

Ông Sáu Hổ đang hoàn tất công đoạn cuối: lắp giàn trục cho máy - Ảnh: Văn Quý

Mấy bữa nay, xưởng cơ khí nhỏ của ông Sáu Hổ (Cao Phi Hổ, 50 tuổi) bên bờ kinh Xáng Xà No, thuộc xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang xôm tụ hẳn bởi nhiều chủ ruộng hay tin ông sáng chế ra chiếc máy “xới trục liên hợp” - đã tìm tới đặt hàng.

Máy "xới trục liên hợp" tiện lợi cho nông dân

Ông Hai Đoàn, nông dân ở Bình Minh (Vĩnh Long) xòe tay tính: “Nếu thuê máy xới và máy trục riêng biệt để làm đất thì mất tổng chi phí 140 ngàn đồng/công (1.000 m2), trong khi đó sử dụng chiếc máy hai trong một của ông Sáu Hổ chỉ tốn 100 ngàn đồng/công. Nhưng quan trọng hơn là rút ngắn thời gian làm đất để có thể gieo sạ sớm. Tui định bụng sang đây đặt ông Sáu làm luôn một máy thật ngon lành, trước là phục vụ 80 công đất nhà, sau đó đi làm thuê cho cho mấy chủ đất chung quanh, chừng một mùa là lấy vốn đầu tư như chơi”.

Ngoài tính hiệu quả, thì giá cả cũng là một lợi thế. “Bỏ ra có 65-70 triệu đồng mà được chiếc máy hai trong một, vừa xới vừa trục, trong khi đó nếu mua máy xới hoặc máy trục riêng lẻ đã tốn 110-120 triệu đồng/chiếc”- ông Nguyễn Văn Tâm, nông dân ở quận Phong Điền, thành phố Cần Thơ nói.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sáu Hổ khề khà: “Xuất thân trong gia đình nông dân, tui nhận thấy trồng lúa có thu nhập thấp so với nhiều loại cây trồng khác, do chi phí đầu tư ngày càng cao. Trong đó đáng chú ý là khâu làm đất. Sau khi mướn máy xới đất xong, người nông dân lại phải xoay xở đi tìm máy trục cho đất tơi ra mới có thể gieo sạ. Quy trình này mất từ 10-15 ngày, trong khi chi phí có lúc lên tới 1,7-2 triệu đồng/ha. Từ đó tui suy nghĩ và trăn trở rất nhiều, rồi tự đặt ra câu hỏi: tại sao không kết hợp hai chiếc máy xới và máy trục thành một, để vừa tiết kiệm chi phí, vừa rút ngắn thời gian làm đất”.

Tự ái nên quyết tâm chế tạo ra máy

Sau nhiều ngày ra đồng quan sát cách vận hành của từng chiếc máy, ông Sáu Hổ đã bật ra sáng kiến: đưa giàn xới ra phía trước, thay vì để phía sau (như những máy xới thông thường), rồi lắp thêm giàn trục vào thay cho phần bánh của máy xới.

Tưởng chỉ đơn giản là thay đổi cấu trúc, nhưng để có chiếc máy xới trục liên hợp, ông Sáu Hổ đã phải thiết kế, chế tác lại toàn bộ, từ khung máy, giàn xới, giàn trục, hệ thống thủy lực trợ lái, và trợ lực hạ bông trục - bông xới… cho đồng bộ.

Trừ động cơ máy nổ (thường là máy D33 hoặc máy xe đã qua sử dụng) và hộp số là những thứ không thể chế tạo được, còn lại những bộ phận khác của máy do ông Sáu Hổ mày mò, chế tác và không ngừng cải tiến để cho ra chiếc máy xới trục liên hợp hoàn chỉnh.

Ông Sáu Hổ tại xưởng cơ khí - Ảnh: Tấn Đức  

Thực ra ý tưởng “chế tạo ra một chiếc máy nông nghiệp mang thương hiệu Việt” đã hình thành trong ông Sáu Hổ - người nông dân từng là sinh viên Trường Sư phạm kỹ thuật 4 (Vĩnh Long) - từ cách đây hơn 15 năm.

“Dạo đó các loại máy nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy xới, máy trục các xuất xứ Trung Quốc và các nước đã tràn vào đồng ruộng xứ mình. Thực trạng đó khiến tui thấy tự ái ghê lắm. Tại sao mình không sáng chế nổi cái máy để dân mình dùng”.

Mong được hỗ trợ vốn để sản xuất ra nhiều máy cho bà con

Để có tiền thỏa chí đam mê sáng tạo, ông Sáu Hổ đã phải thế chấp căn nhà nhỏ bên bờ kinh Xáng Xà No để vay ngân hàng 100 triệu đồng làm vốn. Tiền cứ vơi dần, nhưng máy vẫn chưa hoàn chỉnh như mong muốn.

Tới giai đoạn cuối, vào tháng 11-2012, ông Sáu Hổ được huyện Châu Thành A “mồi” thêm hơn 40 triệu đồng, từ nguồn kinh phí tài trợ thực hiện dự án nghiên cứu “Máy xới trục liên hợp” cấp huyện, do ông đề xuất.

Tháng 3-2013, chiếc máy hoàn chỉnh lần cuối, được hội đồng khoa học đánh giá rất cao về tính sáng tạo cũng như hiệu quả mang lại cho nông dân: Độ tơi xốp. độ sâu, độ bằng phẳng của đất đạt yêu cầu, dễ gieo sạ; chi phí sản xuất thấp, nhiên liệu giảm; phù hợp với tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp và đặc biệt có tính nội địa hóa hoàn toàn…

“Máy xới trục liên hợp của ông Sáu Hổ hiệu quả lắm, đáp ứng nhu cầu của đông đảo nông dân trong và ngoài địa phương”-ông Lê Quang Hà, phụ trách khoa học công nghệ phòng Kinh tế- hạ tầng huyện Châu Thành A - khẳng định.

Vậy nhưng, ông Sáu Hổ, người đã bỏ nhiều công sức để sáng chế ra chiếc máy vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động - bày tỏ băn khoăn: “Với khả năng tài chính hạn hẹp, cơ sở chỉ có thể sản xuất từng chiếc một để lấy vốn xoay vòng. Tui mong được hỗ trợ vốn để nâng cao khả năng sản xuất theo đơn đặt hàng của của nhiều nông dân xa gần”!

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên