26/05/2018 14:55 GMT+7

'May không bị điểm thấp, nếu không con nhừ xương với bố'

TIÊU NHI
TIÊU NHI

TTO - Chúng ta hẳn không xa lạ gì khi trong những lần gặp gỡ của phụ huynh, câu hỏi cửa miệng luôn là: Con anh/chị học trường nào? Con bé/thằng bé đạt học sinh gì?...

May không bị điểm thấp, nếu không con nhừ xương với bố - Ảnh 1.

Không ít phụ huynh hiện xem điểm số của con là ''thước đo'' của sự thành công - Ành: Tes

Sáng nay, khi vào một quán quen, tôi tình cờ gặp một cậu học trò mình dạy 2 năm trước. Bây giờ em đang là học sinh lớp 8 của một trường thành phố. Em khoe: "Cô ơi, em làm bài thi văn được 8,5 điểm''.

Em nói tiếp: "Năm nay em đạt học sinh giỏi như năm trước cô à, nhưng tổng phẩy em chỉ đạt 8,6 thôi''. Tôi chúc mùng em, nhưng em bí xị: "Chúc mừng gì cô ơi, ba mẹ em bảo phải đạt 9,0 mới có thưởng". 

Rồi em vừa nói một mình vừa cúi mặt xuống món điểm tâm: "Có phải siêu nhân đâu mà đạt đến 9.0".

Tôi ngồi nhìn em, cậu học trò ngây thơ năm nào, với bao suy nghĩ. Em xuất thân trong một gia đình danh giá với truyền thống hiếu học, hai năm trước dạy em, tôi có đôi lần tiếp xúc với cha mẹ em. 

Họ không tiếc tiền bạc, đầu tư công sức, thời gian để cho con học. Từ học chính khóa, ngoại khóa, học thêm tại nhà cô, học kèm tại nhà mình… miễn sao con đạt học sinh giỏi. 

Tôi nhớ hồi hè vào đầu năm lớp 6, em đã phải "chạy sô" học thêm chứ không phải mới đây. 

Khác với vẻ mập mạp ngày xưa, em bây giờ ốm hẳn. "Em rất cố gắng nhưng không tài nào đạt đến 9.0". Nghe em than, tôi không biết phải nói gì hơn.

Chợt nhớ cô bé cạnh nhà tôi. Em đang học lớp 9, bố làm nghề điện nước, mẹ buôn bán lặt vặt để kiếm sống. Hai vợ chồng mong em đậu vào một trường cấp ba có tiếng, nhưng mục tiêu trước mắt là em phải đạt điểm cao trong tất cả các môn học.

May nhờ chăm chỉ, cần cù và có định hướng rõ cho tương lai nên em học giỏi đều các môn và có chân trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. 

Ở cạnh nhà nhưng tôi rất hiếm khi thấy em vì em đi học thêm suốt. Nếu có ở nhà thì em cũng không ra ngoài chơi vì "con bận học bài cô ạ, cứ được điểm 10 là con được bố mẹ thưởng". 

Hôm rồi tình cờ gặp, em hớn hở: "Cô chúc mừng con đi, con thi văn được 9,8 điểm, nhất khối 9 của trường con. Tới đây con được thưởng nhiều lắm cô ơi".

Con bé tiếp tục huyên thuyên với vẻ mặt sung sướng khó tả: "Được 9,8 điểm mà lúc đầu con nhìn ngược điểm, tưởng 6,8 điểm mà hết hồn hết vía. Con mà bị điểm thấp chắc con nhừ xương với bố con quá".

Thời điểm này, con bé tiếp tục vùi đầu vào ôn thi để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Cả em và cậu bé kể trên giờ như những con robot, chẳng biết làm gì ngoài ăn và học. Tuổi thơ của các em do ai đánh cắp? 

Chúng ta hẳn không xa lạ gì khi trong những lần gặp gỡ của phụ huynh, câu hỏi cửa miệng luôn là: Con anh/chị học trường nào? Con bé/thằng bé đạt học sinh gì?... 

Những con điểm, con phẩy bỗng dưng lại có sức mạnh vô hình trong suy nghĩ của những bậc làm cha làm mẹ. 

Cứ như vậy, đến bao giờ tuổi thơ của các con mới trở về đúng nghĩa?

Con không dám đi đâu vì sợ bị hỏi "cuối năm được mấy điểm?"

TTO - Tôi không ngờ rằng dù hết học và thi rồi mà con vẫn không thoát khỏi áp lực. Được điểm 9 mà con khổ sở, không dám ra ngoài chơi vì sợ bị hỏi 'cuối năm cháu được mấy điểm?'.

TIÊU NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên