Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện có gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng. Việc phát hiện sớm, theo dõi và điều trị ổn định bệnh đái tháo đường là vô cùng cần thiết.
Để phục vụ nhu cầu theo dõi chỉ số tiểu đường, nhiều cửa hàng rao bán các thiết bị đo tiểu đường không cần lấy máu. Một cửa hàng trên trang thương mại điện tử đăng tải mặt hàng máy đo đường huyết nhanh cảm biến.
Cửa hàng này giới thiệu sản phẩm dễ dàng kiểm tra nồng độ đường huyết bằng cách sử dụng đầu đọc quét lên cảm biến được gắn cố định ở mặt sau của cánh tay trên. Đọc kết quả đường huyết qua một lần quét chỉ kéo dài một giây và không gây đau đớn, hạn chế chích máu đầu ngón tay nhiều lần để đo. Quảng cáo cũng "khẳng định" cho kết quả chính xác.
Về vấn đề này, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Bảy - trưởng khoa nội tiết đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết gần đây ông cũng liên tục được nhiều bệnh nhân và người quen hỏi có nên mua/sử dụng các thiết bị đo đường huyết dưới dạng đồng hồ hay vòng tay không? Trên mạng cũng thấy tràn ngập các quảng cáo về thiết bị này.
Bác sĩ Bảy nêu rõ cảm biến glucose không xâm lấn được định nghĩa là kỹ thuật đo được nồng độ glucose trong máu mà không cần lấy máu hoặc đưa thiết bị đo vào trong cơ thể. Mục tiêu là có được nồng độ đường huyết mà không gây đau đớn, không cần đâm kim qua da.
Theo bác sĩ Bảy, các máy đo đường huyết không xâm lấn hiện nay là sản phẩm của các công ty dụng cụ y tế hoặc công ty kỹ thuật. Các sản phẩm này có ưu điểm là không xâm lấn, không gây đau và không có nguy cơ nhiễm trùng, rất thuận tiện cho việc đọc kết quả.
"Tuy nhiên cho đến nay, chưa có thiết bị đo glucose không xâm lấn nào được FDA (Hoa Kỳ) chấp thuận do chưa đạt được độ chính xác theo tiêu chuẩn ISO.
Nhìn chung, các hệ thống này chưa đủ khả năng đo chính xác nồng độ glucose sau khi hiệu chuẩn, thường được thực hiện khi đo nồng độ đường huyết trong quá trình làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, do đó rất ít được sử dụng trong lâm sàng", bác sĩ Bảy khẳng định.
Bác sĩ Bảy cũng cho biết thêm gần đây, người ta đã chú ý nhiều đến phép đo glucose trong nước mắt. Phương pháp này sử dụng một chất cảm biến sinh học glucose được in trên màn hình hoặc một vật liệu tinh thể dạng keo, có thể đặt vào mặt trong của kính áp tròng để đo nồng độ glucose trong dịch nước mắt.
"Tuy nhiên một câu hỏi quan trọng chưa được trả lời là liệu nồng độ glucose trong nước mắt có tương quan đủ chặt với nồng độ glucose máu để đưa ra các quyết định lâm sàng không?
Cho đến nay, các nghiên cứu về mối tương quan giữa nồng độ glucose trong máu và nước mắt ở cả người và động vật đều không đưa ra được kết luận", bác sĩ Bảy nói.
Bác sĩ Bảy cũng khẳng định hiện các tổ chức y tế không khuyến cáo sử dụng các hệ thống đo đường huyết không xâm lấn để thay thế các kỹ thuật đo đường huyết mao mạch, hoặc đo đường huyết liên tục (CGM). Cần thêm thời gian và bằng chứng về phương pháp đo đường huyết không xâm lấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận