Chiều 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho hay Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia nói trên, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025.
Ông cho biết từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách về tài khóa, tiền tệ đẩy mạnh dự án hạ tầng giao thông, năng lượng. Trong đó nhiều dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, Trung ương Đảng cũng đã cho chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827ha. Những dự án này sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.
Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt tại nghị quyết 39/2021. Tuy nhiên nhiều địa phương đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 có sự tăng, giảm khá lớn so với chỉ tiêu được phân bổ.
Vì vậy một số chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 không còn phù hợp với nhu cầu thực tế.
Tờ trình nêu rõ nếu không được điều chỉnh, bổ sung sẽ làm giới hạn nhu cầu sử dụng một số loại đất cụ thể tại địa phương, gây khó khăn triển khai dự án trọng điểm quốc gia.
Chỉ trồng lúa người dân không khá nổi
Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng đề nghị qua đợt điều chỉnh này nghiên cứu đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo ông Tới, quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản là đất trồng lúa, giới hạn rất nhiều nên không thể phát triển công nghiệp, dịch vụ khác được.
"Tôi suy nghĩ rằng trồng lúa rất là tốt rồi. Nhưng không có đất nước, vùng nào giàu lên do trồng lúa hết, mà phải phát triển công nghiệp và dịch vụ khác.
Vì vậy đề nghị điều chỉnh phân bổ hợp lý đất trồng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác. Đồng thời phải phù hợp với quy hoạch trồng lúa của các vùng, và phù hợp phát triển kinh tế của cả nước", ông Tới nêu.
Ông Tới cũng cho rằng với riêng Đồng bằng sông Cửu Long, việc quy hoạch đất trồng lúa phải kết hợp việc phát triển hợp lý về công nghiệp và các ngành khác.
Ông chia sẻ thời bao cấp, cả nước đang thiếu lương thực, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi làm lương thực cứu các nơi thoát đói. Nhưng mấy chục năm qua, người dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn nghèo. Bởi làm lương thực, người dân không khá nổi.
"Tôi đề nghị điều chỉnh đất trồng lúa hợp lý giữa vùng miền và thứ hai là để phát triển công nghiệp hợp lý", ông Tới nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia là đảm bảo nhu cầu sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Ông chỉ rõ với đất nước ta từ mấy chục năm nay, vấn đề an ninh lương thực là rất quan trọng.
“Vì sao chúng ta giữ diện tích đất trồng lúa dù trồng lúa có thể lời không nhiều, có thể đủ ăn hoặc thiếu ăn nhưng vì an ninh lương thực quốc gia, mà an ninh lương thực quốc gia góp phần an ninh lương thực quốc tế. Nước ta nằm trong top đầu về xuất khẩu gạo", ông Mẫn nêu.
Theo ông Mẫn, qua tình hình thế giới có nhiều biến động, ngay cả dịch COVID-19 thì vấn đề an ninh lương thực là vấn đề đặt lên hàng đầu...
Giải trình sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lần này sẽ có chỉ tiêu tăng rất lớn như chỉ tiêu đất giao thông.
Theo ông Hà, chỉ cần Quốc hội bấm nút thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì nhu cầu sử dụng đất giao thông sẽ tăng lên rất lớn. Số này không thể lấy từ đâu khác ngoài 3,5 triệu ha đất nông nghiệp và 15,6 triệu ha đất lâm nghiệp.
Ông chỉ rõ khi điều chỉnh chỉ tiêu này phải có nghiên cứu rất kỹ. Làm sao đảm bảo an ninh lương thực nhưng nên giữ bao nhiêu, ở đâu cần phải giữ, phân bổ thế nào đó để trách nhiệm về đảm bảo an ninh lương thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận