Tiêm kích F-35B hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công USS Wasp của Mỹ - Ảnh: US NAVY
Hôm 26-3, trong lá thư gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn và James Inhofe đã hối thúc Washington nên nhanh chóng bán F-35 cho Đài Loan để tăng cường năng lực phòng thủ của vùng lãnh thổ này và chống lại "các tham vọng bành trướng quân sự của Trung Quốc".
"Sau nhiều năm hiện đại hóa quân sự, lần đầu tiên kể từ những năm 1950, Trung Quốc cho thấy họ có đủ khả năng phát động một cuộc chiến chống lại Đài Loan", hai thượng nghị sĩ Mỹ viết.
Hồi đầu tháng 3 này Trung Quốc đã mở 4 đường bay thương mại mới qua Eo biển Đài Loan. Vài tuần sau đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng di chuyển gần hòn đảo này.
Những động thái mới khiến Đài Bắc cảnh giác sau khi có báo cáo nói các máy bay chiến đấu Trung Quốc đã lượn lờ xung quanh Đài Loan ít nhất 15 lần trong năm 2017. Bắc Kinh gần như không quan tâm đến điều này, bởi với họ Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc và họ có quyền làm điều đó.
Bán F-35 cho Đài Loan là một ý tưởng không tồi dưới góc độ của một nhà buôn vũ khí. Nhưng quyết định này còn dính tới nhiều chuyện khác, bao gồm các phản ứng chính trị từ Trung Quốc. Nhiều chuyên gia lo ngại những chiếc F-35 có thể trở thành bầy "voi trắng" của Đài Bắc, tức chi phí bảo dưỡng và vận hành ngốn nhiều tiền nhưng không đem lại hậu quả như ý.
Ném đá hành lang
Hồi đầu tháng này các quan chức quốc phòng Đài Loan đã công khai xác nhận tiếp tục quan tâm tới tiêm kích F-35 của Mỹ. Trong lá thư của hai thượng nghị sĩ Cornyn và Inhofe, Đài Bắc được cho là có hứng thú đặc biệt với phiên bản F-35B dành cho Hải quân với khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng.
"Khả năng sống sót của F-35B và những cảm biến tầm xa cho phép Đài Loan đánh chặn các tên lửa Trung Quốc, tăng khả năng răn đe thêm ít nhất một thập kỷ nữa", thư nêu rõ.
Đây không phải là lần đầu tiên Đài Bắc công khai sự quan tâm tới F-35B. Theo tạp chí The Diplomat, vào tháng 5-2002, các quan chức Đài Loan từng bày tỏ mong muốn mua ít nhất 100 chiếc F-35B từ Mỹ. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay Đài Bắc chưa từng chính thức gửi yêu cầu đến Mỹ, tất cả chỉ được nói miệng.
Điều này làm dấy lên suy đoán Đài Bắc cảm thấy khả năng bị bác bỏ khá cao nên không vội, thay vào đó tập trung vận động hành lang, tác động lên giới cầm quyền Mỹ bằng nhiều cách.
Lá thư của hai thượng nghị sĩ Cornyn và Inhofe là một ví dụ. Hồi năm rồi, hai thượng nghị sĩ Tom Cotton và Corey Gardner cũng trình một dự luật ra Quốc hội Mỹ.
Mặc dù nó chưa bao giờ được thông qua, nhưng các ý tưởng trong dự luật về các chuyến trao đổi song phương, huấn luyện và ngoại giao chiến hạm đã được đưa vào một đạo luật được Tổng thống Trump ký hồi cuối năm 2017.
Đốt tiền vì F-16V hay F-35B?
F-16 của Đài Loan tại căn cứ ở Hoa Liên năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Thực tế, nói như các chuyên gia, có vẻ như Đài Bắc đang đánh cược giữa mua mới F-35B và F-16 theo kiểu không được cái này sẽ được cái kia.
Hai thượng nghị sĩ Cornyn và Inhofe gợi ý nếu Washington không đồng ý bán F-35, loại máy bay chỉ mới xuất khẩu cho các đồng minh thân cận nhất, Tổng thống Trump có thể bán các tiêm kích F-16V mới cho Đài Bắc.
Năm 2011, Tổng thống Barack Obama đã có một bước đi khôn khéo vừa tránh không làm mất lòng Đài Loan, vừa khiến Trung Quốc bực tức ở mức độ vừa phải.
Ông Obama khi đó đồng ý cho phép nâng cấp các tiêm kích F-16 được Mỹ bán cho Đài Loan từ năm 1993 thay vì bán các tiêm kích F-16 C/D mới cho Đài Bắc bất chấp các sức ép từ các nhà lập pháp.
Đài Loan hiện còn khoảng 65 tiêm kích F-16 sẵn sàng chiến đấu, bên cạnh tiêm kích F-CK-1 Ching-kuo do vùng lãnh thổ này tự chế tạo.
Nếu lực lượng phòng không của Đài Loan bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, tôi e là điều này có thể kích thích Trung Quốc có các hành động bành trướng. Thêm vào đó, chúng tôi quan ngại rằng một khi Đài Loan có lực lượng quân sự yếu, bao gồm không có khả năng xây dựng một lực lượng không quân đáng tin cậy, sẽ tạo ra một gánh nặng lớn đối với các lực lượng Mỹ ở Đông Bắc Á"
Thư của hai Thượng nghị sĩ Cornyn và Inhofe
Tiêm kích F-CK-1 Ching-kuo (trên) và F-16 của Đài Loan trong một lần bay chung - Ảnh chụp màn hình
Phòng thủ hay tấn công?
Ngày 27-3, chỉ một ngày sau khi thông tin về lá thư đề nghị bán F-35B cho Đài Loan của nghị sĩ Mỹ được công bố, Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc đã phản pháo.
Viết trên tờ báo chính thức của chính quyền Bắc Kinh, tướng về hưu Wang Hongguang chỉ cách "rất dễ dàng" để Trung Quốc tấn công Đài Loan. Theo ông này, các đợt ném bom trải thảm của Trung Quốc trong vòng 48 giờ có thể vô hiệu hóa hoàn toàn quân đội Đài Loan.
Một số chuyên gia quân sự không đánh giá cao ý tưởng bán F-35B cho Đài Loan. Bất chấp việc nó hiện đại và có khả năng cất cánh/hạ cánh thẳng đứng, không gì đảm bảo nó có thể sống sót sau một đợt tấn công phủ đầu Đài Loan bằng tên lửa của Trung Quốc.
Khu vực eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục vẫn là một trong những nơi tập trung dày đặc các loại vũ khí nhất thế giới. Các tên lửa đạn đạo từ bờ Trung Quốc chỉ mất vài phút để đến Đài Loan trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu muốn tạo sự khác biệt, Đài Loan cần số lượng lớn các tiêm kích F-35B. Điều này là khó khả thi nếu nhìn vào tiến độ giao hàng của Mỹ và khả năng tài chính của Đài Bắc.
Cây bút Franz-Stefan Gady của The Diplomat đề xuất Đài Loan nên dành tiền mua hoặc phát triển hệ thống phòng không mới thay vì đổ tiền cho F-35B.
Nhiều chuyên gia quân sự nhận xét với năng lực hiện nay của quân đội Trung Quốc, tư duy đổ vũ khí cho Đài Loan để "tàu chiến Trung Quốc không thể rời khỏi cảng" đã lỗi thời.
F-35B cất cánh và hạ cánh thẳng đứng trên tàu USS Wasp hoạt động ở biển Hoa Đông tháng 3-2018. Đây là lần đầu tiên nó được triển khai hoạt động trên biển, theo Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ - Nguồn: US NAVY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận