Để dễ hình dung, máy bay siêu thanh trên sẽ nhanh hơn năm lần so với máy bay thương mại thông thường, rút ngắn thời gian di chuyển từ New York đến London từ tám tiếng xuống chỉ còn 90 phút.
Siêu dự án máy bay siêu thanh
Đây là giai đoạn phát triển tiếp theo sau khi NASA thử nghiệm máy bay "siêu thanh yên tĩnh" X-59 thuộc dự án QuessT (công nghệ siêu thanh yên tĩnh).
Năm 2016, NASA triển khai dự án QuessT và trao hợp đồng trị giá khoảng 236 triệu USD cho Lockheed Martin để thiết kế X-59 - một máy bay sở hữu công nghệ làm giảm tiếng nổ siêu thanh.
Tháng 7-2023, tập đoàn này tuyên bố hoàn thành việc chế tạo máy bay X-59 cho NASA. Nó có thể di chuyển với tốc độ 925 dặm/h (1.488km/h) ở độ cao 16.764m mà không tạo ra tiếng ồn khó chịu. NASA đặt mục tiêu thử nghiệm loại máy bay này tại các TP ở Mỹ trong năm 2024, thu thập phản ứng của người dân để gửi báo cáo lên Chính phủ Mỹ trong năm 2027.
Họ hy vọng X-59 có thể "dọn đường" để phát triển các máy bay siêu thanh thương mại có tốc độ từ 1.500 - 3.000 dặm/h (2.414 - 4.828km/h).
Các máy bay dân dụng cỡ lớn ngày nay đang di chuyển với tốc độ khoảng 600 dặm/h (965km/h), một chuyến bay từ New York đến London mất khoảng tám tiếng. Như vậy, máy bay của NASA có thể rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa điểm trên xuống chỉ còn 90 phút.
Họ cũng chẳng hề tuyên bố "suông" khi cho biết đã ký hợp đồng với Boeing và Northrop Grumman để nghiên cứu máy bay có khả năng duy trì tốc độ siêu thanh trong giai đoạn tiếp theo của dự án.
Trung tâm nghiên cứu Glenn của NASA thông báo đã có "thị trường khách hàng tiềm năng trên khoảng 50 chặng bay", tuy nhiên bị giới hạn trong các tuyến xuyên đại dương vì nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm cả Mỹ) đã cấm các chuyến bay siêu thanh ở các chặng trên đất liền.
Đừng quên thảm kịch Concorde
Thực tế, máy bay siêu thanh thương mại từng được khai thác trong lịch sử, nổi bật là chiếc Concorde - một thành tựu hợp tác của Anh và Pháp trong những năm 1960 và được coi là biểu tượng lịch sử của ngành hàng không.
Được đưa vào phục vụ từ năm 1976, nó di chuyển với tốc độ tối đa là 2.179km/h và đã lập được nhiều kỷ lục, trong đó có thời gian bay chỉ 2h50’59s giữa New York và London vào ngày 7-2-1996.
Theo trang History-Computer, ưu điểm duy nhất của Concorde là thời gian di chuyển ngắn. Bất chấp sự xuất sắc về công nghệ, Concorde bị hạn chế bay tại nhiều nước
như Hà Lan, Thụy Điển, Tây Đức, Na Uy và Mỹ vì nó tạo ra tiếng nổ siêu thanh khi bay, có thể làm vỡ kính và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên mặt đất. Giá vé quá cao từ 8.000 - 11.000 USD thực sự không phù hợp với hầu hết người dân, trong khi khách hàng có tiền chi lại chẳng hài lòng về không gian và trải nghiệm trên máy bay.
Việc sử dụng máy bay này giảm dần do chi phí chế tạo, khai thác và bảo trì Concorde khá tốn kém mà lại không mang về lợi nhuận.
Ngày 25-7-2000, một máy bay Concorde xuất phát từ sân bay Charles de Gaulle cán phải một mẩu kim loại trên đường băng làm nổ nốp và một mảnh cao su vụn đã bắn vào khoang nhiên liệu, gây chập điện và hỏng động cơ. Sau đó, nó đâm vào một khách sạn ở Paris, khiến toàn bộ 100 hành khách, 9 thành viên phi hành đoàn và 4 người đi bộ trên đường thiệt mạng.
Vụ tai nạn này làm xấu đi hình ảnh của biểu tượng hàng không trong mắt công chúng, dẫn đến việc Concorde chính thức dừng khai thác vào năm 2003, sau 27 năm hoạt động.
Quay trở lại tham vọng của NASA. Kế hoạch của cơ quan này phụ thuộc lớn vào việc liệu khả năng làm giảm tiếng nổ siêu thanh của X-59 có được công nhận hay không. Tiếng nổ siêu thanh được tạo ra khi một vật thể di chuyển nhanh hơn tốc độ của âm thanh.
Lúc này, sóng xung kích va đập vào không khí khiến âm thanh được tạo ra nghe giống như một vụ nổ hoặc sấm sét, đạt tới khoảng 110 decibel (dB).
Đây là lý do khiến việc vận hành máy bay siêu thanh ở khu vực đông dân cư bị cấm. Hồi năm 2021, Không đoàn 142 của Không quân Mỹ đã phải lên tiếng xin lỗi khi máy bay của đơn vị này ở bang Oregon vô tình gây ra một vụ nổ siêu thanh khiến người dân hoảng sợ vì tưởng là động đất. NASA khẳng định sẽ xem xét toàn diện kế hoạch này.
NASA nhấn mạnh an toàn, trách nhiệm
Chương trình Phương tiện hàng không tiên tiến (AAV) của NASA khẳng định trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, họ sẽ cùng các đối tác ký kết thỏa thuận "khám phá các tiềm năng trong hàng không dân dụng, vạch ra các rủi ro và thách thức đồng thời xác định các công nghệ cần thiết" để biến việc thương mại hóa máy bay siêu thanh thành hiện thực.
Bà Mary Jo Long-Davis, giám đốc dự án Công nghệ siêu thanh của NASA, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc tính an toàn, hiệu quả, các yếu tố kinh tế - xã hội của tham vọng này. Bà khẳng định cần "đổi mới một cách có trách nhiệm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận