Mới đây, một đoạn clip về chiếc máy bay "mặc áo lạnh" đã viral trên mạng xã hội ngay sau khi xuất hiện. Nhiều cư dân mạng tin rằng chiếc áo "siêu to khổng lồ" này có thể giúp chiếc máy bay Boeing chống chọi được cái giá lạnh ở Alaska (Mỹ), khi thời tiết xuống dưới âm hàng chục độ C.
Máy bay phải "mặc áo lạnh", thật sao?!
Thực tế, máy bay được thiết kế với lớp vỏ có thể chịu đựng nhiệt độ thấp, kể cả khi nó hoạt động tại vùng Alaska, nơi nhiệt độ có thể xuống tới -60 độ C (-80 độ F) hoặc thấp hơn.
Theo các bài đăng, chiếc áo lạnh này có thể bao trùm cả khu vực cabin, tùy chỉnh đóng mở. Thiết kế này bảo vệ máy bay khỏi cái giá lạnh khắc nghiệt của Alaska và đảm bảo hoạt động bay an toàn, hiệu quả.
Chiếc máy bay được "mặc áo lạnh" khiến dân mạng trầm trồ.
Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là một video được tạo ra bởi AI nhằm quảng bá cho thương hiệu Decjuba tại Úc. Nhiều cư dân mạng đã "tin sái cổ" đoạn video thu hút hơn 18 triệu lượt xem trên, sau khi nó được hàng loạt các trang mạng xã hội chia sẻ lại, với những dòng chú thích kiểu "tam sao thất bản".
Simon Calder, phóng viên du lịch của The Independent, khẳng định: "Máy bay đâu có giống con người. Nó không cần bất kỳ loại quần áo đặc biệt nào để đối phó với cái lạnh đâu. Khi hoạt động ở độ cao 40.000 feet (hơn 12.000m), nhiệt độ không khí bên ngoài thường từ -50 độ C đến -60 độ C, máy bay vẫn chịu đựng được. Thậm chí có xuống -75 độ C cũng chẳng hề hấn gì".
Còn theo Air Canada, máy bay được chế tạo để chịu đựng "nhiệt độ thấp". Ở tầm bay thông thường, nhiệt độ bên ngoài thường khoảng -57 độ C. Tạp chí enRoute của hãng hàng không này còn cho biết "các phi công thích không khí lạnh hơn" vì nhiệt độ thấp giúp tạo lực nâng lớn hơn lên cánh và bộ điều khiển bay.
Dù vậy, máy bay vẫn có thể gặp một số trục trặc nếu tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp lúc đỗ dưới mặt đất. Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), máy bay sẽ được làm ấm hoặc cất giữ trong nhà chứa máy bay trước khi cất cánh ở Alaska.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận