Theo tạp chí EurAsian Times, Mỹ đã tham gia vào cuộc xung đột Ukraine kể từ năm 2014 và một số hoạt động thông qua các quốc gia ủy nhiệm trong Tổ chúc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Sự tham gia hiện tại của Mỹ
Mặc dù không chính thức đặt chân lên mặt đất ở Ukraine, nhưng trên thực tế Mỹ đang tham gia vào tất cả các khía cạnh của cuộc xung đột.
Trong đó có huấn luyện binh sĩ, cung cấp vũ khí và đạn dược, giám sát trên không (sử dụng E-3 AWACS), ISR (công nghệ thu thập, xử lý và cung cấp thông tin) trên không và trên không gian, liên lạc, chỉ huy và điều khiển, truyền liên kết dữ liệu trực tiếp tới các hệ thống phòng không (AD) trong quá trình hoạt động.
Các quân nhân Anh, Pháp và Mỹ đóng quân tại các căn cứ không quân và hải quân tại Ukraine còn vận hành máy bay không người lái (drone), lập trình các loại vũ khí như bom lượn JDAM, tên lửa Storm Shadow và hệ thống tên lửa hành trình quy ước tầm xa Scalp; vận hành các hệ thống AD như Patriot và NASAMS, cũng như vận hành các thiết bị không người lái trên biển và trên không.
Chưa kể hàng nghìn quân nhân Mỹ hoạt động tại Mỹ và các quốc gia NATO khác đang tích cực tham gia vào cuộc xung đột, chẳng hạn như phân tích khối lượng lớn dữ liệu truyền từ vệ tinh và drone trinh sát RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper của Mỹ (chụp ảnh radar Topaz và chụp ảnh quang học tinh thể).
Ukraine phối hợp tấn công
Sau thất bại trong cuộc phản công được phát động vào ngày 4-6, Ukraine tập trung vào các cuộc tấn công bằng các thiết bị không người lái trên biển và trên không vào Crimea trong một nỗ lực gần như tuyệt vọng - nhằm giữ vững tinh thần của lực lượng và người dân.
Các cuộc tấn công bằng drone thường được phối hợp với các cuộc tấn công bằng tên lửa vào cầu Crimea, kho nhiên liệu và các đơn vị AD.
Thông thường, trước một cuộc tấn công như vậy, các thiết bị ISR trên không và trên không gian của Mỹ tiến hành giám sát chặt chẽ bán đảo Crimea để chọn mục tiêu và xác định các hệ thống AD được triển khai để bảo vệ chúng.
Máy bay không người lái cánh cố định của Ukraine bay vào không phận Crimea để buộc các hệ thống AD của Nga “bật đèn”. Máy bay RC-135 Elint của Mỹ cùng drone RQ-4 và MQ-9 ghi lại và phân tích tín hiệu radar.
Với những dữ liệu trên, tên lửa của Ukraine sẽ được phóng vào mục tiêu được chỉ điểm.
Nga giám sát chặt drone của Mỹ
Sự tham gia rất rõ ràng và lặp đi lặp lại của drone Mỹ trong việc chuẩn bị và thực hiện các cuộc tấn công của Ukraine, có thể đã buộc Nga phải thách thức hoạt động của drone Mỹ ở gần bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Tất cả hệ thống phòng không (AD) của Nga đều có tính di động, một số còn di động hơn những hệ thống khác. Các hệ thống AD tầm ngắn Tor và Pantsir rất cơ động, Buk khá cơ động và S-300 có tính cơ động khá cao. Các hệ thống Tor, Pantsir và Buk thường được triển khai để bảo vệ hệ thống S-300.
Ngày 14-3-2023, một máy bay chiến đấu của Nga đã hạ một drone của Không quân Mỹ trên Biển Đen. Hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã chặn drone Mỹ và cản trở hoạt động của nó bằng cách di chuyển ở cự ly gần và trút nhiên liệu lên chiếc drone MQ9-Reaper.
Vào ngày 27-8, Bộ Quốc phòng Nga thông tin: “Một máy bay chiến đấu Su-30 của Nga đã ngăn chặn một drone trinh sát MQ-9A Reaper của Không quân Mỹ (USAF) xâm phạm biên giới của Nga trên Biển Đen”.
Vào ngày 28-8, bộ này lại thông tin: Trên khu vực phía tây nam Biển Đen, hệ thống giám sát không phận của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã phát hiện 2 chiếc drone MQ-9 Reaper và RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ thực hiện trinh sát tại khu vực bán đảo Crimea.
Để ngăn chặn khả năng vi phạm biên giới Nhà nước Liên bang Nga và chống lại hoạt động trinh sát kỹ thuật vô tuyến của drone, hai máy bay chiến đấu Nga đã được điều động. Kết quả là hai drone trên phải chuyển hướng bay.
Từ các tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, rõ ràng là Nga sẽ thách thức hoạt động trinh sát bằng drone của Mỹ trên bán đảo Crimea kể từ thời điểm này trở đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận