Động cơ chiếc máy bay Boeing của hãng Lion Air được trục vớt lên từ dưới biển - Ảnh: REUTERS
Đến nay vẫn chưa có báo cáo chính thức về nguyên nhân khiến chiếc bay đời mới, hiện đại bậc nhất Boeing 737 MAX 8 gặp nạn sáng sớm ngày 29-10.
Thời tiết khi xảy ra tai nạn hoàn toàn bình thường và chiếc máy bay cũng đi đúng lộ trình. Cơ trưởng và cơ phó cũng có tổng kinh nghiệm hơn 11.000 giờ bay.
Vậy điều gì đã khiến máy bay rơi?
Trong khi các điều tra viên vẫn đang lần theo các manh mối, một số ý kiến cho rằng hãng Boeing đã không cập nhật cho các phi công về hệ thống mới của máy bay. Theo giới phân tích hàng không, lẽ ra thông tin này đã có thể cứu được 189 mạng người.
Đơn kiện của một gia đình nạn nhân Indonesia trên chuyến bay nhắm vào Boeing cho rằng chiếc Boeing 737 MAX 8 có một điểm thiết kế không an toàn và hãng sản xuất máy bay của Mỹ đã không cập nhật về chi tiết an toàn mới trên chiếc máy bay này.
Trước đó, giám đốc điều hành của Lion Air cũng cáo buộc Boeing giấu các phi công về việc máy bay có thể tự động hạ phần mũi để tránh tình trạng bị tròng trành, có thên gọi Hệ thống Tăng cường Chức năng Điều khiển (MCAS).
Hàng loạt phi công trên thế giới cho biết họ không hề biết về tính năng mới này. Hãng tin Reuters sau khi xem bản hướng dẫn của Boeing cũng nói rằng không có thông tin về MCAS.
Tuy nhiên, hãng Boeing vẫn khẳng định thông tin này được cập nhật trong bản hướng dẫn đào tạo gửi cho các hãng hàng không. "Chúng tôi rất tin tưởng vào sự an toàn của dòng 737 MAX" - CNN dẫn lời người phát ngôn của hãng nói.
Theo giới phân tích, việc đào tạo phi công sử dụng máy bay mới vô cùng quan trọng. Lion Air của Indonesia là hãng hàng không đầu tiên đưa vào sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX 8 và chiếc máy bay gặp nạn mới được giao cho hãng này từ tháng 8-2018.
"Nói chung, khi nhận máy bay mới - dù nó cùng loại - các hãng hàng không buộc phải gửi phi công đi đào tạo" - chuyên gia Bijan Vasigh của Đại học hàng không Embry-Riddle (Mỹ) cho biết các phi công cần thời gian để làm quen với các chi tiết mới và thay đổi.
Theo giới phân tích, dòng 737 của Boeing được ưa chuộng vì các phi công đã được đào tạo ở các máy bay đời cũ có thể dễ dàng lái các đời mới hơn.
Các điều tra viên đang xem xét khả năng thiết bị cảm biến góc tấn (AOA) trên chiếc máy bay gặp nạn đã bị lỗi và gửi thông tin sai đến MCAS khiến máy bay đâm bổ xuống.
Thông tin điều tra cho thấy chiếc máy bay đã gặp lỗi với cảm biến AOA mới thay. Cả bốn chuyến bay trước đó, bao gồm cả chuyến bay cuối cùng, chiếc máy bay cũng gặp lỗi, theo Ủy ban an toàn hàng không Indonesia.
Tuần trước, báo Wall Street Journal đưa tin hãng Southwest Airlines của Mỹ cũng thay 2 cảm biến AOA bị lỗi trong vài tuần trước khi máy bay của Lion Air gặp nạn. Hãng này sở hữu 8 chiếc Boeing 737 MAX 8.
"Tình trạng này nếu không được xử lý sẽ khiến phi hành đoàn gặp khó khăn trong việc điều khiển, dẫn đến việc máy bay bị bổ nhào quá mức" - Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã ra cảnh báo về tính năng mới của dòng Boeing MAX 8, hướng dẫn cách tắt tính năng này, và yêu cầu các hãng hàng không cập nhật lại hướng dẫn.
Nhưng đó là trong trường hợp không gặp lỗi như chiếc máy bay của Lion Air.
Tai nạn của hãng hàng không Indonesia cũng khơi lại cuộc tranh cãi về việc sử dụng các hệ thống kiểm soát tự động trên máy bay.
"Các phi công có kỹ năng phi thường và nếu được đào tạo đúng và có đủ thông tin, họ sẽ đưa ra quyết định chính xác. Nhưng nếu họ không biết cái gì đang chống lại họ và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào sự chính xác của các hệ thống tự động, đó là một thách thức thật sự. Đó là một câu hỏi lớn hơn cần được xem xét" - chuyên gia hàng không Peter Goetz bình luận.
Buồng mô phỏng máy bay của Lion Air phục vụ cho mục đích đào tạo - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận