Tuy nhiên trong thời COVID-19, các chuyên gia về sức khỏe nhắc nhở chúng ta rằng máy bay cũng là nơi ẩn nấp của nhiều loại vi khuẩn. Điều này cắt nghĩa vì sao sau một chuyến bay có những người bị lây nhiễm COVID-19, bị cảm, bị một số bệnh mà họ cứ nghĩ chắc do bay quãng đường dài nên mệt mỏi sinh bệnh.
Thảm lót chứa đầy vi khuẩn
Trên máy bay thường lạnh nên họ trải thảm. Thấy thảm bạn bèn tháo giày đi lui đi tới cho đỡ cuồng chân, rồi đi vào phòng vệ sinh bằng đôi chân trần. Bạn đâu biết tấm thảm dưới chân đã bị những hành khách trước đó nôn mửa, làm vương vãi thức ăn, làm đổ nước ngọt và trở thành nơi trú ngụ của hàng triệu vi khuẩn. Chân bạn sẽ trở thành “cầu nối” rước vi khuẩn từ thảm, từ phòng vệ sinh rồi mang chúng về tận nhà.
Mền trên máy bay cũng đầy vi khuẩn
Bạn thấy tiếp viên đưa tấm mền được bọc trong nilông kín thì đừng vội tưởng bở rằng sạch. Làm gì có chuyện mền, gối được tẩy trùng giữa những chuyến bay. Đã có những hành khách ho vô mền, vi khuẩn được “nuôi” trong đó. Thế rồi bạn dùng mền quấn quanh người, có hành khách còn bịt vô miệng, tha hồ hít vi khuẩn. Chúng ta vô tư nhận vi khuẩn, mang chúng về nhà chẳng những mang bệnh cho mình mà còn làm cho con cháu trong nhà bị lây nhiễm.
Nhặt thức ăn rơi vãi trên bàn khay
Những bàn khay này không được khử trùng sau những chuyến bay nên đừng cứ nghĩ “Dân ta anh dũng cần cù, cái gì rơi cũng thổi phù ăn luôn”. Khay ăn là thủ phạm lây nhiễm E.coli gây bệnh tiêu chảy và những bệnh khác nữa đấy.
Nút xả trong bồn cầu
Nút xả là nơi mà nhiều người đi trước đã lấy tay nhấn nó. Bàn tay mỗi người đều chứa cỡ 4,6 triệu vi khuẩn, nay được cộng thêm vi khuẩn ở đây nữa. Tốt nhất là bạn dùng giấy vệ sinh ấn nút xả rồi cũng dùng giấy vệ sinh mà mở cửa phòng.
Uống nước đá
Báo chí đã cảnh báo nước đá không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, chưa kể nó không tốt cho răng miệng, bao tử. Vậy mà nhiều người vẫn còn thói quen thích cảm giác lạnh của những cục đá. Trông chúng trong suốt, chả thấy dị vật gì nhưng vi khuẩn ẩn náu trong đó mắt thường không “dòm” được. Ngay ở Mỹ dù đã buộc các hãng hàng không phải dùng nước đóng chai cho khách (thay vì uống nước trong vòi) nhưng nước đá vẫn chưa đạt chuẩn của Tổ chức Bảo vệ môi sinh hàng không (viết tắt là EPA).
Tựa đầu vào cửa sổ để ngủ
Cửa sổ là nơi nhiều người chọn khi mua vé để được ngắm trời mây, non nước. Sau một hồi “bay” bạn thấy mỏi mắt và tựa đầu vào cửa sổ mà “thăng” một giấc. Làm sao bạn biết người trước đó đã thở, hắt hơi, ho vào mặt kính cửa sổ. Chả tiếp viên nào cảnh báo cho bạn. Nếu bạn cứ vô tư áp mặt vào đó mà “thăng thiên” hàng giờ thì những vi khuẩn nơi đây sẽ nhảy vào ca bài ca “em sống mãi bên anh trọn đời”. Sau đó điều gì sẽ xảy ra, chỉ có bạn biết.
Uống rượu, cà phê trên máy bay
Bạn có thấy trên máy bay rất “khô” không? Đó là do độ ẩm ở khoang máy bay rất thấp. Uống cà phê, chất cafein sẽ làm cho bạn mất nước. Còn uống rượu? Không khí trong máy bay ít sẽ làm cho rượu thẩm thấu nhanh khiến bạn cảm thấy bứt rứt, khó chịu sau khi uống chất cồn này.
Vậy đi máy bay nên làm gì?
Ngoài những việc cần tránh như kể trên, bạn nên uống đủ nước, dùng kem dưỡng ẩm cho da, mang kính áp tròng tránh khô mắt. Nếu bay đường dài bạn nên mỗi giờ đứng dậy co duỗi tay chân chừng 15 phút. Động tác này giúp máu lưu thông, chống tê tay chân và tránh mệt mỏi. Cũng không nên mặc đồ chật làm máu khó lưu thông. Một điều nữa là đừng ngồi xuống là ngủ khi máy bay chưa cất cánh, làm vậy tai bạn (bộ phận giữ thăng bằng ở tai trong) sẽ khó giữ quân bình áp suất. Nếu ngủ hãy chờ máy bay cất cánh chừng 10 phút bạn sẽ tránh được hiện tượng ù tai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận