
Máy bay COMAC C909 mang màu sơn của Vietjet tại sân bay Nội Bài trong lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: VIỆT PHƯƠNG
Nghị định số 89/2025/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 13-4 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành) sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã cho phép Việt Nam nhập khẩu của Trung Quốc và máy bay do Brazil, Canada, Nga, Anh sản xuất, cấp chứng nhận loại để khai thác.
Cụ thể, nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định: "Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ loại tàu bay".
Còn nghị định 89/2025/NĐ-CP sửa đổi quy định trên, để mở rộng chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam được một trong các tổ chức: Nhà chức trách Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA), Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA), nhà chức trách hàng không Brazil, nhà chức trách hàng không Canada, nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh, nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) cấp hoặc Bộ Xây dựng cấp, hoặc công nhận giấy chứng nhận loại".
Ngày 14-4, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư số 03/2025/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ban hành bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.
Thông tư 03/2025/TT-BXD cho phép Cục Hàng không Việt Nam mở rộng việc phê chuẩn, cấp chứng nhận đủ điều kiện bay với máy bay đã được nhà chức trách hàng không Brazil, Canada, Nga, Anh, Trung Quốc cấp giấy chứng nhận loại bên cạnh các chủng loại máy bay được FAA hoặc EASA cấp.
Theo đó thông tư do bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ ngày 14-4 cho phép Cục Hàng không Việt Nam sử dụng các quy định phê chuẩn tàu bay của các quốc gia để thực hiện việc cấp, công nhận các giấy chứng nhận liên quan đến đủ điều kiện bay của tàu bay, bao gồm:
Nhà chức trách hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) đối với các tàu bay có giấy chứng nhận loại do FAA cấp.
Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) đối với các tàu bay có giấy chứng nhận loại do EASA cấp.
Nhà chức trách hàng không Canada đối với các tàu bay có giấy chứng nhận loại do nhà chức trách hàng không Canada cấp.
Nhà chức trách hàng không Brazil đối với các tàu bay có giấy chứng nhận loại do nhà chức trách hàng không Brazil cấp.
Nhà chức trách hàng không Liên bang Nga đối với các tàu bay có giấy chứng nhận loại do nhà chức trách hàng không Liên bang Nga cấp.
Nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh đối với các tàu bay có giấy chứng nhận loại do nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh cấp.
Nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC) đối với các tàu bay có giấy chứng nhận loại do nhà chức trách hàng không Trung Quốc cấp.
Vietjet là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam khai thác máy bay COMAC
Trong lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài trưa 14-4, Vietjet đã trưng bày 2 chiếc máy bay COMAC C909 (máy bay ARJ21) bên cạnh chuyên cơ chở ông Tập Cận Bình.
Hai chiếc máy bay này do Công ty TNHH Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) sản xuất được sơn màu sơn của Hãng hàng không Vietjet sau khi được hãng này thuê về khai thác tại Việt Nam.
Hiện Vietjet đã mở bán vé chuyến bay trên hai đường bay Hà Nội - Côn Đảo và TP.HCM - Côn Đảo từ ngày 19-4. Máy bay thực hiện các chuyến bay trên hai đường bay này là COMAC C909.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận