Cựu phi công Đoàn Hồng Quân đã từng lái máy bay AN-26 bay chuyến đầu tiên ra Gạc Ma để chụp ảnh, giám sát tình hình - Ảnh: MY LĂNG |
Trung đoàn 918 lập tức nhận lệnh điều hai máy bay vận tải chiến thuật An-26 cất cánh đi Phan Rang trực để sẵn sàng bay ra Trường Sa. Còn ở Tân Sơn Nhất, hai máy bay An-26 cũng trực sẵn sàng cất cánh.
10 chuyến bay khẩn
Ngày 16-3-1988, máy bay An-26 do phi đội trưởng phi đội 1 Đoàn Hồng Quân lái chính đã cất cánh từ căn cứ Tân Sơn Nhất ra Trường Sa trinh sát, chụp ảnh các tàu Trung Quốc, nắm tình hình đối phương tại khu vực đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.
Ngay từ sáng 14-3, tàu HQ604 và 605 đã bị bắn chìm. Ngoài đảo lúc này chỉ còn tàu HQ505 đã kịp ủi lên Cô Lin và trở thành công sự thép khẳng định chủ quyền. Nhiệm vụ của tổ bay không chỉ chụp các tàu Trung Quốc tại khu vực vừa xảy ra chiến sự mà còn chụp cả HQ505.
Chuyến bay đầu tiên của An-26 cất cánh ra Trường Sa sau ngày 14-3 do phi công Đoàn Hồng Quân thực hiện. Thượng tá Đoàn Hồng Quân (hiện đang ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, nguyên tham mưu phó trung đoàn 918) khi đó là một trong những phi công giỏi của trung đoàn 918.
Thượng tá Quân cho biết từ Tân Sơn Nhất ra đảo hơn 400km, vì đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma quá xa đất liền nên lúc đó một máy bay An-26 khác cũng cất cánh để làm nhiệm vụ bay chuyển tiếp trên không.
Máy bay này bay đến đoạn giữa quãng đường từ Tân Sơn Nhất ra đảo, làm cầu nối liên lạc giữa chiếc An-26 bay ra đảo làm nhiệm vụ với Sở chỉ huy ở đất liền.
Thượng tá Trần Xuân Đô, một trong những thành viên của tổ bay An-26 cất cánh ra khu vực Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma sau ngày 14-3-1988, kể:
“Lúc đi chúng tôi đã biết Trung Quốc vừa cướp đảo của mình. Bộ đội mình ngoài đảo báo về có nhiều tàu chiến Trung Quốc xung quanh đảo. An-26 ra trinh sát để xem có bao nhiêu tàu Trung Quốc, tàu ở vị trí nào so với đảo của mình... để cấp trên có phương án ứng phó. Trên yêu cầu phải quay được rõ số hiệu các tàu Trung Quốc”.
Những ngày khẩn cấp đó, máy bay An-26 của trung đoàn không quân 918 đã thực hiện 10 chuyến bay ra Trường Sa quan sát chụp ảnh, thông báo tình hình đối phương trên biển về sở chỉ huy, thả dù hàng...
Tàu HQ505 lao lên ủi bãi, bảo vệ được Cô Lin. Ảnh chụp từ máy bay tháng 3-1988 - Ảnh: tư liệu |
Quay rõ số hiệu tàu Trung Quốc
Thượng tá Nguyễn Văn Dương - nguyên chủ nhiệm bay trung đoàn 918 - cũng là một trong những phi công tham gia chuyến bay ra Trường Sa trong những ngày nóng bỏng đó, ông là một trong các phi công dày dạn kinh nghiệm của trung đoàn 918.
“Khi bay ra đó tôi là lái chính, còn anh Thao lái phụ. Khi giao nhiệm vụ, cấp trên yêu cầu bay qua các đảo trong đó có Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma đang có tàu, nhiệm vụ là vừa chụp ảnh vừa quan sát kỹ Gạc Ma.
Khoảng 9h sáng chúng tôi đã có mặt ở khu vực đảo Gạc Ma. Khi hạ thấp độ cao xuống 2.000m, thấy có tàu Trung Quốc cách đảo 1-2 hải lý.
Có mấy tàu đậu quanh đảo nhưng thấy rõ nhất một tàu Trung Quốc với cờ hiệu và 2-3 chiếc khác ở phía nam đảo Gạc Ma. Sau này về anh em phòng ảnh rửa hình nói rằng ảnh rất rõ nét, nhìn thấy hình tàu và cờ hiệu Trung Quốc”.
Từ đề nghị của Quân chủng hải quân, trong những chuyến bay đó mỗi tổ bay còn có thêm sĩ quan tác chiến hải quân đi cùng. Để đảm bảo an toàn, bay từ Tân Sơn Nhất ra Phan Rang nạp dầu rồi bay ra đảo. Khác với những chuyến bay ra Trường Sa chụp ảnh trước đó, trong chuyến bay này còn có thêm người quay phim.
Nhiệm vụ đó được giao cho phi công lái phụ đảm nhiệm. Thượng tá Trần Xuân Đô kể:
“Bay ở Cô Lin và Len Đao thì không có vấn đề gì. Nhưng lúc đó Gạc Ma đã bị quân Trung Quốc cướp rồi nên không thể bay gần và tổ bay phải tránh bay đè lên đảo. Dưới biển quân Trung Quốc tưởng mình uy hiếp sẽ bắn tên lửa lên ngay.
Chúng tôi bay chếch chếch bên hông đảo Gạc Ma. Khi cách Gạc Ma khoảng 2km, phi công hạ thấp độ cao xuống 1.000m. Khi bay vào vị trí gần đảo, tổ bay thông báo chuẩn bị chụp ảnh thì mới chụp được. Lái phụ Hiền chĩa máy quay qua cửa sổ quay ở góc 45 độ.
Tôi phụ trách chụp ảnh. Ở độ cao 1.000m, quan sát bằng mắt thường và ống nhòm, tôi nhìn thấy rõ mấy chiếc tàu cờ hiệu Trung Quốc ở xung quanh Gạc Ma. Những hình ảnh này sư đoàn đưa cho quân chủng để chuyển lên cho Bộ Tổng tham mưu”.
Thượng tá Trần Xuân Đô cho biết hằng ngày mỗi tổ bay một chuyến ra khu vực vừa xảy ra chiến sự để quay phim, chụp ảnh, trinh sát tình hình. Ông Đô tham gia ít nhất ba chuyến.
Sau đó, An-26 còn bay ra đảo thả quân tư trang cho bộ đội đang bám trụ giữ đảo Cô Lin trên con tàu HQ505 đã bị bắn cháy. Cựu chiến binh Võ Tá Du (thuyền phó chính trị, bí thư chi bộ tàu HQ505) kể:
“Sau 14-3 mấy ngày, máy bay An-26 của không quân bay ra đảo Sinh Tồn thả những gói hàng quân tư trang cho chúng tôi. Không có dù, máy bay phải thả hàng rơi xuống cách mép đảo 400 - 500m.
Chúng tôi bơi ra kéo vào. Quân nhu của đảo Sinh Tồn quản lý số quân tư trang này rồi phát lại cho anh em tàu. Lúc tàu bị Trung Quốc bắn, cháy hết, quần áo cũng không còn.
Trên người chỉ còn cái quần đùi. Chúng tôi trực giữ đảo Cô Lin không có chỗ ở, quần áo không có mặc nên trong bờ phải chuyển quân tư trang ra”.
Chụp ảnh quần đảo Trường Sa từ năm 1982 Cựu phi công Nguyễn Văn Dương cho biết: “Không phải sau sự kiện 14-3-1988 chúng tôi mới bay ra Trường Sa. Từ năm 1982, An-26 đã bay ra quần đảo Trường Sa chụp ảnh các đảo và động viên bộ đội mình ngoài đó. Các đảo nổi khi đó hoang sơ lắm. Thuyền chài thủy triều lên chỉ thấy một dải nước rộng xanh mướt, khi thủy triều xuống mới thấy bãi cạn nhô lên. Đảo Chữ Thập phần ngầm rất rộng. Hồi đó chỉ có Trường Sa và An Bang có cây cối, toàn cây tự nhiên chứ không do bộ đội trồng như sau này. Khi đến đảo nào, qua tần số anh em ở đảo nghe giọng của không quân vui lắm, cứ bảo các anh nói thêm với chúng em nữa đi. Khi bay ngang qua các đảo, chúng tôi đều hạ thấp độ cao từ 4.200-4.500m xuống 100m, 200m tùy địa hình, để anh em được nhìn máy bay gần hơn. Thấy cờ đỏ sao vàng trên máy bay anh em rất mừng. Anh em từ trong lán chạy ra đứng vẫy tay, hò reo. Đối không ở đảo nói qua tần số: "Các anh ơi, bay thêm một vòng nữa cho chúng em xem với. Lúc đó chúng tôi đã bay thường xuyên ra Trường Sa, có lúc tuần nào cũng bay, chỉ bay trên không cổ vũ tinh thần bộ đội chứ không có sân bay để hạ cánh xuống”. |
_______________
Khi Len Đao bị bao vây, có một chiến đấu cơ từ sân bay Phan Rang cất cánh. Diễn biến cực kỳ căng thẳng.
Kỳ tới: “Đôi cánh ma thuật” xuất kích
Xem các kỳ trước >> Kỳ 1: >> Kỳ 2: >> Kỳ 3: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận