Chiếc Boeing 727-200 bỏ rơi tại sân bay Nội Bài từ ngày 1-5-2007 đã bị Cục Hàng không Campuchia xóa quốc tịch - Ảnh: BẰNG GIANG
Cục Hàng không Việt Nam cho biết như vậy trong báo cáo Bộ Giao thông vận tải về phương án xử lý chiếc máy bay Boeing 727-200 mang quốc tịch Campuchia vốn thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài từ 1-5-2007.
Theo Cục Hàng không, năm 2018 và 2019 cơ quan này đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải: báo cáo Thủ tướng các vướng mắc của quá trình bán đấu giá chiếc Boeing 727-200 nói trên; đề xuất Thủ tướng cho phép thay đổi phương án xử lý từ bán đấu giá sang giao tài sản công.
Cục Hàng không nhận định nếu giao máy bay nói trên theo thủ tục tiếp nhận tài sản công cho Học viện Hàng không quản lý, làm mô hình, giáo cụ thực hành là phù hợp. Về mặt chủ thể nhận tài sản, học viện là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải. Đây cũng là cơ sở giáo dục đại học đầu ngành của cả nước về hàng không dân dụng, có vai trò quan trọng trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam.
Theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, Học viện Hàng không đã hoàn thành đề án tiếp nhận máy Boeing 727-200 vào mục đích sử dụng làm giáo cụ thực hành, thực tập. Cục Hàng không nhất trí với các nội dung của đề án và đánh giá việc thay đổi phương án xử lý máy bay từ bán đấu giá sang giao tài sản công đã đầy đủ cơ sở để bộ báo cáo các cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Nếu cấp có thẩm quyền chấp thuận thì việc Bộ Giao thông vận tải điều chuyển chiếc Boeing 727-200 bị bỏ rơi và phía Học viện Hàng không tiếp nhận theo trình tự, thủ tục tiếp nhận tài sản công là hoàn toàn khả thi và đúng quy định.
Theo Học viện Hàng không, hiện nay các loại giáo cụ, trang thiết bị phục vụ đào tạo thực hành của đơn vị này đa số cũ kỹ, lỗi thời hoặc là trang thiết bị máy bay của Nga, không phù hợp về mặt quy chuẩn máy bay được sử dụng phổ biến hiện nay như Boeing, Airbus... Dù vậy, việc mua sắm trang thiết bị thực hành vô cùng đắt đỏ do đa số phải nhập từ nước ngoài với các tiêu chuẩn hàng không.
Trong khi đó, máy bay Boeing 727-200 bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài dù không còn khôi phục được tính năng bay nhưng lại là một tài sản vô cùng quý giá để sử dụng làm giáo cụ trực quan cho sinh viên. Với máy bay này, sinh viên có điều kiện được tiếp xúc với loại máy bay có trang thiết bị phù hợp với hệ tiêu chuẩn và công nghệ hiện đang áp dụng trong ngành hàng không.
Máy bay vẫn còn đầy đủ các kết cấu để thực hiện miêu tả trực quan, tháo, lắp. Động cơ máy bay vẫn đầy đủ các thành phần cấu tạo chính là một yếu tố rất quan trọng trong đào tạo bảo dưỡng. Bởi vì đây là một dạng thiết bị rất khó tìm và mô phỏng rất phức tạp.
Nếu Học viện Hàng không được tiếp nhận, chiếc Boeing 727-200 này sẽ phục vụ đào tạo các ngành, môn học; kỹ thuật hàng không, điện - điện tử, phục vụ chuyến bay, tiếp viên hàng không, an ninh hàng không, thực hành các tình huống khẩn nguy đối phó các sự cố xảy ra trên máy bay…
Nếu được cấp thẩm quyền giao máy bay, học viện này sẽ thuê các đơn vị tháo lắp, đưa chiếc Boeing 727-200 từ sân bay Nội Bài về cơ sở 3 của học viện tại Cam Ranh với chi phí dự kiến 4-5 tỉ đồng. Tiếp đó, sẽ xây dựng bài tập, quy trình học tập, thực hành trên máy bay; cải tạo máy bay phù hợp với các nội dung thực hành rồi thực hiện đào tạo, huấn luyện thực hành trên máy bay... Kinh phí dự kiến cho các công việc này từ 2-3 tỉ đồng.
Nguồn kinh phí trên dự kiến từ nguồn thu dịch vụ hợp pháp của Học viện Hàng không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận