Trưng bày đồ chơi Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long không chỉ hấp dẫn trẻ em, mà còn quyến luyến những người lớn tuổi - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Trong buổi khai mạc chương trình Vui Tết Trung thu 2019 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) diễn ra sáng nay 6-9, bà Vũ Thị Thoàn - nghệ nhân làm trống và mặt nạ sư tử (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) - cho biết mấy năm trở lại đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đã trở lại với đời sống nhiều hơn.
Cơ sở sản xuất của bà có gần 20 người, làm việc quanh năm mới đủ 50.000-60.000 chiếc trống và mặt nạ bán ra mỗi năm. Không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, sản phẩm của gia đình còn được bán ở nhiều tỉnh thành miền Trung và miền Nam.
Những sắc màu Trung thu truyền thống - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Theo ban tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu 2019, có nhiều hoạt động lý thú đang chờ đợi các em nhỏ và cả người lớn: biểu diễn múa sư tử, hát trống quân, làm bánh trung thu, làm một số đồ chơi truyền thống như tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều, tô tượng, tô tranh, nặn tò hè; chơi các trò chơi dân gian…
Đây là những hoạt động gắn với Tết Trung thu, một trong những lễ tết lớn của người Việt, diễn ra vào giữa mùa thu - rằm tháng tám - ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm, có nguồn gốc từ một nghi lễ nông nghiệp, thời xa xưa nông dân thường ngắm trăng, tiên đoán thời tiết để sản xuất.
Chương trình Vui Tết Trung thu 2019 sẽ kéo dài đến hết ngày 8-9, nhưng không gian trưng bày đồ chơi truyền thống sẽ tiếp tục kéo dài đến sau Tết Trung thu để phục vụ công chúng.
Ngắm đồ chơi Trung thu truyền thống trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long:
Đồ chơi Trung thu bằng giấy gồm rất nhiều loại như: tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, phỗng giấy, con giống bằng giấy, thể hiện ước mong con cháu học giỏi, thành đạt, khuyến khích tinh thần học giỏi và hướng thiện cho thế hệ trẻ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Những ông tiến sĩ giấy chở ước mơ đỗ đạt cho các trẻ em xưa - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Tết Trung thu không thể thiếu những chiếc đèn ông sao bằng giấy - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bộ trống ếch vẽ trò đấu vật xưa - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Trò chơi đốt dây hạt bưởi vẽ trên mặt chiếc trống ếch có thể khiến trẻ em hôm nay ngạc nhiên thích thú, còn những người lớn cảm động nhớ lại tuổi thơ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Những chiếc đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ từ giấy bóng kính lung linh sắc màu - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Những chiếc đèn bóng kính rực rỡ - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Đồ chơi được làm từ sắt tây phải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ. Các đồ chơi sắt tây có thỏ đánh trống, bướm, còi… trong đó đặc sắc nhất phải kể đến chiếc tàu thủy có thể chạy trong nước - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Những chú tò he ngộ nghĩnh được nặn từ bột nếp nhuộm nhiều màu - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Nhiều con tò he thật sự là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bộ phỗng đất với 5 nhân vật: con chim, rùa, cụ già, em bé, Đức Phật, mang ý nghĩa giáo dục con cháu sống hiền lành, lương thiện - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Bộ phỗng giấy gồm 1 con chim, một con cá, một con rùa, trung tâm là cậu bé và ông quan. Bộ đồ chơi có ý nghĩa khuyến khích tinh thần học tập và hướng thiện của con cháu, nghệ nhân dùng khuôn của từng nhân vật rồi cẩn thận bồi các lớp giấy có dán hồ, khi giấy khô mới trang trí họa tiết cho nhân vật. Hiện nay, gia đình ông Hoàng Bá Nhất (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vẫn còn làm phỗng giấy - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Đèn kéo quân có lồng biết xoay tròn thể hiện nhiều tích truyện: tiến sĩ vinh quy, tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, thầy trò Đường Tăng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Sắp đặt những chiếc đèn thỏ trên chiếc xe đạp cũ gợi nhớ về Trung thu thời bao cấp - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Mô hình trống quân kim loại mà thế hệ trẻ ngày nay đã không còn được biết tới - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Mô hình trống quân bằng gốm - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận