![Maus và vận mệnh đầy biến động của một dân tộc - Ảnh 1. Maus và vận mệnh đầy biến động của một dân tộc - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/base64-17393267393711697928700.jpeg)
Tác giả Art Spiegelman tại studio của ông vào ngày 17-9-2004 - Ảnh: Reut
Thành công của Maus đến từ cách kể chuyện của họa sĩ Art Spiegelman. Mặc cho những khung hình dày đặt cùng việc chọn lựa tông màu đen đơn sắc, Maus vẫn thu hút độc giả như thể tác giả đang dẫn dắt chúng ta vào vùng tối trong ký ức đáng lãng quên của một cựu tù nhân trong trại tập trung của Đức Quốc xã.
Tiếng vọng mơ hồ
Câu chuyện bắt đầu bằng đoạn hồi ức mùa hè năm 1958, năm người kể chuyện mới 10 hay 11 tuổi. Ở Rego Park (New York), họa sĩ tương lai bị ngã, lại còn bị bạn bè bỏ mặc, ông đã chạy về méc cha mình.
"Bạn? Bạn bè gì?" - cha ông nói sau khi nghe chuyện của con trai - cứ nhốt chúng lại chung phòng một tuần không có đồ ăn rồi con sẽ hiểu bạn bè là thế nào!".
Đoạn hồi ức này như lời mở đầu dẫn lối vào câu chuyện của một người sống sót và lưu lạc.
Ông phải rời bỏ quê hương của mình, đánh mất gia đình, người thân và chỉ còn lại một vết thương dường như mới nguyên dẫu trải qua bao nhiêu năm tháng.
Cuộc nói chuyện bình thường của hai cha con, giữa muôn vàn cuộc nói chuyện khác trong đời họ. Thoạt trông, nó không liên quan đến mạch chuyện chính.
Nhưng theo cách tình cờ lại trở thành một tiếng vọng mơ hồ vang lên. Khi có lẽ là lần đầu tiên người cha mới hé mở phần nào một đoạn đời tốt nhất cần quên đi nhưng bắt buộc phải nhớ.
Kế đến, tác giả thực hiện bước nhảy vọt đến giai đoạn rất nhiều năm sau, khi người kể chuyện trưởng thành, ra ở riêng, mẹ ông tự sát, cha ông tái hôn, giờ già cả sống an nhàn những năm tháng cuối đời.
Mối quan hệ cha con này khá phức tạp. Độc giả có thế cảm nhận hai thế giới không thể kết nối với nhau. Cái chết của người mẹ cũng góp phần làm cho khoảng cách đó xa thêm.
Chuyến viếng thăm của con trai đã đánh thức những ký ức ngủ vùi của người cha. Về những năm tháng ở Ba Lan. Về tuổi trẻ. Về tình yêu. Về khoảng thời gian yên bình bị chiến tranh tước đoạt. Về nỗi đau tâm lý dai dẳng.
![Maus và vận mệnh đầy biến động của một dân tộc - Ảnh 2. Maus và vận mệnh đầy biến động của một dân tộc - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/12/sach-1739325872469133377415.png)
Sách Maus: Chuyện một kẻ sống sót (Đức Anh dịch, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành) - Ảnh: NHÃ NAM
Nhân dạng đã biến mất
Trước Maus, không ít tác phẩm văn học và điện ảnh ghi nhận trải nghiệm của những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust. Art Spiegelman chọn cho mình cách dễ tiếp cận với số đông. Ông vừa là người nghe chuyện khách quan, nhưng xét theo phương diện nào đó, cũng là một nạn nhân gián tiếp của chiến tranh.
Ông đi từ cuộc đời thăng trầm của một cá nhân khái quát thành vận mệnh đầy biến động của một dân tộc. Từ một thành phố nhỏ phóng chiếu ra cả tổ quốc, rồi thành số phận của châu Âu trong Thế chiến thứ hai.
Đồng thời, ông cũng không giấu được nụ cười mỉa mai giễu cợt. Nghệ thuật nhân hóa mà Art Spiegelman sử dụng vừa mang đến một cái nhìn từ bên ngoài, có tính giễu nhại, đồng thời khiến cho câu chuyện trở nên tăm tối hơn.
Con người trong Maus là những con chuột bị loài mèo săn đuổi, là loài lợn, loài chó. Nhân dạng đã biến mất để nhường chỗ cho lớp thú và thú tính chiếm chỗ.
Những nhân vật trong Maus nhiều khi cũng xuất hiện sau lớp mặt nạ những con vật khác. Một câu hỏi về bản dạng cũng như căn cước. Ta là ai và ta thuộc về cộng đồng nào thấp thoáng sau những chiếc mặt nạ đó.
Chính việc ví con người với loài vật khiến Maus khơi lên không ít tranh cãi từ giới phê bình. Nhưng những khiếm khuyết của tác phẩm được bù đắp bằng câu chuyện mạnh mẽ, lớp lang.
Vừa có cái nhẹ bẫng của người già ôn cố lại tao đoạn đời mình, vừa có sự ám ảnh day dứt của hậu nhân khi nghe kể chuyện.
Có lẽ Holocaust không còn là kinh nghiệm chỉ ở những nhân chứng sống sót mà trở thành kinh nghiệm chung của cả dân tộc, một dạng ký ức tập thể truyền đời qua các thế hệ.
Maus vì thế không đơn thuần chỉ là "chuyện một kẻ sống sót", mà là câu chuyện cho thế kỷ sau. Một thiên ngụ ngôn của thế kỷ 20 gửi lại cho nhân loại mai hậu. Thiên ngụ ngôn về sự lên ngôi của cái ác.
Về sự nghiệt ngã của chiến tranh. Và đồng thời cũng là câu chuyện về ý chí của con người, trong những hoàn cảnh thảm thương, khi nhân tính bị sự bạo tàn của quyền lực thử thách.
Art Spiegelman tên thật là Itzhak Avraham ben Zeev Spiegelman, sinh năm 1948, trong một gia đình Ba Lan gốc Do Thái. Sau Thế chiến thứ hai, gia đình ông di cư đến Mỹ.
Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ những năm 1960. Suốt đời ông đã gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá.
Tác phẩm ra mắt lần đầu dưới dạng truyện đăng dài kỳ năm 1980. Maus: Chuyện một kẻ sống sót gồm hai phần. Maus I: My Father Bleeds History (Lịch sử rỉ máu của cha tôi) xuất bản lần đầu năm 1986 và Maus II: And Here My Troubles Began (Và từ đây các phiền toái bắt đầu) xuất bản lần đầu năm 1991.
Có thể xem Maus là cuốn tự truyện của Art Spiegelman về những khổ nạn mà gia đình, dòng tộc, cũng như đất nước mà ông đã nếm trải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận