Hai bên vốn là hàng xóm, láng giềng, vì một lời nói khích không đúng chỗ mà xảy ra vụ án đau lòng này.
Phóng to |
Bị cáo Trần Kề bị lãng tai nặng nên hội đồng xét xử phúc thẩm cho phép con trai bị cáo ngồi cạnh vành móng ngựa để trợ giúp lúc trả lời thẩm phán - Ảnh: Q.A. |
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày cưới, nhưng anh Đ.Đ., 35 tuổi, ở thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) lại bị vợ chưa cưới hồi hôn. Buồn, anh Đ. uống rượu, rủ hàng xóm là ông Trần Kề, 50 tuổi, cùng qua uống. Bị ông Kề nói khích vào nỗi đau, Đ. nổi xung nói tục. Hai bên gây gổ, xúc phạm nhau. Được mọi người khuyên can, ông Kề bỏ về. Đ. chạy theo tiếp tục gây sự. Ông Kề quay người lại đánh Đ. không trúng, đánh tiếp một cái nữa thì trúng vào cổ Đ. làm anh quỵ xuống. Đ. được đưa đi cấp cứu, nhưng khi đến phòng khám của xã thì bác sĩ xác định đã chết. Nguyên nhân anh chết là “chấn thương vùng cổ gây ngừng tim, ngừng thở” (kết luận giám định).
TAND huyện Phú Lộc phạt Trần Kề 6 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Bị cáo kháng cáo xin giảm án, Viện KSND huyện Phú Lộc kháng nghị giảm án cho bị cáo. Mẹ nạn nhân kháng cáo đòi tăng hình phạt... Ngày 10-6, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử phúc thẩm.
Ai cũng kêu oan
Mẹ nạn nhân 66 tuổi, người gầy đét tong teo, liêu xiêu đến phiên tòa muộn hơn giờ ghi trong giấy triệu tập. Bà nói như phân trần “đường xa quá”, rồi bà đến ngồi lặng lẽ sau tấm biển đề “người bị hại”.
Vợ bị cáo mắt đỏ hoe nhìn về phía mẹ nạn nhân: “Gia đình tui biết gây ra cái chết cho người ta là sai. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, chồng tui đã bỏ về rồi mà hắn (ý nói nạn nhân) rượt đánh, chồng tui tức quá quay lại đánh một cái rứa thôi. Ai nghĩ chết! Biết chết ai mà dám đánh. Khi mô tui lên trại giam thăm, chồng cũng khóc nói oan quá, vì có nghĩ đánh một cái như rứa mà chết người mô! Nhà đó nghèo lắm. Họ yêu cầu chi là nhà tui lo hết, phải đi vay lãi cao để lo đám tang (gia đình bị cáo đứng ra lo đám tang cho bị hại) hết 66 triệu đồng, đưa thêm 10 triệu đồng nữa để bồi thường. Rứa mà xin họ viết giấy bãi nại, họ hẹn lần ni qua lần khác, cuối cùng cũng không viết. Tòa xử 6 năm họ còn đòi tăng. Lâm vô cảnh trớ trêu như rứa, nên mỗi lần chủ nợ vô nhà lấy tiền lãi, tui ứa nước mắt. Sáu năm, khi được ra, chồng tui đã gần 60! Tuổi tác vậy mà tù tội...”.
Mẹ nạn nhân thì u uất: “Con tui cả đời đi thả lưới trên đầm phá, lao động lương thiện, đang tươi đang tốt, bị đánh chết mới oan!”. Rồi người mẹ bất hạnh cứ lầm rầm như đang nói với chính mình, phải thấy đứa con còn tuổi trẻ thành ra cái xác bất động, mãi mãi bị vùi dưới mộ, ruột người mẹ nào mà không chảy máu!
Cũng như phía bị cáo, mẹ của Đ. cứ ngơ ngác không thể hiểu vì sao đứa con lại mất mạng ngay trước mắt bà, chỉ đơn giản vì một cú đánh? Nhưng thật kinh hoàng, điều đó lại là sự thật. Giá như biết sẽ mất mạng sống, liệu anh Đ. có đuổi theo gây gổ khi bị cáo đã bỏ về, để chuốc lấy cái chết lãng xẹt, gieo tang tóc lên phần đời già nua, khốn khó của mẹ?
Hiu hắt
Tòa hỏi: “Khi bỏ về, bị cáo đi đến đâu thì bị hại đuổi kịp?”. “Thưa, bị cáo đã gần ra khỏi sân nhà bị hại”. “Bị hại đuổi theo, bị cáo làm gì?”. “Thưa, bị hại tiếp tục dùng lời lẽ khó nghe gây gổ, đánh bị cáo nhưng không trúng”. “Sao bị cáo không bỏ về luôn mà còn quay lại đánh bị hại?”. “Dạ, vì bị cáo không kiềm chế được tức giận”. “Bị cáo đánh vào cổ bị hại với lực đánh như thế nào?”. “Lực đánh không mạnh. Đánh xong, bị cáo về nhà mình cách sân nhà bị hại khoảng 12m. Vô nhà rồi mới nghe nói Đ. ngất nên bị cáo và vợ chạy qua cùng mọi người đưa Đ. đi cấp cứu”.
Tòa hỏi vợ bị cáo: “Sau khi bị hại chết, gia đình đã bồi thường như thế nào?”. “Gia đình tui lo đám tang hết 66 triệu đồng, đưa thêm 10 triệu đồng cho mẹ Đ. là tiền bồi thường. Tòa sơ thẩm xử chồng tui phải bồi thường thêm gần 32 triệu đồng. Sau ngày xét xử sơ thẩm, gia đình tui đưa qua cho gia đình nạn nhân 5 triệu đồng nhưng họ không nhận, nên gia đình tui nộp số tiền đó tại cơ quan thi hành án”.
Trả lời hội đồng xét xử về yêu cầu cụ thể số tiền bồi thường tổn thất tinh thần và cấp dưỡng, mẹ nạn nhân nghẹn giọng: “Tui nhờ tòa xử theo pháp luật. Mạng con tui là vô giá, tiền bạc biết mấy mà đền được?”. Còn về mức án đối với bị cáo, bà vẫn giữ nguyên yêu cầu đòi tăng.
Tòa tuyên án, không chấp nhận kháng cáo của mẹ bị hại, chấp nhận kháng nghị của viện kiểm sát, kháng cáo của bị cáo, giảm án cho bị cáo còn 5 năm 6 tháng tù. Hai mắt mẹ nạn nhân như hai cái hố, u uất mỗi lúc một đầy thêm. Tòa tiếp tục xử vụ án khác. Vợ bị cáo ngồi lại, vì chồng còn đợi “bạn tù”. Mẹ Đ. lần từng bước nặng nhọc, thất thểu ra khỏi phòng xử, chơ vơ giữa sân hầm hập nắng. Chiếc bóng dưới chân nhỏ thó, méo xệch.
Chặng đường từ trụ sở tòa về nhà nạn nhân và bị cáo 50 cây số, qua nhiều bãi tha ma, giữa trưa càng hun hút, hoang vu. Bên rìa lối đi hẹp, căn nhà tình thương (được chính quyền địa phương xây cho hộ nghèo, khó khăn đặc biệt) của mẹ Đ. hiu hắt. Mẹ Đ chưa về tới. Em dâu nạn nhân ngồi nơi bậc thềm ximăng, chừng như đang đợi. “Từ ngày bác Đ. mất, mẹ hay ngồi đây, hết thẫn thờ ngó di ảnh bác lại nhìn miết ra góc sân chỗ bác quỵ ngã xuống chết, như mất hồn!” - chị thở dài. Trong di ảnh đặt trên bàn thờ nhỏ xíu nơi góc nhà, anh Đ. mặc bộ đồ vét, mặt tươi rói.
Xéo bên kia lối đi, nhà bị cáo Trần Kề im ắng. Người con dâu bận con nhỏ không thể đến phiên tòa cũng đang ngồi đợi. Lát sau, tiếng mẹ chồng chị đứt quãng trong điện thoại. Chị rầu rầu: “Mẹ nói mừng vì ba được tòa giảm án sáu tháng, nhưng đau lòng lắm. Khi bị dẫn ra xe về trại giam ba khóc nhiều. Cửa xe tù đóng chặt lại, mẹ không thấy chi nữa. Chừ mẹ vẫn chưa trấn tĩnh...”.
Chiều quê lênh láng nắng! Nhưng bên này lối đi hẹp, nhà bị cáo hiu hắt màu tù tội. Phía bên kia, nhà nạn nhân u ám màu tang tóc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận