Trước đó, quá trình trùng tu biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, nhiều lời ngợi khen bởi căn biệt thự từng được phong là "biệt thự ma", bị bỏ hoang giữa đất vàng nhiều năm được hồi sinh, lột xác từng ngày một cách ngoạn mục.
Không chỉ công trình được trùng tu mà các cây cổ thụ trong sân vườn của biệt thự cũng được bảo vệ.
Nhưng khi dự án đang đi vào những công đoạn cuối cùng thì cả giới chuyên môn và cộng đồng ngỡ ngàng với màu vôi vừa được phủ lên ngôi biệt thự này.
Mức độ phản ứng khác nhau tùy vào độ hiểu biết về chuyên môn cũng như dự án này, người gay gắt, người ôn hòa hơn, nhưng đa số đều không "ưa" màu vôi của công trình đang được hoàn thiện.
Một số người thêm hoài nghi với số tiền cho dự án trùng tu căn biệt thự cổ hai tầng lên tới 14 tỉ đồng.
Chưa phải màu vôi cuối cùng
Liên hệ với UBND quận Hoàn Kiếm về dự án trùng tu đang gây tranh luận này, đại diện UBND quận cho biết đã nhận được một số thông tin trên truyền thông liên quan đến hình ảnh ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài) đang trong quá trình tu bổ bảo tồn.
Quận cho biết ngôi biệt thự nằm trong dự án bảo tồn biệt thự mẫu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc của khu phố cũ Hà Nội.
Bên cạnh đó, thông qua dự án này sẽ giới thiệu những kỹ thuật cơ bản trong việc bảo tồn, trùng tu một số công trình kiến trúc Pháp, qua đó nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn di sản.
Dự án được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France (Pháp), quận Hoàn Kiếm và Cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX).
UBND quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án một năm trước, vào tháng 4-2022. Đến nay, công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện.
Quận Hoàn Kiếm cho biết đây là dự án bảo tồn biệt thự cổ mẫu để các dự án bảo tồn biệt thự khác có thể tham khảo, học hỏi về nguyên tắc, kỹ thuật bảo tồn.
Vì vậy, dự án được thực hiện chặt chẽ, bài bản trên cơ sở trao đổi giữa chuyên gia Pháp và Việt Nam.
Trong quá trình thi công tu bổ, chuyên gia hai nước đã làm công tác "khảo cổ học công trình" để tìm ra màu sắc, vật liệu và các chi tiết gốc.
Trên cơ sở kết quả khảo cổ, nhóm chuyên gia đưa ra quyết định sử dụng lại các vật liệu màu sắc gốc theo như công trình được xây dựng ban đầu.
Tuy nhiên, quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định hiện tại các chuyên gia mới đang quét thử nghiệm một số màu vôi để lựa chọn ra màu vôi theo đúng màu gốc nhằm đảm bảo tính chân xác tối đa cho công trình.
Màu vôi tường hiện nay chưa phải là màu chính thức.
Quận Hoàn Kiếm cũng cho biết sau khi hoàn thành, công trình sẽ trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội, một địa điểm để giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu phố cũ; là nơi gặp gỡ, trao đổi, kết nối giữa các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và người dân tìm hiểu, tham quan về các giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc.
Hiện quận Hoàn Kiếm chưa trả lời về con số 14 tỉ đồng cho dự án bảo tồn này được nhiều người cho là quá tốn kém.
Người thực hiện cũng không thích màu vôi
GS Doãn Minh Khôi - viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) trực thuộc Đại học Xây dựng Hà Nội - đơn vị tư vấn thiết kế của dự án này - cũng chia sẻ ý kiến với Tuổi Trẻ Online.
Cụ thể, các chuyên gia Việt Nam và Pháp đã dựa theo nghiên cứu tài liệu cũng như khảo sát thực tiễn để đưa ra các quyết định tu bổ theo màu gốc.
Ông cho biết dù là quét lại màu gốc nhưng vẫn cần một thời gian để công trình có màu thời gian như màu công trình gốc. Chuyên gia Pháp chọn màu như vậy dựa trên việc họ nắm bắt, nghiên cứu dữ liệu tiếng Pháp, từ nước Pháp về công trình này mà họ rất có lợi thế.
Tuy nhiên, ông Khôi cũng thẳng thắn nói ông không thích màu vôi hiện tại. Nhưng là một chuyên gia, ông hiểu màu vôi hiện tại "nhìn không ưng nhưng nếu làm cho ưng mắt mọi người thì sẽ thành giả cổ".
Theo ông Khôi, sau khi có dư luận phản ánh về màu sắc công trình, các chuyên gia Pháp và Việt Nam làm công trình này chưa có trao đổi thêm để có quyết định mới.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, KTS Lê Việt Hà - người sáng lập trang Ashui.com - cho biết để nói về màu sắc của công trình này thì phải dựa trên nghiên cứu kỹ tài liệu về dự án, trực tiếp khảo sát chứ không thể chỉ bình luận qua ảnh chụp.
Vì vậy, trước dư luận phản ứng, ông Hà nói các bên liên quan cần tổ chức sớm một cuộc báo cáo, trưng bày kết quả công khai dự án bảo tồn này để mọi người hiểu mới có thể ủng hộ hay phản đối đúng.
Nhiều dự án trùng tu ở Hà Nội từng bị phản ứng về màu sơn, vôi
Đây không phải là dự án trùng tu công trình cổ đầu tiên ở Hà Nội bị phản ứng về màu vôi, sơn. Trước đó, Nhà hát lớn Hà Nội khi quét lại màu sơn cũng bị phản ứng rằng quá đậm, quá chói với màu sơn mọi người đã quen mắt ở công trình nổi tiếng này.
Gần đây nhất, năm ngoái, dự án trùng tu Nhà thờ lớn Hà Nội cũng bị nhiều người phản ứng về màu sơn mới.
Nhà thờ lên tiếng cho biết đó chưa phải màu cuối và sau đó màu sắc được điều chỉnh cho dịu mắt hơn.
Cũng có ý kiến cho rằng các dự án trùng tu nếu cứ "chiều" dư luận thì rất dễ rơi vào thất bại về chuyên môn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận