Các đại biểu trò chuyện bên lề tại buổi hội thảo sáng 16-12 - Ảnh: TỰ TRUNG
50 năm đã qua nhưng những gì mà ngày Tết Mậu Thân, năm Mậu Thân máu lửa, bi tráng để lại vẫn chưa qua, vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu, phân tích, vẫn còn nhiều bài học phải viết lại, soi rọi lại để làm vốn, làm nền cho những bước đi trong hòa bình của ngày hôm nay.
110 bản tham luận chọn lọc từ 500 đại biểu là các chứng nhân lịch sử, các nhà khoa học tại hội thảo "Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968" do Bộ Công an và Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 16-12-2017 một lần nữa khẳng định lại điều đó.
“Chúng tôi vào trận giữa Sài Gòn, rồi người hi sinh, người bị bắt, nhưng chúng tôi chứng minh được với đồng bào rằng quân giải phóng vẫn ở đây
Thiếu tá Lê Việt Bình (tức anh trinh sát Hai Đường của đội T4 năm xưa)
Quyết tâm sắt đá
"Tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tạo bước ngoặt trong cục diện chiến tranh, tiến công trên mặt trận ngoại giao, xác lập lợi thế để bước vào giai đoạn vừa đánh vừa đàm, đạt mục tiêu chiến lược để đi đến chấm dứt chiến tranh" - thượng tướng Nguyễn Văn Thành, thứ trưởng Bộ Công an, nhắc lại những đường hướng đã được các cấp lãnh đạo thống nhất trong toàn quân từ giữa năm 1967.
Khi những thời cơ chiến lược về quân sự, ngoại giao xuất hiện ở cả hai bên, chủ trương tiến hành tổng tiến công và nổi dậy hình thành, triển khai, chuẩn bị ở tất cả các lực lượng từ Bắc chí Nam và trong tuyệt đối bí mật.
"Lực lượng an ninh miền Nam đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia với các lực lượng tại chỗ: thăm dò, thu thập, cung cấp thông tin, giao liên dẫn đường, bảo vệ các bộ tư lệnh tiền phương, trực tiếp chiến đấu... trong suốt các đợt chiến dịch. Hơn 2.000 chiến sĩ an ninh đã hi sinh, hàng trăm người bị bắt, tù đày nhưng quyết tâm sắt đá của quân, của dân đã được từng người một thể hiện..." - tướng Thành lặp lại.
Một tuần đối mặt
Không cần thống kê cũng biết sự chênh lệch trời vực về trang bị quân sự, lực lượng giữa quân đội Sài Gòn, quân viễn chinh Mỹ và quân giải phóng miền Nam những năm ấy.
Câu chuyện được nhiều người nhắc lại hôm nay là một tuần chiến đấu với đối phương ngay trên đường phố Sài Gòn ngày tết của 12 chiến sĩ thuộc đơn vị an ninh T4 (An ninh khu Sài Gòn - Gia Định) bảo vệ Bộ tư lệnh tiền phương 2 do ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) lãnh đạo.
Sau khi luồn sâu vào tận chợ Thiếc, quận 11 để chỉ đạo tấn công, Bộ tư lệnh phải rút vì bị phát hiện. Tổ an ninh 12 người rải ra chốt lại ở trường đua Phú Thọ bảo vệ đường rút lui. Lính cộng hòa, tiểu liên, xe tăng, xe bọc thép vây kín các trục lộ, các con hẻm, xả đạn và kêu gọi đầu hàng.
Tựa vào gốc cây, bức tường đổ, tựa vào những chai nước, cái bánh tét bà má Sài Gòn tiếp tế, các chiến sĩ đã chiến đấu với đối phương và với chính mình đến viên đạn cuối, giọt máu cuối. 10 người hi sinh trên đường phố, 2 người bị trọng thương, bị bắt và sau đó hi sinh trong lúc bị tra tấn khai thác.
Ở căn cứ, nghe báo lại tin tức những người cận vệ của mình, ông Sáu Dân chảy nước mắt. Hôm nay, trên con đường Lãnh Binh Thăng - chiến trường năm xưa, tấm bia tưởng niệm ghi lại chiến công anh hùng của 12 người anh hùng đứng đó, sừng sững như quyết tâm sắt đá "tiến công để đi đến chấm dứt chiến tranh" mà các anh đã thể hiện bằng sinh mạng của mình.
Có mặt tại cuộc hội thảo, hàng trăm câu chuyện của những tuổi 20 hừng hực tâm huyết, dấn thân như thế đã được kể lại bởi những sĩ quan an ninh đến từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau...
Quyết tâm sắt đá tôi rèn trong lửa đạn, chứng minh bằng máu xương, bằng bước chân không chùn lại khi người trước ngã xuống đã đưa đến những kết quả to lớn từ tận bên kia Trái đất, kéo gần lại ngày hòa bình cho Việt Nam.
Nhân chứng lịch sử - ông Lê Việt Bình kể lại những thời khắc của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 với chiến sĩ trẻ Công an TP.HCM sáng 16-12 - Ảnh: T.TRUNG
Bước ngoặt trong lòng nước Mỹ
Trong hồi ký của mình, Lyndon Baines Johnson - tổng thống Mỹ giai đoạn 1963-1969 - đã dành nhiều phần để viết về tâm trạng của mình và các đồng sự, các suy luận, thảo luận và quyết sách trong và sau những ngày diễn ra cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 tại Nam Việt Nam.
Cuối cùng của những trang đó, ông viết: "Đến các cố vấn rất thông minh và từng trải của chúng tôi còn bị ảnh hưởng tiêu cực quá nhiều bởi những tin tức nói về trận tấn công tết thì những người dân bình thường ở nước Mỹ đang nghĩ gì? Phó tổng thống Hubert Humphrey nói: "Tết đã thực sự đẩy lùi chúng ta". Tôi buộc phải đồng ý như vậy...".
Trong bài tham luận về "Sự kiện Tết Mậu Thân 1968 nhìn từ phía Mỹ", PGS.TS Nguyễn Duy Bính và thạc sĩ Nguyễn Văn Biểu (Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận định các đợt tổng tấn công Mậu Thân 1968 đã tạo một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đánh dấu một "tấn thảm kịch" trong lòng nước Mỹ, gây chấn động dữ dội trên toàn thế giới và vẫn còn gây tranh luận đến tận hôm nay.
Thời Báo New York (số ra ngày 9-2-1968) gọi Mậu Thân "là một hành động bất ngờ thần thánh. Một lực lượng tản mác, không ai thấy được, bị săn đuổi khắp nơi, bỗng dưng xuất hiện và đồng loạt tấn công ở hàng trăm trận địa trên khắp cả nước. Chính bản thân cuộc tấn công tác động mạnh vào dân chúng Mỹ chứ không phải kết quả của nó".
Tiến sĩ Phan Văn Hoàng, cán bộ an ninh T4 thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đã dẫn ra những tác động của tổng tiến công Tết Mậu Thân đối với chính giới Mỹ: đi từ trạng thái lạc quan thái quá đến thức tỉnh và sau cùng là thất vọng về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Trong bài diễn văn tối 31-3-1968, tổng thống Johnson đã đưa ra một quyết định gây bất ngờ: ông sẽ không tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Lòng dân đủ lớn
Bài học đầu tiên và muôn đời của người Việt là lòng dân. Hôm nay, những câu chuyện quân - dân ở "căn cứ lõm" - căn cứ lòng dân ở giữa Sài Gòn lại được nhắc đi nhắc lại.
Bà Thân Thị Thư, trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, tâm đắc nói về kinh nghiệm mà bà rút ra được từ lịch sử: "Đặc điểm của đô thành là nơi chính quyền Sài Gòn kiểm soát rất chặt chẽ. Đồng bào có dấu hiệu "thân cộng" lập tức bị theo dõi, ngăn chặn, thậm chí khủng bố ác liệt. Nhưng lòng dân vẫn luôn hướng về Mặt trận Dân tộc giải phóng, sẵn sàng đối diện với cảnh tù đày, tra tấn để chở che những người đang hoạt động, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất.
Suốt những năm kháng chiến, dưới sự bố ráp gắt gao, sự tra xét của cảnh sát, sự soi mói của mật vụ, chỉ điểm, nếu không có lòng dân thì sẽ không có căn hầm nào đủ sâu, không có địa đạo nào đủ dài để chở che cho cán bộ, chiến sĩ đi hết con đường cách mạng mà mình chọn".
Giọt nước mắt của chiến tranh - hòa bình
"Kể lại chuyện chiến tranh là để thấu hiểu giá trị của hòa bình, đã được đổi bằng xương trắng máu đào của cha ông, trong ấy có cha ông của chính tôi" - thượng tá công an Nguyễn Thị Lan (Công an Tiền Giang) nghẹn ngào nói.
Khi chiến sĩ an ninh Nguyễn Văn Lợi hi sinh tháng 2-1968 tại Chợ Gạo, Tiền Giang lúc vừa tròn 20 tuổi, con gái của anh vẫn còn trong bụng mẹ. Ra đời không biết mặt cha, chị Lan đã lớn lên trong thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần với mẹ, với bà nội sau khi ông nội, ông ngoại, chú, dì, cậu lần lượt mất trong chiến tranh.
"Là cháu nội duy nhất còn lại, bà nội cứ nắm tay tôi: "Ước gì con là con trai". Sau này, nhiều chú bác đồng đội của cha tôi cũng nắm tay xót xa: "Giá như bác còn được đứa con trai như cháu"...
Những mất mát trong gia đình mình khiến tôi đau xót, cũng cho tôi động lực để phấn đấu trong đời, cho tôi niềm tự hào đã được lớn lên trong hòa bình và nhắc tôi dấn thân trong công việc của mình để bảo vệ từng giờ, từng phút cuộc sống hòa bình của người dân".
Tâm sự rất thật của chị Lan khiến nhiều người ngồi dưới cũng ngấn nước mắt. Giọt nước mắt của những câu chuyện chiến tranh - hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận