Các nhà nghiên cứu cho biết loại máu nhân tạo này có tên ErythroMer, có thể sấy khô, đông lạnh và lưu trữ dưới dạng bột để sẵn sàng sử dụng khi cần.
Nghiên cứu này đã được thử nghiệm thành công trên động vật. Trong các thí nghiệm ở chuột, nhóm nghiên cứu thay thế một lượng lớn máu thật bằng máu nhân tạo. Họ nhận thấy tế bào máu nhân tạo có thể giữ oxy và giải phóng vào các mô quanh cơ thể cũng như tế bào khác. Thử nghiệm khác chỉ ra máu nhân tạo có thể sử dụng để hồi tỉnh con vật bị sốc do mất 40% lượng máu trong cơ thể.
Với kích thước bằng 2% tế bào hồng cầu ở người, tế bào máu nhân tạo có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng và trộn với nước trước khi sử dụng. "Máu nhân tạo có thể được đựng trong túi nhựa để chuyên gia y tế mang theo trên xe cứu thương hoặc balô trong thời gian ít nhất là một năm. Khi cần sử dụng, họ chỉ việc đổ nước cất vào túi, trộn đều và có thể truyền máu tại chỗ ngay lập tức", TS. Allan Doctor, phụ trách nhóm nghiên cứu, cho biết.
Bệnh nhân chấn thương do tai nạn có thể chết trên đường đến bệnh viện do mất máu. Việc mất một lượng lớn máu khiến các mô trong cơ thể không nhận được đủ oxy và bắt đầu ngừng hoạt động. Máu nhân tạo có thể giúp bệnh nhân có thêm thời gian cầm cự trước khi tới bệnh viện.
Theo TS. Doctor, máu nhân tạo cũng giúp mang lại sự tỉnh táo cho bệnh nhân chấn thương ở những khu vực khó tiếp cận. Nhóm nghiên cứu cho biết nếu thử nghiệm lâm sàng suôn sẻ, máu nhân tạo có thể được sử dụng rộng rãi trong vòng 10 năm tới.
Tuy nhiên, TS. Doctor cho biết, máu nhân tạo sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn được cho máu thật. Vấn đề mà các nhà khoa học không thể giải quyết lần này là thời gian sống của chúng.
“Một tế bào hồng cầu bình thường sẽ lưu thông trong cơ thể suốt 120 ngày. Chúng tôi ước tính tế bào nhân tạo này chỉ có thể lưu thông trong 1/3 cho đến nửa ngày”, TS. Doctor cho biết. “Chúng tôi có thể chỉnh sửa và cải tiến để tăng thời gian sống lên một vài ngày".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận