Cũng có những cử tri còn nhớ mình, thi thoảng lại gọi điện, bình luận về những vấn đề Quốc hội đang bàn, cuộc trò chuyện thường rất “say”.
Phóng to |
Lê Văn Cuông (nguyên đại biểu Quốc hội) |
Cử tri nói Quốc hội có gần 500 đại biểu, nhưng không phải đại biểu nào cũng hấp dẫn. Có những người được cử tri chờ đợi, mỗi lần phát biểu là khiến hội trường sôi nổi, người dân đồng cảm. Anh Trần Du Lịch thường “xin thêm giờ” nhưng cử tri vẫn muốn nghe. Anh Dương Trung Quốc lâu mà không nói thì cử tri sốt ruột. Anh Lê Như Tiến, chị Lê Thị Nga gắn bó với Quốc hội lâu rồi nên phát biểu rất sâu sắc và thẳng thắn. Hôm nọ, cử tri đọc báo rồi vỗ tay khen ý kiến chị Nguyễn Thị Quyết Tâm phản biện báo cáo của Chính phủ...
Những đại biểu được cử tri chờ đợi chắc hẳn phải là những đại biểu có tâm và có máu nghị sĩ trong người, là những đại biểu nhập cuộc nhanh với hoạt động của Quốc hội.
Nhưng cũng có đại biểu được tổ chức giới thiệu và cử tri bầu vào nghị trường rồi mới nhận ra là mình không hợp. Đại biểu Đặng Thành Tâm là một ví dụ. “Nói thật, đáng lẽ tôi không nên vào Quốc hội. Hồi xưa tôi không nghĩ làm đại biểu Quốc hội là làm chính trị gia, cái số của tôi không hợp làm chính trị gia” - ông Tâm nói (Tuổi Trẻ 23-5).
Khen cho ông Tâm dũng cảm nói ra điều này. Bởi không phải ai nhận ra sự thật cũng đủ dũng cảm để nói lên sự thật.
Nghị sĩ là chính khách. Nghề làm chính khách khác với nghề làm kinh doanh. Máu nghị sĩ có lẽ cũng không giống máu làm giàu. Là doanh nhân thành đạt, ông Tâm có thể giúp nhiều người có công ăn việc làm, đóng thuế xây dựng đất nước. Nhưng việc một ông chủ truyền cảm hứng cho hàng vạn nhân công lao động chắc là rất khác việc làm một “đầy tớ” trung thành mang tâm nguyện của hàng vạn cử tri đến nghị trường.
Mong rằng đất nước ngày càng có nhiều doanh nhân tốt và ít đại biểu bước chân vào nghị trường rồi mới nhận ra “đáng lẽ tôi không nên vào Quốc hội”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận