Màu nâu - Trở lại và lợi hại hơn xưa

THỦY TIÊN 18/12/2024 06:51 GMT+7

TTCT - Nâu là một trong những màu phổ biến nhất trên trái đất và thường bị lu mờ bởi sự rực rỡ của những màu sắc khác trên quang phổ. Nó buồn tẻ, phải không? Không đúng đâu.

Màu nâu - Trở lại và lợi hại hơn xưa - Ảnh 1.

Nâu là một trong những màu phổ biến nhất trên trái đất và thường bị lu mờ bởi sự rực rỡ của những màu sắc khác trên quang phổ. Nó buồn tẻ, phải không? Không đúng đâu. Từ các cuộc khai quật lăng mộ cổ đại đến sự phân biệt giai cấp xã hội nghiêm ngặt và một xu hướng sống đơn giản bền vững hơn cho tương lai - câu chuyện về màu nâu không hề nhàm chán.

Sau vài năm gây tranh cãi và bối rối với những màu sắc khả nghi và đầy thách thức, từ tím khiêu khích (Ultra Violet năm 2018) đến vàng vui tươi lấp lánh sức sống (Illuminating) năm 2021, màu đỏ thẫm đượm hồng (Viva Magenta) năm 2023, và màu đào nhẹ mượt như nhung (Peach Fuzz) năm 2024, Pantone đã lội ngược về quá khứ thật xa, để đưa màu nâu (Brown) trở lại.

Nói lội ngược về quá khứ thật xa là nói tới những bức tranh hang động ở Lascaux (Pháp) và Altamira (Tây Ban Nha), có niên đại từ thời kỳ đồ đá cũ (khoảng 40.000 năm trước), dùng loại bột đất sét tự nhiên gồm oxit sắt và oxit mangan tạo ra nhiều sắc thái nâu. 

Trong nghệ thuật Ai Cập cổ đại, những nghệ sĩ đã sử dụng rất nhiều sắc tố nâu đa dạng để vẽ từ cảnh vật, đồ dùng, các con thú (như ngựa và chó) đến màu da các nữ thần. Kỳ lạ thay, những sắc nâu làm nổi bật tất cả những nét vẽ màu đen.

Thế bất an của nâu

Những tác phẩm của thời kỳ nghệ thuật baroque ở đỉnh cao, vốn chẳng tiếc gì mà không phô ra đủ loại màu sắc và ánh sáng gợi lên đam mê và những cảm xúc cháy bỏng, đã ném màu nâu vào một xó xỉnh như thể bảo nó hãy mờ nhạt làm nền. 

Nhưng trong thế giới phù hoa khoa trương ấy, các sắc thái nâu của đất và lá cây mục nát đã đảm trách xuất sắc vai trò ẩn dụ cho cái chết tàn rữa và bản chất phù du của cuộc sống và tình yêu - một chủ đề quan trọng của nghệ thuật baroque. 

Bên ngoài những tòa nhà đầy các cột xoắn kỳ dị, tranh vòm và tượng thiên thần, những lối đi sẫm tối, những cành cây khô nâu mục nát, thảm lá nâu đồng… giữ thật chắc địa vị màu sắc không thể thiếu của nó - màu nâu trải dài vô tận đủ sắc thái.

Sự quan tâm của nghệ thuật baroque tới cái chết đã khiến màu nâu - màu của đất, thứ "màu chết" được ưu ái dùng làm dấu ấn cho các bức tranh. Có sắc tố nâu được tạo ra từ xác ướp nghiền nát (một thuật y khoa lúc bấy giờ), những sắc tố nâu khác được tạo ra từ các vật liệu rất gần gũi với thiên nhiên như hắc ín, bồ hóng, đất mùn, đất chứa quặng sắt, đất đỏ cháy, đất nung...

Loại mực màu nâu đỏ mịn của người Hy Lạp và La Mã cổ đại gọi là Sepia, được làm từ mực của nhiều loại mực nang. Leonardo da Vinci, Raphael và các nghệ sĩ khác trong thời kỳ Phục hưng đều ưa dùng. Điều này khiến những cuốn sách ban đầu về hội họa đã cho rằng màu nâu không phải thứ màu tự nhiên vốn có (per se), nó được tạo ra trong mối liên kết với các khoáng chất và nhiều yếu tố khác.

Màu nâu - Trở lại và lợi hại hơn xưa - Ảnh 2.

Bức "Frère Richard, moine franciscain" (Ông anh Richard, tu sĩ dòng Phanxicô) của họa sĩ Léon Mancies, vẽ năm 1894, mô tả một tu sĩ dòng Phanxicô.

Số phận màu nâu như vậy được an bài. Ở La Mã cổ đại, quần áo màu nâu gắn liền với tầng lớp thấp hoặc những người man rợ. Theo luật định năm 1363, những công dân Anh thuộc tầng lớp lao động phải mặc vải len thô màu nâu đỏ, đơn giản vì mực màu thì đắt, vải nhuộm thực vật màu nâu rẻ hơn, màu nâu trở thành thứ phân biệt đẳng cấp, địa vị xã hội. 

Thuật ngữ chỉ những người nghèo thành thị là "pullati", nghĩa đen là "những người mặc đồ màu nâu". Vào thời Trung cổ, các tu sĩ dòng Phanxicô mặc áo choàng nâu như một dấu hiệu của sự khiêm nhường và lối sống giản dị.

Trong thế giới đầy màu sắc muôn hình vạn trạng, con người thường tìm kiếm sự hào nhoáng, lấp lánh của những gam màu tươi sáng như đỏ, xanh hay vàng. Khi nghĩ về màu nâu, chẳng tránh nổi việc hiện lên trong đầu một ly cà phê sữa đã nguội, những miếng bánh mì khô khan, những mặt bàn gỗ xỉn màu, lớp vỏ cây cổ thụ hay đất cát - những thứ chỉ mang đến cho chúng ta cảm giác chán nản và nặng nề.

Màu nâu, với tông trầm tĩnh và ảm đạm, thường gợi lên cảm giác an toàn và ổn định. Nhưng hãy thành thật mà nói, mấy ai muốn sống trong một thế giới "ổn định" khi cuộc sống vốn hứa hẹn đầy rẫy thách thức và bất ngờ? Đó là chưa kể màu nâu là màu của đất - nơi ta trồng trọt và nuôi sống chính mình nhưng cũng là nơi ta mau chóng muốn chuồn khỏi những công việc cực khổ hằng ngày. 

Rời mắt khỏi màu xanh lồng lộng của bầu trời, màu vàng của ánh nắng rực rỡ hay của lúa mì chín vốn mang đến sự lạc quan và phấn chấn, màu nâu bên dưới kéo ta quay về thực tại khắc nghiệt. Nó giống như lời nhắc nhở rằng mọi thứ trên đời đều có giá của nó, và đôi khi giá đó nghiệt ngã.

Màu nâu - Trở lại và lợi hại hơn xưa - Ảnh 3.

Hình ảnh quảng cáo sản phẩm bền vững của một hãng thời trang

Đổi phận cho màu nâu

Có lẽ phải vài thế kỷ sau, cái màu chán chường này mới bắt đầu đổi đời khi nó là màu của những thức uống làm mê làm nghiện, màu của trà, cà phê, rồi chocolate. Từ đó màu nâu có một sắc thái mới, một thân phận mới. Màu của sự ấm áp và ngon mắt. Và hơn thế.

Tới đây, phải kể công cho những thương nhân và người chế biến cà phê Mocha xứ Yemen. Quãng năm 1450, những người Hồi giáo Sufi ở Yemen đã uống cà phê để tỉnh táo trong những buổi cầu nguyện đêm muộn và thức uống này được ưa thích đến độ những sườn núi bị biến thành những sườn đồi bậc thang trồng cà phê. 

Thức uống nâu đậm đó lan rộng khắp bán đảo Ả Rập và Biển Đỏ, nơi các thương nhân từ khắp nơi trên thế giới gặp nhau. Yemen đã vận chuyển hàng tấn hạt cà phê từ cảng Mokha đi khắp nơi và việc uống cà phê trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Tới những năm 1650, các quán cà phê mở cửa ở châu Âu.

Những hạt cà phê Yemen được phơi khô tự nhiên dưới ánh mặt trời, chuyển màu nâu sẫm qua đen. Phần thịt quả được loại bỏ, ta có một loại hạt cà phê có hương vị phức hợp. World Coffee Research cho biết giống cà phê được tìm thấy ở thành phố Mokha có hương vị chocolate bơ đậm đà, ngọt và thoảng nhẹ hương trái cây. Khi thức uống sóng sánh nâu với hương vị độc đáo ấy xuất hiện ở châu Âu, chúng làm mê hoặc tất cả.

Những tách chocolate nóng bỏng thơm ngọt đã khiến sắc thái tĩnh lặng, có phần tẻ nhạt của màu nâu trở nên quyến rũ lạ lùng. Trong những khúc quanh của thời thế, thức uống ấy như một niềm an ủi, giữ cuộc sống không đi quá xa trong những cơn mộng mị bão táp. Màu nâu ở đó, bất thình lình đưa những giá trị tĩnh tại và thực tế từng bị đánh giá thấp trở lại, màu nâu trở thành biểu trưng cho sự thấu hiểu và chấp nhận. 

Nó gợi nhớ chúng ta về tính chất giản dị của cuộc sống mà nhiều người thường bỏ qua, nhắc nhở rằng cuộc sống không chỉ là những khát khao cháy bỏng lẫn những niềm vui ồn ào mà đôi khi là những giờ khắc an yên bên chiếc ghế gỗ, nơi mà thời gian và không gian trở nên vô nghĩa. Đột nhiên ta thấy màu nâu khuyến khích ta tìm kiếm niềm vui trong những điều đơn giản, từ thưởng thức hương vị một tách cà phê đến niềm vui ngắm đất đai trù phú nâu hồng lên sau những cơn mưa.

Thế nên mới có lời mô tả của Giám đốc điều hành Viện màu sắc Pantone, Leatrice Eiseman, rằng Mocha Mousse "tinh tế và sang trọng, nhưng đồng thời cũng là một màu cổ điển giản dị", "thấm đẫm sự thanh lịch tinh tế và sự tinh tế của đất".

Màu nâu - Trở lại và lợi hại hơn xưa - Ảnh 4.

Màu nâu - chuyện của tính bền vững và ý thức sinh thái

Quá khứ u ám và tẻ nhạt của màu nâu đã thay đổi, bởi thời thế đã khác xưa, giờ là thời đại của các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường, từ bàn chải đánh răng bằng tre, chai lọ tái chế đến túi giấy màu nâu. 

Đâu phải tự dưng mà các nhãn hàng sử dụng màu nâu trong hình ảnh sản phẩm, họ nhắm đến đối tượng là những người quan tâm đến cuộc khủng hoảng khí hậu và có ý thức về sinh thái.

Các cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ, cửa hàng đồ tái chế tự hào bày những món đồ bao bì màu nâu chân chất, đáng tin cậy. Sự linh hoạt, sẵn có, chi phí thấp và sự gắn kết với thế giới tự nhiên của màu nâu đã khiến nó trở thành một trong những màu quan trọng nhất trong thế giới hiện đại, giúp thúc đẩy sự thay đổi về mặt đạo đức với môi trường. Từ thời trang, làm đẹp đến thiết kế nội thất, nhiều người đang áp dụng tông màu nâu để mang lại cảm giác vững chắc và kết nối với thế giới tự nhiên.

Theo báo cáo Tăng trưởng toàn cầu bền vững và Kỳ vọng của người mua sắm của ESW, công ty thương mại điện tử DTC toàn cầu, 87% người tiêu dùng thuộc thế hệ Z và 73% người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennials chọn mua các sản phẩm chăm sóc da được sản xuất bằng các phương pháp ít tác động nhất đến môi trường.

Chỉ cần nhìn vào làn sóng mới trong lĩnh vực chăm sóc da, nhấn mạnh việc sử dụng các thành phần thô và vẻ ngoài mộc mạc, có thể nhận ra ngay lập tức màu nâu đóng vai trò quan trọng trong xu hướng này bởi đây là màu thường gắn liền với các nguyên liệu tự nhiên. 

Khỏi phải nói thêm, bởi những cỏ mần trầu, hà thủ ô, trái bơ hay ô liu, thậm chí vỏ ca cao… trong dầu gội đầu, sữa tắm, kem dưỡng da… đã thuyết phục người dùng tốt ra sao.

Màu nâu - Trở lại và lợi hại hơn xưa - Ảnh 3.

Khám phá lại màu nâu trong thế giới thiết kế

Sophie Baker, nhà thiết kế cao cấp tại Soho House, hớn hở khi màu nâu quay lại. Bà nói đây là một cách mới để đưa màu trung tính trở lại và lợi hại hơn xưa. "Màu nâu chocolate là một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Nó thực sự thanh lịch… Nó là một màu sắc cổ điển, tôi không nghĩ nó sẽ bao giờ lỗi thời, nó được khám phá lại".

Cách để khiến màu nâu chocolate trông tinh tế, thay vì nhàm chán, là cân nhắc những gì kết hợp với nó. Như hạt cà phê được rang, rồi trộn với sữa. Baker khuyên: "Tôi đã sử dụng nó dưới dạng sơn mài, nó mang đến một nền tối phong phú cho một không gian siêu hiện đại. Trong lụa, sơn mài, nó nổi bật và rất hiện đại".

Nhà thiết kế Laura Hammett đề xuất cách sử dụng màu nâu thật chu đáo, tập trung vào kết cấu và sự cân bằng: "Kết hợp tông màu chocolate đậm với các màu trung tính nhẹ hơn, như màu trắng ấm hoặc màu nâu xám, để tạo độ tương phản và giữ cho diện mạo tươi mới".

Những nhà thiết kế khác đề xuất kết hợp màu nâu với màu kem và các màu nhẹ nhàng hơn như xanh nhạt hoặc hồng, để trông hiện đại và thanh lịch, hoặc với màu be và màu đen để làm sáng và nổi bật hơn các chi tiết.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận