Hàng hóa tại một cảng thương mại ở Kaliningrad thuộc Nga - Ảnh: REUTERS
"Nếu trong tương lai gần, hàng hóa trung chuyển giữa Kaliningrad và phần còn lại của lãnh thổ Liên bang Nga qua Lithuania không được khôi phục hoàn toàn, Nga sẽ có quyền có hành động bảo vệ lợi ích quốc gia", Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 20-6.
Nga cho biết đã triệu nhà ngoại giao đứng đầu của Lithuania tại nước này đến phản đối các biện pháp "khiêu khích" và "thù địch công khai" này.
Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cũng chỉ trích quyết định của Lithuania. "Tình hình còn hơn cả nghiêm trọng và cần phân tích kỹ càng trước khi xác định bất cứ biện pháp hoặc quyết định nào", ông Peskov nói.
Tuần trước, Lithuania đã tuyên bố cấm việc trung chuyển bằng tàu hỏa hàng hóa giữa Nga và vùng Kaliningrad thuộc Nga nằm trong các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Các hàng hóa bao gồm than, kim loại, vật liệu xây dựng và công nghệ cao. Theo lãnh đạo vùng Kaliningrad, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến 50% tổng xuất khẩu của vùng này.
Theo Nga, việc này vi phạm thỏa thuận vào năm 2002 giữa Nga và EU.
Phản ứng sau đó, Lithuania khẳng định lệnh cấm của nước này tuân thủ các biện pháp trừng phạt của EU.
"Lithuania không làm gì cả, đó là do các biện pháp của châu Âu có hiệu lực từ 17-6", Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis của Lithuania nhấn mạnh và cho biết nước này đã tham vấn với Ủy ban châu Âu trước khi ra quyết định.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng lên tiếng phản bác chỉ trích của Nga. "Nga không có quyền đe dọa Lithuania", ông Kuleba nói, cho rằng đây là hậu quả Matxcơva tự chịu khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.
Kaliningrad, trước đây là cảng Koenigsberg, thủ phủ của Đông Phổ, được giao cho Liên Xô sau Thế chiến thứ hai. Khu vực này nằm kẹp giữa các thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận