Bạn đọc Vinh ([email protected]) chia sẻ không chỉ công nhân, lao động chân tay mà giới cổ cồn cũng rơi vào tình trạng này. Thế nên mọi người hãy có phương án dự phòng, cần có nghề tay trái, nguồn thu nhập riêng bên ngoài, đừng chỉ đặt hết thời gian, tâm trí vào duy nhất một công việc ở công ty. "Rất nguy hiểm vì chúng ta đang đặt số phận mình vào tay người khác định đoạt" - Vinh viết.
Tự nhận mình đang trong tình trạng đó, bạn đọc Tu Nguyen ([email protected]) nêu thực tế các công ty tuyển dụng công việc phù hợp nhưng luôn giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên, trước khuyến nghị "Nếu phát hiện doanh nghiệp cố tình cắt giảm lao động lớn tuổi, giữ lại người trẻ tuổi để làm việc, công đoàn công ty có thể báo cáo lên cơ quan quản lý lao động, phòng lao động quận, huyện hay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để ngăn chặn" theo bạn đọc này chỉ là ở phòng máy lạnh mới nói thế chứ thực tế khác lắm.
Trong khi đó, bạn đọc tên Sơn ([email protected]) cho biết mình 48 tuổi, làm quản lý sản xuất 23 năm cho doanh nghiệp FDI. Hai năm qua, công ty suy thoái buộc cắt giảm nhân sự toàn cầu và bạn nằm trong vòng xoáy đó. Thất nghiệp gần hai năm, bạn nhận cũng đã cạn năng lượng đi xin việc mà cái chính vì lớn tuổi và sự đào thải của định kiến.
"Hưu thì chưa tới, muốn cống hiến cho xã hội, doanh nghiệp mà không nằm trong mục tiêu tuyển dụng của họ. Chắc chỉ còn cách chạy xe công nghệ và bỏ đi tất cả kinh nghiệm bằng cấp..." - bạn đọc này cảm thán.
Một bạn đọc có email [email protected] chia sẻ bạn bè mình toàn tốt nghiệp đại học mà mới 45 tuổi nhiều người đã muốn nghỉ chứ nói gì làm công nhân. Lý giải chế độ y tế, chăm sóc sức khỏe, môi trường sống và vệ sinh an toàn thực phẩm khó so với các nước khác nên nhiều người Việt Nam hiện mới 45 tuổi nhưng sức khỏe không bằng người 55 tuổi thời trước.
Nhìn một góc khác, bạn đọc Phong Vu ([email protected]) cho rằng những quy định làm khó sự cắt giảm lao động lớn tuổi là một trong những lý do khiến doanh nghiệp không thuê lao động lớn tuổi. Bàn giải pháp, bạn đọc nói cần bỏ những quy định gây khó khăn khi doanh nghiệp cắt giảm người lớn tuổi.
Thay vào đó có quy định thưởng cho doanh nghiệp dùng lao động lớn tuổi. Chẳng hạn như có thể cộng tất cả tiền lương thưởng doanh nghiệp đã trả cho lao động trên 50 tuổi trong năm và giảm thuế một phần cho số tiền đó.
Tự lo thân khi mất việc tuổi 50
Bạn tôi, 51 tuổi, làm nhân sự ở một công ty nước ngoài 18 năm qua, từ khi công ty mới mở tại Việt Nam. Nay công ty giảm biên chế, nhận số tiền bồi thường mấy trăm triệu đồng mà buồn muốn khóc.
Nhưng đây là những trường hợp rất hiếm trong biết bao người mất việc ở tuổi xấp xỉ 50, khi tuổi hưu còn xa nhưng cơ hội xin việc mới với công việc tương tự thật quá khó. Không hẳn vì họ đã "già" mà thực tế các công ty khác cũng không có nhu cầu tuyển người mới, cho dù là người có chuyên môn cao. Tìm việc mới, hưởng lương khởi điểm như người trẻ thật sự đắng chát với phần đông người mất việc.
Một người mất việc luôn là nỗi lo của một gia đình. Ở tầm tuổi này nhiều người còn lo học phí cho con, lo sức khỏe cha mẹ già và cho chính mình. Không phải ai cũng có "của để dành" từ nhiều năm trước. Người mất việc độ tuổi này thường phải nhắm đến việc buôn bán nhỏ, lao động tự do khi sức khỏe đã bắt đầu xuống dốc.
Vì thực tế này, người tuổi 50 mất việc thật sự là một vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Đây cũng là một sự lãng phí xã hội khi nhiều người có chuyên môn không được phát huy khả năng. Việc này cần được lưu tâm hơn về mặt chính sách. Và mỗi người, từ thực tế này, phải tự tính cách "phòng thân" từ sớm để đỡ chơi vơi bấp bênh khi chẳng may mất việc. Lo xa tránh nỗi buồn gần, chứ biết sao giờ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận