Phóng to |
Giữa tháng chín, tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới liên tiếp xảy ra nhiều vụ mất trộm ĐHN. “Gia đình tôi bị mất, quanh xóm nhiều người cũng bị mất, không có nước dùng từ nửa tháng nay. Đi đâu cũng nghe... mất ĐHN” - ông Trần Ngọc Thanh, ấp Tấn Bình, nói. Theo Xí nghiệp điện nước huyện, từ đầu tháng 8-2006 đến nay trên địa bàn các xã có 173 ĐHN bị trộm.
Đầu tháng sáu vừa rồi, hàng loạt ĐHN của dân ở huyện Châu Thành bỗng nhiên... không cánh mà bay. Đường ống dẫn bị xí nghiệp bít lại, người dân không có nước sử dụng. Công an thị trấn An Châu cho biết chuyện mất ĐHN trên địa bàn xảy ra như cơm bữa, có đêm mất tới 29 cái. Các xã lân cận cũng xảy ra tình trạng tương tự, ngay cả ĐHN nhà của giám đốc Công an tỉnh An Giang tại ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa cũng bị kẻ trộm... chôm. “Chỉ riêng địa phương này năm nay đã mất 127 ĐHN” - ông Lê Quang Vinh, giám đốc Xí nghiệp điện nước Châu Thành, than thở.
Cùng khoảng thời gian này, TP Long Xuyên liên tục xảy ra nạn trộm ĐHN. Theo Xí nghiệp điện nước thành phố, năm ngoái mất 354 cái, từ đầu năm tới nay thêm 200 ĐHN nữa bị trộm, tập trung ở các phường Bình Khánh, Bình Đức, Mỹ Phước, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên...
Không mất mới lạ
Khách hàng tự bảo vệ! Ông Lê Thành Bửu, phó giám đốc Công ty Điện nước An Giang, cho biết trường hợp mất ĐHN mà khách hàng là hộ nghèo sẽ được công ty cho trả chậm. Công ty cũng đã yêu cầu các xí nghiệp kiểm tra, lên kế hoạch lắp đặt ống nhánh, di dời đồng hồ vào sát nhà khách hàng đối với các ĐHN đặt ở vị trí có khả năng bị mất trộm. Đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện di dời, xí nghiệp đề nghị khách hàng xây hộc để bảo vệ. |
Số ĐHN bị mất phần lớn để bên lề đường, đặt ngoài hàng rào, vỉa hè, cách xa nhà khách hàng sử dụng nước, có khi hàng chục mét. Chỉ những ĐHN đặt bên lề đường, nhiều hộ dân ở phường Bình Đức, TP Long Xuyên, nói: “Chẳng khác nào... mời mọc người ta lấy, không mất mới lạ!”.
Ban đầu thấy hàng xóm bị mất, bà con khẩn thiết yêu cầu dời ĐHN vào sát nhà mình để dễ bảo quản nhưng phía cấp nước không đồng ý. “Chúng tôi đề nghị cho dẫn ống nhánh vào hẻm khoảng 40m, xin chịu toàn bộ chi phí để tránh mất trộm nhưng họ không chịu” - bà con ở tổ 27, ấp Hòa Phú 3, thị trấn An Châu, kể. Thế rồi nhiều ĐHN nữa lần lượt bị mất.
Theo các xí nghiệp điện nước, ĐHN là tài sản thuộc công ty, nó phải đặt ngoài nhà khách hàng và cách tuyến ống cấp nước chính không quá 10m, còn đối với nhà khách hàng trong hẻm phải đặt nó ở đầu hẻm. Làm như thế dễ ghi chỉ số sử dụng nước hằng tháng và để... tránh tình trạng thất thoát nước.
Bắt dân chịu
Khi ĐHN bị mất, xí nghiệp cho bít đường ống nước ngay và buộc khổ chủ đóng gần 400.000 đồng (gồm tiền mua ĐHN mới 350.000 đồng, các phụ kiện, công lắp đặt 45.000 đồng) mới cung cấp nước trở lại. Tại ấp Hòa Phú 3, thị trấn An Châu, người dân tổ 22 đành chịu khát, đến mấy ngày sau mới có nước sinh hoạt. Những hộ nghèo không lo đủ tiền đành phải đi xin nước hoặc lấy nước sông sử dụng. “Nhà nghèo, khó khăn lắm mới trả xong nợ vô đồng hồ nước trước đây, bây giờ lấy đâu tiền để mua mới?” - bà Trần Thị Giàu than thở. Còn ông Trần Ngọc Thanh - Tấn Mỹ, Chợ Mới - ấm ức: “Tui đóng tiền rồi họ bảo chưa có ĐHN, bắt tụi tui dài cổ chờ”.
Lãnh đạo một số địa phương có xảy ra tình trạng mất ĐHN cho rằng ĐHN tài sản của công ty, là thiết bị phục vụ cho bên cấp nước trong việc quản lý lượng nước sử dụng để tính tiền khách hàng. Vì tránh tình trạng thất thoát nước nên bên cấp nước đặt nó ở chỗ quá sơ hở dễ bị lấy trộm, do đó lỗi hoàn toàn về phía công ty. Thế nhưng khi mất ĐHN, buộc người dân gánh chịu là điều vô lý! Họ đề nghị ngành cấp nước sớm có phương án di dời ĐHN sát trong nhà dân để dễ quản lý.
“Nếu tiếp tục xảy ra mất trộm, ngoài thiệt hại tài sản của dân còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương” - ông Nguyễn Thành Bền, phó trưởng Công an thị trấn An Châu, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận