06/11/2019 09:35 GMT+7

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ cuối: Tình thương nuôi tôi lớn

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Lợi luôn sống và làm việc với tâm niệm: "Tôi tin rằng người thành công và có được hạnh phúc là người biết đứng dậy trên chính những nghiệt ngã và tai ương của đời mình...".

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ cuối: Tình thương nuôi tôi lớn - Ảnh 1.

Với Lợi, cuộc sống này thêm đẹp khi anh gặp người bạn tri kỷ - nhà thiết kế thời trang Phan Tường Nghĩa - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Tôi tin rằng người thành công và có được hạnh phúc là người biết đứng dậy trên chính những nghiệt ngã và tai ương của đời mình.

NGUYỄN HỒNG LỢI

"Thế rồi ngày được vinh danh trên bục xếp hạng quốc tế cũng đến. Đó là giấc mơ mà tôi chẳng dám mơ. Ai có thể nghĩ thằng cụt bước đi được cũng là nhờ đặc ân trời ban ngày nào giờ lại có thể khẳng định mình trên đường đua xanh quốc tế?", Lợi tâm sự trong niềm tự hào.

Những trải nghiệm quý báu

Lợi bắt đầu tham dự nhiều hơn ở các giải đấu trong nước. Và mỗi chuyến du đấu là một câu chuyện khác, một trải nghiệm vô cùng đặc biệt của chàng trai chỉ có duy nhất cánh tay trái lành lặn.

Kết thúc mỗi mùa giải, bộ sưu tập huy chương của anh tăng thêm một vài tấm nhưng kinh nghiệm quý báu tích lũy được là vô kể. Bảy năm kể từ khi học bơi, bộ sưu tập đánh dấu con đường bơi lội của Lợi nay đã trên dưới 30 tấm huy chương. Chúng đầy đủ màu sắc vàng, bạc, đồng được Lợi gặt hái từ các giải bơi lội trong nước.

"Nhưng tôi vẫn chưa hài lòng. Tôi muốn thử xem mình sẽ có thể tiến được bao xa", anh nói. Năm 2014, đánh dấu ngày Nguyễn Hồng Lợi trở thành thành viên đoàn thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam tham dự ASEAN Para Games tại Myanmar. Lần đầu thi đấu ở giải đấu khu vực, anh đạt được huy chương đồng ở nội dung bơi lội hạng thương tật S6 100m tự do nam.

Tuy nhiên, Lợi vẫn cho rằng tấm huy chương mình đạt được ở giải quốc tế này là một phần nhờ may mắn bởi áp lực nên có vài nhịp anh đã không làm tốt như lúc tập. Anh không biết thầy Đăng Viễn nghĩ gì về tấm huy chương học trò mình vừa đạt được. Nhưng anh vẫn nhớ như in đến từng nhịp ngắt lấy hơi trong câu nói của thầy khi anh bay về nước: "Huy chương đồng năm nay là lý do và động lực để con luyện tập cho mùa giải năm sau. Tập luyện tốt thì thứ con đạt được còn hơn cả một tấm huy chương".

2014 là năm "bội thu" của Lợi. Ngoài huy chương đồng ở ASEAN Para Games, anh liên tục đạt được nhiều thành tích cao ở các giải trong nước. Việc đạt được nhiều huy chương danh giá giúp anh nhận được rất nhiều sự quan tâm, kể cả từ những người nước ngoài. 

Anh nhận được nhiều lời chúc bằng đường thư tay và cả thư điện tử. Có vài người mà anh chưa từng được gặp đã gửi thư chia sẻ rằng phần bứt tốc của anh ở mùa giải này là thứ mà cả gia đình họ háo hức xem. Nhiều phóng viên ảnh có mặt lúc đó cũng nhắn tin đầy xúc động rằng vẻ đẹp của anh đã giúp họ có được tấm ảnh trên cả tuyệt vời...

Những niềm vui sẻ chia ấy cho Lợi nguồn sức mạnh trước những giáo án nặng trĩu mỗi khi vào mùa giải. Cảm giác được vục mình xuống nước rồi đặt ra mục tiêu thật cao đã kéo anh rời khỏi giường trong những sáng rã rời. Có những lúc choáng váng như hụt hơi giữa đường bơi nhưng chỉ sau một vài nhịp cố gắng, anh đã hoàn thành tốt đường bơi đó.

"Việc thực hiện tốt một đường bơi dù không phải thi đấu cũng giúp tôi tìm được nguồn cảm hứng mới, chân trời mới. Và cứ thế, bơi lội như một phần cuộc sống của tôi. Kể cả lúc mệt mỏi, tôi vẫn muốn được bơi. Vì không được như người bình thường, không chạy nhảy được nhanh như họ, tôi bơi bằng cả khối óc và trái tim mình", Lợi tâm sự.

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ cuối: Tình thương nuôi tôi lớn - Ảnh 3.

Lợi rất tâm huyết với lớp dạy vẽ Sắc màu cuộc sống tại Trung tâm Ân Điền - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Đứng dậy trên tai ương

Trong một lần phụ bán cà phê vỉa hè trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cùng đứa bạn, anh có dịp gặp đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo. Chuyện gặp ông sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như anh không tham gia vào hai bộ phim do ông làm đạo diễn.

Chỉ sau lần trò chuyện trong lúc đợi cà phê, vị đạo diễn này ngỏ lời mời anh đóng phim. Nhưng cuộc nói chuyện hôm ấy của hai người cũng chỉ dừng ở quán cà phê, và phải tận đến ba năm sau khi Lợi gặp lại ông ở một triển lãm tranh anh mới bắt đầu cơ duyên với phim truyền hình. Thứ mà trước đó anh chưa hề nghĩ rằng mình sẽ thử.

"Lần đầu tiên tham gia đóng phim, tôi vào vai một cậu bé mồ côi nghèo phải rong ruổi khắp nơi mưu sinh. Đó là bộ phim Truy đuổi dài 90 phút. Dù có chút lo sợ làm ảnh hưởng đoàn phim, nhưng chính vì nhân vật cần hóa vai quá giống mình đã thôi thúc tôi nhận lời. Và cũng thật hạnh phúc khi tôi làm tốt những gì được giao trong bộ phim này", Lợi cười nói.

Mãi đến năm 2018, bốn năm sau khi thực hiện bộ phim đầu, anh lại có dịp được đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo ngỏ lời mời tham gia tiếp bộ phim thứ hai. Lần này bộ phim có tên Chuyện xứ dừa, dài đến 30 tập và do nữ ca sĩ Thanh Ngọc lúc đó làm nữ diễn viên chính.

Những câu chuyện về cơ duyên như thế cứ đến với anh. Khi kết thúc bộ phim cũng là lúc may mắn lần nữa đưa anh gặp được một người bạn mới. Đó là một nhà thiết kế thời trang mà sau này cũng là người đồng hành cùng anh tối đa trên con đường phát triển sự nghiệp ở lĩnh vực thời trang một cách chuyên nghiệp. 

Lợi bắt đầu mở ra cho mình một tiệm thiết kế thời trang nhưng có tên áo dài Tường Nghĩa. Trả lời thắc mắc của tôi vì sao không phải là tên Hồng Lợi, anh cười nói: "Bởi tôi muốn cảm ơn người bạn đồng hành của mình, cô ấy xứng đáng được hơn thế".

Khi anh và người bạn của mình bắt đầu cho ra những bộ sưu tập để lại chút "tiếng tăm" cũng là lúc Lợi thấy mình được bén duyên với lớp học "Sắc màu cuộc sống". Lớp học vẽ này do người bạn Tường Nghĩa của anh đứng lớp tại Trung tâm đào tạo người khuyết tật Ân Điền (Thủ Đức). 

Và thế là ngoài dạy bơi, Lợi vui sướng khi được mang chút kiến thức của mình trong bộ môn vẽ để giúp đỡ các em nhỏ khuyết tật, trẻ mắc bệnh tự kỷ nơi đây được vẽ nên những gam màu của cuộc sống.

Giờ đây, Lợi tự tin rằng mình là người hạnh phúc. Anh đang được sống cuộc sống như mong muốn, một cuộc sống đầy đam mê, sắc màu và tình yêu. Đương nhiên, anh cảm thấy hạnh phúc khi đứng trước phần trưng bày những tấm huy chương của mình tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hay những bộ thiết kế áo dài do mình vẽ nên.

"Tôi vô cùng cảm ơn những tình thương đã nuôi tôi lớn. Thậm chí cả những nghiệt ngã xảy ra từ khi tôi còn là đứa trẻ chưa có hình hài. Và với một con người được tạo ra bởi sự nghiệt ngã này, tôi lại càng có thêm lý do sống để chứng minh rằng khó khăn dù to lớn đến đâu cũng không thể ngăn được chúng ta vươn tới hạnh phúc, sống có ích nếu như chúng ta thật sự cố gắng", Lợi sẻ chia.

Đã từ lâu, anh xem những khuyết thiếu của mình là đặc biệt chứ không là điều gì đó quá khác biệt. Lợi tâm sự: "Từng lo sợ nếu một ngày hết tật nguyền thì liệu rằng mình có đủ mạnh mẽ để thực hiện được những gì ngày hôm nay mình làm được?". Từ đó, Lợi luôn sống và làm việc với tâm niệm: "Tôi tin rằng người thành công và có được hạnh phúc là người biết đứng dậy trên chính những nghiệt ngã và tai ương của đời mình...".

"Nước không chưn sao kêu nước đứng

Cá không thờ sao gọi cá linh".

Loài cá từng gắn liền với sự sung túc, hào sảng của vùng đất châu thổ phương Nam, nay đang trở thành... ký ức đẹp của những ngày xưa xa vắng. Có cách nào để hồi phục những đàn cá linh?

MỜI ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ: THƯƠNG NHỚ NHỮNG MÙA CÁ LINH


Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 4: Cho đi để nhận lại Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 4: Cho đi để nhận lại

TTO - Hình ảnh những em nhỏ ở làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ tranh nhau sờ và hôn lên tấm huy chương mỗi lần anh Nguyễn Hồng Lợi đem về làm cho tấm lòng chàng trai đặc biệt này ấm lại.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên