Một số vật thể được mang về từ sứ mệnh Apollo 12 - Ảnh: NASA
Theo trang Independent, mới đây, các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm của Viện Địa chất học thuộc Trường ĐH Cologne (Đức) đã công bố kết quả phân tích một số vật thể thu được từ các chuyến bay Apollo vào những năm 1960, trong đó nổi bật là chuyến Apollo 11 và 12.
Bằng việc phân tích hàm lượng 2 nguyên tố hafni và volfram có trong đất đá lấy từ Mặt trăng, nhóm nghiên cứu xác định chúng có tuổi đời khoảng 50 triệu năm sau khi Hệ mặt trời hình thành.
Hafni và volfram thường được xem là "đồng hồ phóng xạ tự nhiên" của Mặt trăng, giúp đo được các chỉ số về địa chất học của thiên thể này.
Từ đó, các nhà khoa học suy ra thời gian xuất hiện của Mặt trăng là khoảng 50 triệu năm sau khi Hệ mặt trời ra đời. Đồng nghĩa, nếu Hệ mặt trời hiện nay được cho là 4,56 tỉ năm tuổi, thì Mặt trăng có "tuổi đời" 4,51 tỉ năm tuổi.
Khoảng thời gian này sớm hơn 100 triệu năm so với những tài liệu trước đây khi cho rằng Mặt trăng xuất hiện sau sự kiện Hệ mặt trời ra đời 150 triệu năm.
Mặt trăng "nhiều tuổi" hơn chúng ta tưởng - Ảnh: GETTY IMAGES
Nghiên cứu mới này được công bố khi thế giới vừa kỷ niệm 50 năm lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt trăng. Trong chuyến bay lịch sử này, Neil Armstrong và Buzz Aldrin cũng thu thập 21,55kg mẩu vật gồm đất đá và khoáng vật từ Mặt trăng mang về Trái đất.
Theo TS Maxwell Thiemens - ĐH Cologne (Đức) - việc xác định tuổi Mặt trăng càng chính xác sẽ giúp giới khoa học hiểu biết nhiều hơn về Trái đất của mình cũng như những hành tinh khác trong Hệ mặt trời.
Theo đó, Mặt trăng có thể được hình thành khi một thiên thể lớn, có kích thước cỡ sao Hỏa va vào Trái đất, đẩy bắn ra lượng vật chất đủ vào trong quỹ đạo Trái đất để hình thành nên Mặt trăng qua quá trình bồi tụ. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều giả thuyết hình thành Mặt trăng.
"Bằng việc so sánh những thành phần khác nhau trong các lớp đất đá hình thành trong những khoảng thời gian khác nhau, chúng ta có thể hiểu thêm cấu tạo của Mặt trăng trong buổi ban đầu" - TS Raul Fonseca - ĐH Cologne (Đức) - cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận