Lũ không về, người dân kéo lưới nhưng lưới trống không - Ảnh: Đức Vịnh |
Dọc quốc lộ 62 từ TP Tân An (Long An) về hướng biên giới Tây Nam, thời điểm này những năm trước nước đã ngập trắng đồng. Nhưng hiện tại hai bên đường vẫn là màu xanh của lúa chét vừa lên lại sau đợt gặt vụ hè thu.
Phải chú ý lắm mới thấy nước mấp mé ở một vài cánh đồng năn mọc dại ven đường.
Từ Long An, Đồng Tháp...
Dọc sông Dương Văn Dương rẽ qua kênh 79 đến Lâm trường Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, Long An, chúng tôi mới thấy được những cánh đồng loáng nước, dấu hiệu của lũ.
“Nhưng chờ hai tháng rồi nước vẫn chưa đủ để bà con đặt lọp” - anh Nguyễn Văn Dũng, nhà ở cạnh Lâm trường Vĩnh Lợi, cho hay.
Lâm trường Vĩnh Lợi là vùng đồng trũng do Công ty Nông lâm sản Long An quản lý, vốn là vùng được khoán cho người dân khai thác nguồn lợi thủy sản. Năm nay, anh Dũng thầu lại 10.300ha đồng thuộc lâm trường này rồi chia lại cho bà con cùng khai thác.
Anh Dũng cho hay: “Tui chia ra thành từng lô, một lô khoảng 100ha, tùy lô có mức độ khai thác khác nhau mà giá cho thuê lại dao động 9-10 triệu đồng/lô. Hiện có hơn 40 hộ đã đóng tiền khai thác cho tui nhưng vẫn chưa đặt được cái lọp nào”.
Cái lọp đánh bắt cá của người dân vùng Tháp Mười chỉ cần nước lên 5 - 6 tấc (0,5 - 0,6m) là có thể đặt để bắt cá.
“Nói chung chỉ cần nước lên quá đầu gối là đặt lọp được, nhưng cả lâm trường mênh mông vậy chớ nước chỉ được nửa ống chân. Năm 2013 nước khá, trúng nhiều.
Năm 2014 nước ít hơn nhưng cũng đủ để đặt lọp được bốn tháng. Còn năm nay mình đã nhận tiền của bà con mà bà con mất hai tháng rồi chưa làm ăn được gì, thiệt sốt ruột” - anh Dũng tâm sự.
Chúng tôi đến ấp Cái Môn, xã Vĩnh Thạnh, Tân Hưng, nơi có hơn 10 hộ dân đã trả tiền cho anh Dũng, thầu lại một phần đồng trong Lâm trường Vĩnh Lợi để khai thác.
Hàng ngàn chiếc lọp đang được chất đống xung quanh những căn nhà lợp lá nơi đây. Anh Nguyễn Văn Bé Hai vừa cặm cụi đan từng lá chắn vừa nói như phân trần: “Đan hơn 200 cái rồi, không biết có đặt được không, nhưng lỡ mượn tiền đầu tư rồi, phải làm thôi”.
Vợ chồng anh Bé Hai ở đây từ nhỏ, ngày mùa hai vợ chồng dắt díu nhau đi làm ruộng mướn nuôi ba đứa con. Một ngày cấy mướn, nhổ cỏ thuê, hai vợ chồng kiếm được 200.000 đồng.
Mùa nước lũ về vợ chồng anh có thu nhập cao nhất trong năm nhờ đặt lọp bắt cá. Đặt khoảng 200 cái lọp, mỗi ngày kiếm được 300.000 - 400.000 đồng tiền bán cá.
Năm nay, họ đặt cọc 4,5 triệu đồng từ cuối tháng 5 vừa rồi để thuê nửa lô đất tại lâm trường và đầu tư hơn 200 lọp mới, vị chi cũng hơn 30 triệu đồng bỏ ra. “Toàn là tiền vay mượn, vậy mà hai tháng rồi cứ phải lấy lọp ra sửa đi sửa lại chứ chưa bắt được con cá nào” - vợ anh Bé Hai than thở.
... Đến An Giang
Tại An Giang, ngược dòng sông Hậu lên tận biên giới, lũ không về nên nhiều điểm đóng đáy đánh bắt cá cứ treo lưới trên cọc vì lượng cá bắt được hằng ngày đem bán không đủ trả tiền thuê nhân công.
Đang nằm ủ rũ trong chiếc ghe tam bản đậu bên giàn đáy trống không, vợ chồng chị Lê Thị Hiền ở Nhơn Hội, An Phú (An Giang) kể họ đấu thầu mấy giàn đáy hơn 300 triệu đồng, thuê gần chục nhân công túc trực sớm hôm trông luồng cá.
“Mỗi lần thăm mở miệng lưới chỉ được dăm ký cá linh. Lũ không về nên cá không có. Lỗ nặng!” - chị Hiền than vãn.
“Chưa bao giờ lũ thấp như năm nay” - ông Trương Văn Thuận, lão nông ở xã Thạnh An, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) nói.
Mùa nước nổi vốn là mùa mưu sinh bận rộn, năm nay do nước chưa tràn vào đồng ruộng nên những hộ dân vốn kiếm sống bằng việc giăng lưới, đặt dớn, đặt lú... trên đồng nước phải chịu cảnh... thất nghiệp.
Chuẩn bị sẵn chiếc ghe lườn cùng mấy sải lưới đặt dớn dài cả cây số, suốt hơn tháng gia đình ông Bùi Văn Định cùng nhiều hộ dân ở xã Lương An Trà, Tri Tôn (An Giang) cứ ngong ngóng nhưng lũ không về.
Nhiều hộ chạy vạy tìm việc làm thuê, còn hai người con ông Định chuẩn bị lên Bình Dương xin làm công nhân.
Ông Lê Văn Văn, chủ tịch UBND xã Lương An Trà, cho hay lũ quá thấp khiến một bộ phận người dân nghèo mất cơ hội mưu sinh, việc trồng lúa mùa nổi nhằm duy trì giống lúa quý ở địa phương này cũng bị ảnh hưởng.
Thiếu lũ, người dân không mua sắm các loại ngư cụ khiến nhiều làng nghề sản xuất lưới, lưỡi câu, lờ lọp... cũng đìu hiu.
Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cơ sở đóng xuồng ở làng nghề đóng ghe xuồng Mỹ Hiệp, Chợ Mới (An Giang), bảo hồi xưa đầu mùa lũ các làng nghề sống theo lũ đều nhộn nhịp người mua kẻ bán ngày đêm.
Còn mùa lũ năm nay cơ sở của bà chỉ bán được hai chiếc xuồng con. Bên cầu Thơm Rơm thuộc P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt (Cần Thơ) từ lâu có khu chuyên sản xuất, buôn bán các loại lưới đánh bắt thủy sản khá sôi động.
Mấy năm nay lũ thấp nên lâm cảnh ế ẩm, các cơ sở đan dệt lưới chỉ làm cầm chừng. Ông Phan Lạc Tiên, phó chủ tịch UBND P.Tân Hưng, cho biết lũ thấp không chỉ những hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản mà cả những cơ sở sản xuất ngư cụ cũng gặp khó.
Chị Dương Thị Tuốt và đống lưới mới chưa sử dụng vì lũ chưa về, dù chị đã bỏ tiền thuê đồng lũ để bắt cá - Ảnh: Sơn Lâm |
“Lũ thấp” gây nhiều thiệt hại
Lũ không về, những hộ nuôi thủy sản cũng gặp không ít khó khăn. Ông Dương Văn Tèo, một hộ nuôi cá lóc ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, Long An, chỉ xuống ao cá của mình giải thích:
“Hơn 30.000 con cá lóc gần 2 tháng tuổi của tui đang cần nguồn thức ăn khá lớn. Mọi năm mùa này lũ về, có cá đồng làm mồi, thức ăn mua rất rẻ nhưng năm nay kiếm không ra. Hai tháng qua tui phải mua cá biển cho cá lóc ăn, tính ra tốn gấp ba lần tiền thức ăn so với năm ngoái”.
Người trồng lúa cũng không vui khi nước về quá thấp. Ông Liêu Trung Ngươn - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - cho biết nước lũ về sẽ mang theo một lượng phù sa lớn, góp phần cải tạo mặt ruộng và có tác dụng như làm vệ sinh ruộng.
“Nếu lũ không về, ruộng sẽ không được làm sạch, những mầm bệnh sẽ phát tán. Lượng phù sa bồi lắng giảm nghiêm trọng, chi phí đầu tư cho bơm trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón... sẽ tăng và làm tăng giá thành hạt lúa.
Và nếu lũ thấp, năm sau thường bùng phát nạn chuột phá hoại mùa màng” - ông Ngươn cho hay.
Chúng tôi tìm về khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, nơi được xem là rốn lũ và là vùng trũng nhất của Đồng Tháp Mười.
Ông Trần Thanh Hồng - người hằng ngày vẫn đi đo mực nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim - nhận xét: “Đúng là chưa có năm nào nước chậm như năm nay. Tràm Chim được xem là rốn lũ nhưng nay đã đến mùa lũ mà không đủ nước để chạy tắc ráng vào vườn khiến tụi tui phải lội bộ đi tuần tra”.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, trữ lượng thủy sản mỗi mùa lũ về khoảng 250 tấn.
Ban quản lý vườn hằng năm vẫn cho khoảng 50 hộ dân thuộc diện khó khăn ở quanh vườn vào đánh bắt cá ở những vùng được chỉ định. Nhưng năm nay nước chưa đủ lớn để dân vào đánh bắt nên hai tháng qua gần như họ không có nguồn sống.
Mực nước cực thấp Theo ghi nhận của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Long An, mực nước đo được tại các trạm Tân Hưng và Vĩnh Hưng vào ngày 1-10 chỉ ở mức 1,55m và 1,52m và đang chững lại. Mực nước này so với cùng kỳ năm 2014 thấp hơn 0,4-0,6m, so với cùng kỳ năm 2011 thấp hơn 1,2-2m và so với cùng kỳ trong cơn lũ lịch sử năm 2000 thì thấp hơn 2,3-2,6m. Trong khi đó, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho biết: Năm nay lượng nước lũ về ĐBSCL giảm chỉ còn 60-65% so với trung bình các năm trước. Nguyên nhân do hiện tượng El Nino từ tình trạng biến đổi khí hậu. Ở thượng nguồn lượng mưa giảm nhiều, bị khô hạn, một phần nhỏ do các hồ đập bên Trung Quốc, Lào tích trữ nước dẫn tới lũ ở ĐBSCL năm nay ở mức thấp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận