Mới đây, một cán bộ ngân hàng ở Quảng Trị đã kịp ngăn một phụ nữ khi bà đến ngân hàng chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Người này mạo danh cán bộ của viện kiểm sát hù dọa bà có liên quan đến một vụ án ma túy, yêu cầu bà phải chuyển tiền để chứng minh sự trong sạch.
Chị V. (quận Gò Vấp, TP.HCM) vừa bị lừa gần tỉ đồng bằng chiêu thức mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng.
Chị V. tải ứng dụng Telegram, đăng ký tài khoản và nhận nhiệm vụ từ những người lạ trên mạng. Với đơn hàng đầu tiên, chị V. nạp vào số tiền chưa đến 100.000 đồng, sau đó nhận được hơn 150.000 đồng (gồm cả tiền gốc và hoa hồng).
Tiếp theo, chị V. được yêu cầu nộp gần 800.000 đồng và được hoàn trả tiền gốc lẫn hoa hồng 1,2 triệu đồng.
Từ đó, chị mất cảnh giác, tiếp tục những nhiệm vụ nộp hàng chục triệu đồng. Hết tiền nhà, chị mượn thêm của người thân và bạn bè để tham gia nhiệm vụ cuối cùng. Sau khi chuyển vào tài khoản Telegram trên 200 triệu, tài khoản Telegram của chị V. bị khóa.
Chị V. mới báo cho chồng là dân công nghệ thông tin thì mới vỡ lẽ mình bị lừa. Chỉ trong một buổi trưa, chị đã mất 800 triệu đồng bởi chiêu nộp tiền mua hàng online kiếm "hoa hồng khủng".
Trong đợt nghỉ lễ vừa qua, chị H. (TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận tin nhắn qua Facebook người bạn thân ở Hà Nội nhờ nhận chuyển khoản hơn 40 triệu đồng rồi rút tiền mặt giao cho một người nước ngoài ở gần chỗ chị H. ở. Chị H. đã cẩn thận gọi điện thoại cho bạn mới hay tài khoản Facebook bạn vừa bị hack.
Một số người cũng nhận được tin nhắn giăng bẫy như vậy. Kẻ lừa đảo còn giả mạo biên lai chuyển khoản thành công đến tài khoản của những người được nhờ, khi họ báo chưa nhận được tiền thì được gửi tiếp một đường link giả mạo ngân hàng để kiểm tra tài khoản. Đến lúc này, bạn bè mới nhận rõ đây là chiêu lừa hack tài khoản rút sạch tiền của bọn lừa đảo.
Chị H. nói: "Cái gì liên quan đến chuyện chuyển tiền bạc qua nhắn tin, gọi qua mạng tôi đều từ chối, ngay cả với chồng con hoặc người thân thiết. Tôi đều gọi điện thoại hỏi trực tiếp xem có đúng không, phải biết rõ nội dung mới chuyển tiền đúng tên tài khoản chính chủ".
Coi chừng mật đắng
Mở email, tôi nhận được lời mời quảng cáo tham gia đầu tư góp vốn với lãi suất khó tin. Thử truy cập vào trang mạng thì thấy đây là một công ty vàng bạc đá quý.
Lời quảng cáo đập vào mắt: "Người kiếm tiền sao bằng tiền kiếm tiền. Cơ hội để nhân đôi tài sản duy nhất trên thị trường. Hoàn vốn bất kỳ lúc nào".
Tiếp đó là những lời hứa hẹn ưu đãi hấp dẫn như chỉ dành... cho 100 cổ đông. Nhà đầu tư góp 100 triệu đồng, trong 1 tuần nhận 961.538 đồng (tương ứng 3.846.154 đồng/tháng và 50 triệu đồng/năm), còn sau 24 tháng nhận sẽ được 200 triệu đồng. Nếu góp vốn vào gói đầu tư khác 1 tỉ đồng, sau 24 tháng là 2 tỉ đồng...
Có thể thấy, theo cách tính trên, lãi suất nhà đầu tư được hưởng lên đến 50%/năm, hơn gấp nhiều lần so với lãi suất mua trái phiếu (khoảng dưới 20%) hay gửi tiết kiệm tại ngân hàng (9%).
Quảng cáo góp vốn này thấy ngọt hơn cả mật khi người góp vốn được hứa hẹn vẫn sẽ nhận tiền lãi mà không phụ thuộc kết quả kinh doanh lời lỗ ra sao (?!).
Việc thực hiện cam kết ra sao là ở thì tương lai. Còn ngay trước mắt đưa tiền cho người khác mà không tìm hiểu kỹ có thể sập bẫy. Vì ai cũng biết lãi suất cao luôn đồng nghĩa với rủi ro cũng lớn.
Có những trường hợp vay mượn, thế chấp, cầm cố tài sản để lấy tiền đầu tư và không lường được rủi ro có thể mất cả gia tài. Đã có những vụ người dân các tỉnh mất hàng tỉ đồng vì dính "bẫy" huy động vốn của các chủ tiệm vàng...
Những bài học vỡ lòng về đầu tư không mới nhưng sẽ chẳng bao giờ cũ. Với chiêu trò quảng cáo được "rải" dày qua mạng ngày nay, ai cũng có thể trở thành nạn nhân nếu không tỉnh táo. Nơi tung ra quảng cáo lại sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để tạo thêm lòng tin, thu hút người tham gia.
Còn với quảng cáo đầu tư góp vốn của công ty vàng bạc đá quý được đề cập ở trên, nội dung thông tin mức lãi suất không thống nhất. Hiếm có loại hình kinh doanh hợp pháp và an toàn nào sinh lãi "khủng" đến 50, 60, 70%/năm.
Các nhà đầu tư, người dân tham gia góp vốn, gửi tiết kiệm sinh lời nên hết sức thận trọng trước các quảng cáo trên mạng. Tìm hiểu kỹ thông tin để trao gửi tiền nơi uy tín, ít rủi ro nhất. Tránh dính phải "mật đắng" lời hứa, lời quảng cáo, mất tiền mà quá trình đòi công lý, quyền lợi thêm gian nan.
KHÔI NGUYÊN
Cảnh giác với đường link lạ
Sáng 4-5, anh Phong (phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) lên Facebook cảnh báo mọi người cảnh giác trước chiêu lừa đảo qua mail "gói quà tặng tiền mặt đến khách hàng dịp chào hè bùng cháy" từ địa chỉ mạo danh ZaloPay.
Email lừa đảo viết: "Hòa chung không khí cả nước vui hè, đồng thời chào đón đại lễ giải phóng miền Nam. Chúng tôi xin gửi đến quý khách hàng gói quà tặng tiền mặt trị giá 1.999.000 VNĐ. Số tiền sẽ được chuyển trực tiếp đến tài khoản ngân hàng của quý khách...".
Để nhận số tiền này, địa chỉ email trên gửi một đường link yêu cầu người dùng đăng nhập kê khai thông tin.
Nhìn câu chữ email viết đầy lỗi chính tả, nhìn là biết lừa đảo. Nhưng chiêu cũ xài lại miết, nghĩa là vẫn có người bị lừa. Chiêu lừa bằng link đang rộ lên những ngày qua. Cần cẩn trọng với tất cả những lời mời bấm vào link lạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận