Quy định này được nhiều người quan tâm bởi nó “đụng chạm” đến hầu hết nhà ở trên địa bàn TP.
Phóng to |
Một khu phố có quy định màu sắc trên đường Lũy Bán Bích, thuộc P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM nhưng vẫn có nhiều nhà không làm theo quy định - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
KTS Nguyễn Ngọc Dũng: Muộn còn hơn không
Việc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP đưa ra dự thảo về quản lý kiến trúc đô thị trong thời điểm này là phù hợp với thông lệ quốc tế, những điều kiện chung cho việc xây dựng, phát triển và quản lý đô thị mà nơi đó con người sinh sống trong “cái tôi và chúng ta” hài hòa, không lập dị, không phản cảm... Muộn còn hơn không, cần chấm dứt tình trạng xây dựng tốt cho thị hiếu của mình nhưng lại gây nhức mắt cho người khác hay phá hỏng cảnh quan chung của TP.
Để một đô thị hài hòa và phát triển đồng bộ đòi hỏi mỗi thành phố, mỗi quận huyện cho đến mỗi khu phố phải có quy chế riêng tùy thuộc việc đồng thuận của cư dân sở tại. Có thể triển khai ngay trong những đồ án quy hoạch 1/2.000 và khi báo cáo với dân phải tạo sự đồng thuận về cả màu sắc, lộ giới, mật độ, cây xanh, công trình phúc lợi công cộng, tôn giáo...
Nhất là màu sắc của công trình phải tùy thuộc vào vật liệu xây dựng, chiều cao tòa nhà và ở trong môi trường nào. Nhà phố, biệt thự hay khu phố chợ thương mại, khu ở độc lập hay khu ở trên đồi, dưới biển (bungalow)...
Có những khu phố nghèo chỉ đủ tiền xây tường gạch, quét một lớp vôi là đã quý lắm rồi. Hoặc những khu nhà chỉ xây gạch trần không tô nhưng vẫn hài hòa. Hay những khu phố thương mại, ốp đá, nhôm, kính cho đến màu sắc của bảng quảng cáo, rèm cửa... tính ra cả chục màu trên một căn nhà. Nhưng sự hài hòa thì vẫn cần phải xem lại, thật kỹ lưỡng.
Và hơn hết, màu sắc của một khu dân cư, một tiểu khu nhà ở hay một cụm công trình mới là yếu tố cần quan tâm chứ không phải ở từng công trình đơn lẻ. Bởi thế quy chế quản lý về màu sắc nên đưa thẳng vào các đồ án quy hoạch 1/2.000 để TP có những khu dân cư hài hòa và phong phú. Không nên cứng nhắc và quan trọng nhất là phải tạo ra cái hồn riêng cho từng đô thị... Ví dụ có những khu dân cư chỉ sử dụng màu thật của vật liệu đá, gạch, gỗ... hay những khu đa sắc màu dành cho khu thương mại, giải trí.
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Không nên máy móc
Về lý thuyết, mặt tiền một căn nhà mà sử dụng quá ba màu sẽ không đẹp. Nhưng trong thực tế chỉ nên áp dụng quy định này đối với từng khu vực hoặc cho 1-2 tuyến phố chứ không nên thành quy định chung để áp dụng cho tất cả các con đường. Theo tôi, chỉ nên áp dụng quy định mặt tiền nhà trang trí tối đa ba màu sắc cho những khu vực cần bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa (ví dụ như khu biệt thự tại quận 3, TP.HCM). Quy định nên loại trừ các màu trung tính như trắng, đen và xám (không tính các màu này là một màu trên mặt tiền nhà). Ngoài ra, có thể áp dụng cho một số khu vực ở các đô thị mới, những khu cao cấp. Ở những khu này, cả khu phố sẽ có những khoản chi phí chung như chi phí bảo trì cây xanh, cảnh quan. Người chịu trách nhiệm sẽ lấy chi phí chung, mua sơn và thuê người trang trí, bảo trì định kỳ mặt tiền của cả khu phố bằng những màu sắc quy định.
Ở các nước trên thế giới, chưa quốc gia nào quy định chung chỉ trang trí tối đa ba màu trên mặt tiền nhà. Ngược lại, trong đô thị còn có những khu đặc thù cho sử dụng màu sắc thoải mái như khu vực được tự do quảng cáo (nhiều biển hiệu, logo có rất nhiều màu sắc), cũng có những khu vực được cố ý cho trang trí, xây dựng nhiều nhà có những màu sắc khác biệt, tạo nên vẻ đẹp riêng của khu phố.
Đối với các khu đô thị hiện hữu, nên để cho người dân tự quyết định. Có thể một tổ dân phố hoặc một khu phố nhóm thành một cụm, người dân biểu quyết có áp dụng hay không, lựa chọn màu gì dựa vào ý kiến của đa số.
Tóm lại, không nên áp dụng máy móc hay hành chính hóa quy định này. Một khi đã quy định màu sắc cho một tuyến phố thì cần phải có cơ chế quản lý và có chế tài cụ thể cho từng trường hợp để quy định được thực thi nghiêm túc.
KTS Nguyễn Minh Tiến: Sự minh bạch của thiết kế đô thị
Chúng ta đã họp bàn quá nhiều về việc phải có thiết kế đô thị, ít ra là ở nội thành cũ và vùng nội thành phát triển. Khi vấn đề cốt lõi là bản vẽ thiết kế đô thị của từng khu vực với mật độ xây dựng, cao độ xây dựng, khoảng lùi, màu sắc, kể cả phong cách kiến trúc... đã sẵn có thì công việc quản lý đô thị của nhà chức trách trở nên rất nhẹ nhàng và là sự minh bạch đối với người dân.
Một quy chế quản lý đô thị tự nó không ôm đồm nổi cho đến màu sơn mặt tiền nhà hay phong cách kiến trúc. Giả dụ, tôi xây nhà chỉ sử dụng đúng ba màu theo quy định của dự thảo nhưng chỉ sử dụng ba màu cơ bản (đỏ, xanh dương, vàng). Đúng luật nhưng vẫn nhức mắt vô cùng! Còn nữa, nếu tôi mở trường mẫu giáo thì mặt tiền không chỉ có ba màu sơn. Lúc này, cơ chế xin - cho sẽ bắt đầu điệp khúc...
Ở góc nhìn chuyên môn kiến trúc, tôi rất ủng hộ những tham vọng này. Nhưng những quy định tủn mủn như vậy sẽ không cáng đáng nổi cho công việc quản lý đô thị.
Không còn con đường nào khác ngoài công việc từng bước làm thiết kế đô thị ưu tiên vùng lõi, sau đó tỏa ra ngoại vi để không phải chạy theo vụ việc. Ví dụ, với mỗi công trình, chủ nhà phải thỏa thuận quy hoạch với nhà quản lý. Nếu làm tốt thiết kế đô thị sẽ có vai trò như ông trọng tài, tính minh bạch xã hội từ đây cũng được tăng lên.
* Ông Nguyễn Văn Á (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú): Thiếu thực tế
Cách đây ba năm, UBND quận Tân Phú ban hành thiết kế đô thị trên trục đường Lũy Bán Bích quy định về số tầng cao tối đa, kiến trúc mặt trước nhà và màu sắc mặt trước nhà của từng khu vực. Từ đó đến nay, người dân khi xây dựng nhà mới luôn cảm thấy sự bó buộc, không thỏa mãn. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị đến UBND quận nhưng đến nay vẫn chưa sửa.
Đa số những căn nhà xây dựng và hoàn công trước khi có thiết kế đô thị quanh khu tôi ở đều được chủ nhà trang trí mặt tiền từ 3-4 màu trở lên mà nhà vẫn có sự hài hòa giữa các màu, không lòe loẹt, cũng không chỏi màu với những nhà bên cạnh, không làm chói mắt người đi đường. Nhà nước cho rằng việc quy định màu sắc bảo đảm thẩm mỹ cho nhà phố mặt tiền đường, tôi thấy điều này đúng nhưng chỉ nên áp dụng cho những khu vực đô thị mới chứ không nên áp dụng cho khu đô thị hiện hữu. Bởi đơn giản có rất ít nhà xây mới trong một đoạn phố, những nhà xây dựng trước đã được trang trí nhiều màu, xây dựng nhiều phong cách khác nhau ở mặt tiền. Những nhà mới xây phải tuân thủ theo quy định màu sắc của Nhà nước đôi khi lại chỏi màu với nhà cũ bên cạnh. Hơn nữa, một căn nhà được trang trí tối đa ba màu ở mặt tiền đôi khi nhìn rất đơn điệu. Ví dụ như tường nhà sơn màu xanh, chân tường phải sơn màu xanh đậm hơn thì sử dụng hai màu, chỉ được trang trí thêm một màu khác.
Nhiều đoạn đường, UBND quận quy định màu sơn rất buồn. Ví dụ như khu đối diện với nhà tôi được quy định màu chủ đạo là màu nâu. Nhưng nhiều gia đình trẻ xây nhà không chịu màu sơn như vậy nên nhiều nhà chỉ sơn đúng màu lúc đầu, sau khi hoàn công chủ nhà đổi màu sơn khác.
* Ông Huỳnh Xuân Thụ (giám đốc Trung tâm thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM): Sở đang tiếp thu ý kiến
Các khu đô thị theo quy hoạch thì màu đồng bộ cả dãy, cả tuyến. Còn tại TP.HCM, đối với các công trình lớn được nghiên cứu kỹ nên sử dụng ít màu sắc. Còn các công trình quy mô nhỏ như nhà phố mà sử dụng nhiều màu sắc sẽ làm nhiễu loạn thị giác trong đô thị. Hiện nay, về không gian kiến trúc mặt phố của TP quá nhiều thứ lộn xộn rồi nên sở muốn đưa ra quy định để hạn chế sử dụng màu sắc hỗn loạn ở mặt tiền trong đô thị. Ở mặt tiền một căn nhà, nếu như màu tường xanh nhạt, chân tường quét màu xanh đậm thì đã tính thành hai màu. Nếu mặt tiền nhà đã ốp đá thì chỉ được trang trí phần còn lại tối đa hai màu. Ở đây, chúng tôi chỉ có ý định đưa ra một định mức, con số cụ thể để các chuyên gia có cơ sở bàn luận và góp ý.
Hiện tại, chưa cơ quan nào quản lý màu sắc. Trong giấy phép xây dựng cũng không có phần ghi về màu sắc. Tôi cũng chưa hình dung ra sau khi ban hành quy chế này thì cơ quan nào sẽ quản lý và quản lý như thế nào trong khi các quy định hiện hành chưa đề cập cụ thể. Vì đây là lần đầu tiên sở làm quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch cho cả TP nên sẽ có nhiều điều chỉnh so với bản dự thảo ban đầu đưa ra. Chúng tôi sẽ lắng nghe thêm ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của người dân để tiếp thu điều chỉnh cho phù hợp. Có thể chỉ nên khuyến khích người dân sử dụng tối đa ba màu trang trí ở mặt tiền, chứ không nên cấm như dự thảo ban đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận