Ngày 14-12, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) phối hợp Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo "Chính sách thuế trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu", nêu ra mặt tích cực và tiêu cực khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo GS.TS Sử Đình Thành - giám đốc UEH, chính sách thuế trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu là một chủ đề cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Hiện nay, khi sự toàn cầu hóa và sự kết nối ngày càng mạnh mẽ, chính sách thuế đã trở thành một công cụ quan trọng để điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
"Các yếu tố như biến đổi công nghệ, thay đổi trong cách thức sản xuất, tiêu thụ và tình hình thương mại quốc tế không ngừng thay đổi đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống thuế hiện tại", ông Thành nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, hậu COVID-19, Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới chịu thêm tác động mạnh bởi khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng năng lượng và sự bất ổn chính trị toàn cầu. Từ đó gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế - xã hội.
Chính phủ đã ban hành chính sách cắt giảm thuế giá trị gia tăng là hoàn toàn thỏa đáng để góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19. Chính sách đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Bà Lê Thị Hồng Lĩnh - phó cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Long - cho biết hiện việc thu thuế vẫn còn thất thu ở các lĩnh vực, loại hình kinh doanh như kinh doanh thương mại điện tử, bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Cục Thuế Vĩnh Long đã tham mưu địa phương ban hành đề án chống thất thu thuế trong các lĩnh vực nói trên. Nhưng kết quả thu nộp thuế hằng năm vẫn chưa tương xứng với quy mô kinh doanh, tốc độ tăng trưởng.
"Thu thuế kinh doanh thương mại điện tử khó do người kinh doanh thường có địa chỉ cư trú không cố định, không có thật. Việc công bố giá đất hằng năm vẫn còn thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế. Các doanh nghiệp khai thác cát sông có hành vi trốn thuế ngày càng tỉnh vi", bà cho biết.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang dần trở nên rất phổ biến. Tính đến tháng 10-2023, các công ty, tập đoàn có hoạt động kinh doanh toàn cầu đã nộp thuế cho Việt Nam gần 11.500 tỉ đồng. Trong đó, năm 2022 nộp gần 3.500 tỉ đồng, 10 tháng đầu năm 2023 đã tăng lên 8.020 tỉ đồng.
TS Lê Khánh Lâm - phó chủ tịch Hội tư vấn và đại lý thuế TP.HCM - cho biết việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam đánh dấu bước quan trọng trong hành trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tác động tích cực trong việc công bằng thuế, huy động nguồn tài chính cho ngân sách nhưng cũng tạo ra thách thức cho hệ thống thuế Việt Nam.
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại một số tích cực như hạn chế các công ty, tập đoàn đa quốc gia lợi dụng lỗ hổng trốn thuế. Dự kiến giúp thu ngân sách thêm 14.600 tỉ đồng mỗi năm…
Nhưng nó cũng mang lại một số mặt tiêu cực cho hệ thống thuế như khó thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng chi phí tuân thủ thuế, tăng chi phí hoạt động chung của doanh nghiệp đa quốc gia. Ảnh hưởng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam.
TS Lâm đề xuất cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận