TS Nguyễn Bá Hải (bìa trái) giải thích tính năng mới và hướng dẫn người mù cách sử dụng "mắt thần" MT2EX - Ảnh: Q.L. |
TS Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cùng nhóm nghiên cứu đã trình làng phiên bản “mắt thần” mới nhất ngày 16-8.
Theo đó, ngoài chiếc kính với cảm biến nhận diện vật cản như ban đầu, “mắt thần” MT2EX còn có thêm thiết bị nhỏ gọn như chiếc điện thoại di động đeo ngang thắt lưng. Mắt kính cũng không còn màu đen mà được dùng mắt kính trắng để tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
Với thiết bị thiết kế mới này, người sử dụng “mắt thần” đã có thể phát hiện được vật cản từ đỉnh đầu đến chân nhờ kết hợp giữa bộ phận cảm biến gắn trên mắt kính và thiết bị mới đeo trên thắt lưng.
TS Nguyễn Bá Hải cho biết thiết kế mới được lập trình cho phép người dùng tự điều chỉnh khoảng cách phát hiện vật cản, xa nhất có thể đến 3,5m. Ngoài ra, khi di chuyển càng gần với vật cản, thiết bị sẽ báo rung càng nhiều, liên tục để cảnh báo tốt nhất cho người dùng.
Cô bé Anh Thư - khách hàng của "mắt thần" từ phiên bản đầu tiên đến nay - nói: "Mắt thần mới rất dễ sử dụng và từ nay sẽ không cần thêm gậy dò đường nữa" - Ảnh: Q.L. |
Bạn Anh Thư - một trong những người sử dụng “mắt thần” thế hệ đầu tiên đến nay - cho biết: “Dù với hai bộ phận khác nhau song việc kết hợp sử dụng khá đơn giản, em có thể điều chỉnh thiết bị theo ý mình và nhất là sẽ không cần dùng gậy dò đường để phát hiện vật cản bên dưới như trước đây nữa”.
Trong khi đó, với nhiều người mù bán vé số đang là “khách hàng thân thiết” của “mắt thần” ước mong lớn nhất là pin có thời gian sử dụng kéo dài hơn thời lượng khoảng bảy tiếng của pin mà “mắt thần” đang sử dụng hiện nay.
Sau khi được hướng dẫn và dùng thử, nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương khá hào hứng với thiết kế mới này. Tuy nhiên, anh Hà Chương mong nhóm nghiên cứu tính toán xem có cách nào khác để kết nối giữa mắt kính và thiết bị gắn ở thắt lưng mà không cần dùng dây.
“Nếu có thêm tính năng phát hiện được hố sâu phía trước thì tuyệt vời hơn nữa” - nhạc sĩ Hà Chương cười hóm hỉnh.
Chuẩn bị sản xuất 1.000 cái Sản phẩm mới đang được đưa cho một số người mù sử dụng, góp ý để hoàn chỉnh hơn trước khi sản xuất 1.000 cái theo hợp đồng do Bộ Khoa học và công nghệ ký kết cùng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Bá Hải đầu năm 2016. Đây là đề tài độc lập cấp quốc gia “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, chế tạo mẫu kính điện tử cảnh báo vật cản cho người khiếm thị”, kết quả cuộc gặp giữa các nhà khoa học trẻ VN với Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 9-2015. Sau khi nghe TS Nguyễn Bá Hải trình bày và trao đổi qua lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Khoa học và công nghệ làm việc cùng nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Bá Hải để sản xuất thử nghiệm 1.000 cái trước khi triển khai sản xuất đại trà cho người mù nghèo cả nước. Tổng kinh phí giai đoạn thử nghiệm hơn 5,5 tỉ đồng, trích từ ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp khoa học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận