Hai con người, hai cá thể từ hai gia đình, hai cách giáo dục, hai lối sống hoàn toàn khác nhau rồi hợp lại về chung một mái nhà, kiểu gì cũng có những chông vênh...
Cưới xong lắm chuyện bất ngờ
Chị Ngọc Duyên (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết cưới nhau đã hơn chục năm, vậy mà số lần anh Mạnh (chồng chị Duyên) về quê thăm cha mẹ vợ đếm được trên đầu ngón tay. Nó khác một trời một vực so với những tháng ngày cả hai còn yêu đương, hẹn hò.
Chị kể từ lúc mới quen, mỗi lần chị về quê thăm nhà hay có việc là anh đều xăng xái đưa đi đón về cùng chiếc xe gắn máy cũ với quãng đường hàng trăm cây số. Thậm chí anh còn ở lại chơi vài hôm, phụ giúp việc này việc nọ.
Đến lúc nên vợ nên chồng rồi có con, anh dần tránh né chuyện về quê với đủ mọi lý do, mặc dù nhà đã có xe hơi, rồi đường sá cũng thuận tiện hơn. Để rồi những chuyến về quê chỉ có chị và hai con. Khi nào chị nói lắm thì anh mới chịu đi cùng, nhưng vừa về tới nhà, anh vô chào thăm cha mẹ chị, trò chuyện đôi ba câu rồi quay xe về liền. Đến nỗi hàng xóm ở quê còn tưởng vợ chồng chị đã không còn chung sống.
Trong khi đó, gia đình anh Khắc Tài - chị Thanh Hương (TP Thủ Đức, TP.HCM) lại gặp sự khác biệt về thói quen ăn uống kể từ lúc cả hai về chung một nhà, cho dù khi yêu cả hai đều tâm đầu ý hợp trong xu hướng ẩm thực.
Anh có thói quen ăn uống đơn giản, nhanh gọn nên cuối tuần đi siêu thị mua đồ ăn thức uống cho cả tuần sau đó. Trong khi đó, chị Hương chỉ quen dùng thực phẩm sạch, tươi sống, mùa nào thức nấy. Nhiều hôm mãi đến 20h nhà mới có bữa ăn tối vì chị phải đợi cho bằng được mấy món thực phẩm ở quê lên, ship tới tận nhà.
Với chị, ẩm thực là một nghệ thuật, trong đó cả người nấu lẫn người dùng đều là những nghệ sĩ. Nên không thể nấu nướng đại khái, ăn uống qua loa mà phải dành đủ thời gian để trổ tài nấu nướng và thưởng thức một cách trịnh trọng nhất.
Thôi thì chín bỏ làm mười
Chị Duyên tâm sự khoảng thời gian đầu chị thật sự bức xúc, khó chấp nhận chuyện anh Mạnh tránh né về quê vợ. Nhất là khi không chỉ cha mẹ, anh chị em trong nhà mà họ hàng đều thắc mắc về sự vắng mặt của anh. Thậm chí có lúc chị bị stress, từng nghĩ đến chuyện chia tay nếu tình trạng này cứ tiếp diễn. Nhưng bạn bè, đồng nghiệp lẫn gia đình ai cũng can ngăn.
Vì nói cho cùng, ngoài lý do đó ra ở anh Mạnh không có điều gì để chê trách. Dù hiếm khi về quê nhưng anh luôn gửi quà cáp, thăm hỏi cha mẹ cũng như họ hàng bên vợ mỗi dịp lễ tết.
Có lần chị Duyên hỏi thẳng lý do thì mới biết anh ngại về quê vợ vì khó thích nghi với kiểu uống rượu đế như thay cơm của nhiều người bà con, họ hàng. Mới mở mắt ra đã súc miệng bằng rượu đế, rồi cứ mần lai rai từ sáng tới trưa, từ chiều tới tối.
Về vai vế anh lại là rể út nên chẳng thể nào từ chối, thôi thì "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Biết được lý do, chị càng thấy thương anh hơn mà cũng tự trách mình đã không hiểu được chuyện này sớm hơn, giải thích cho gia đình mình hiểu.
Còn anh Tài bộc bạch đó thật sự là thời gian khủng hoảng của vợ chồng anh nhưng không thể chia sẻ, thổ lộ cùng ai. Bởi lẽ đó là vấn đề lớn của cả hai nhưng suy cho cùng cũng là chuyện thói quen ăn uống của mỗi người. Nói ra không khéo, gặp người không hiểu, thiếu thông cảm thì có khi lại trở thành trò đùa cho thiên hạ.
Cuối cùng anh chị nhận ra, không ai khác hơn là cả hai phải ngồi lại cùng đối diện và giải quyết vấn đề của chính mình. Sau nhiều tranh luận lẫn tranh cãi, họ đã chọn cho mình cái cách có thể nói là tạm ổn.
Nhìn nhau với ánh mắt khoan dung
Lẽ thường tình, người ta hay thể hiện những mặt tốt nhất của mình với người ngoài, đặc biệt là những người họ thích. Giống như con công khi tán tỉnh, nó sẽ xòe ra chiếc đuôi tuyệt đẹp của mình. Tuy nhiên, không ai là hoàn hảo. Mỗi người đều có khuyết điểm của riêng mình.
Sau một thời gian dài bên nhau, đặc biệt là sau khi kết hôn, sống chung dưới một mái nhà, những mặt xấu này cuối cùng cũng sẽ bộc lộ ra ngoài.
Nếu mở toang mắt mà nhìn thật kỹ, soi thật lâu, vợ lẫn chồng sẽ chỉ thấy đầy những bất toàn, khiếm khuyết. Bởi ở nhà, trước mắt bạn đời, chính là nơi mà người ta thoải mái nhất, chân thật nhất. Đó là nơi có cơ hội chứng kiến những "mặt trái" không thể thiếu ở mỗi con người.
Vợ chồng sống với nhau va chạm hằng ngày, từ lúc ngủ dậy đầu bù tóc rối, lúc quần là áo lượt trang điểm xinh tươi, đầy mùi dầu mỡ mắm muối cuối buổi chiều vào bếp đến khi nồng nàn hấp dẫn ở trên giường. Đủ cung bậc, đủ cảm xúc và đương nhiên cũng đầy những khám phá xấu về nhau.
Hãy nghĩ đến chuyện làm sao để dung hòa. Đó là khi đối mặt với những bộn bề và áp lực của cuộc sống, đàn ông có thể không còn lịch thiệp, còn phụ nữ có thể không còn dịu dàng.
Họ nhìn thấy mặt thật của nhau, có cả lười biếng hay cẩu thả, tính cộc cằn hay sự điêu ngoa... Vì vậy, điều đầu tiên cần hiểu sau hôn nhân: học cách chấp nhận những khiếm khuyết của nhau, "mở mắt" trước hôn nhân và "mắt nhắm mắt mở" sau khi kết hôn.
Ai có thể tin một cô gái ra đường luôn chỉn chu xinh đẹp nhưng lại có thói quen bày bừa?
Ai có thể tin một chàng trai vốn rất hào hoa nơi công sở lại lười tắm gội? Nếu chỉ chăm chăm vào những tật xấu của nhau để trách cứ chê bai hoặc bực bội giận hờn thì có lẽ ngày nào cũng có chuyện.
Nên thôi, cứ nhìn vào mặt tốt mà sống xem ra mới có thể lâu bền. Rồi từ từ, chọn những lúc vui vẻ, hạnh phúc thì vợ chồng cứ to nhỏ, thủ thỉ, mưa dầm thấm lâu may ra sẽ thay đổi.
Chấp nhận nhau để cùng hạnh phúc
Hôn nhân là sự gắn kết giữa hai con người nhưng gia đình lại là sự gắn kết nhiều hơn thế. Sau tình yêu còn là bổn phận, trách nhiệm không chỉ đối với nhau mà còn đối với con cái, cha mẹ, ông bà... Chính vì những đan xen đó mà hôn nhân đòi hỏi mỗi người phải biết chấp nhận cho đối phương có thêm một chút cái tôi, còn bản thân mình lại phải bớt đi một chút bản ngã.
Yêu thương "mắt nhắm mắt mở" chính là cách để chấp nhận được nhau như cái không hoàn hảo vốn có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận