17/01/2019 16:29 GMT+7

Mất ngực vì tiêm silicon lỏng nâng ngực

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Chị N.T.H (34 tuổi, ở Hà Nội) đang chờ nâng ngực, sau năm năm bơm silicon lỏng dẫn đến các biến chứng như khó thở, nổi u cục sần sùi trên ngực, ngực sưng đau và giờ bị lõm vào nhăn nhúm và bị cắt luôn tuyến sữa.

Mất ngực vì tiêm silicon lỏng nâng ngực - Ảnh 1.

Vùng ngực của chị H. bị lõm hẳn sau hơn 5 năm được tiêm "mỡ nhân tạo Thái Lan" thực chất là silicon lỏng - Ảnh: L.ANH

Chị H. cho biết năm năm trước, người bạn rủ chị đi tiêm "mỡ nhân tạo Thái Lan" để nâng ngực tại một spa làm đẹp. Bạn chị cũng đã tiêm loại mỡ này từ hai năm trước đó và bảo không có biến chứng gì. Vì vậy chị H. đã chi 30 triệu đồng để được tiêm mỡ nâng ngực. 

Sau này khi xảy ra tai biến, chị H. quay lại thì không thấy spa đó nữa.

"Năm đầu thì ngực cũng đầy hơn, nhưng sau một năm bắt đầu thấy có biến chứng: ngực nổi u, cục sần sùi, biến dạng, hay thấy khó thở và mệt. Khi đến bệnh viện để lấy chất được sử dụng để nâng ngực ra thì bệnh viện cho biết người ta đã tiêm silicon lỏng. Tôi mất ăn mất ngủ, lo lắng không dám nói với gia đình mà mình mình chịu đựng", chị H. cho biết.

Tuy nhiên, sau khi được tiêm vào người bệnh nhân, silicon lỏng đã di chuyển đi tứ tán khắp nơi. Cách đây ba tháng, bệnh nhân lại phải vào Bệnh viện K để nạo vét silicon thêm một lần nữa.

Sau lần nạo vét này, ngực bệnh nhân bị co rúm, lõm sâu, hoàn toàn không còn hình dáng bầu ngực mà là hai mảnh nhăn nhúm rất xấu xí. 

Về sức khỏe, sau mỗi lần lấy silicon bệnh nhân đều cảm thấy yếu đi.

Sáng 17-1, bệnh nhân đã đi xét nghiệm, thử máu, chụp chiếu để chuẩn bị đặt túi tạo hình lại ngực theo khuyến cáo của bác sĩ. 

Theo bác sĩ Trần Sinh Lục, người trực tiếp điều trị cho chị H., silicon lỏng đã bị cấm sử dụng để tiêm vào cơ thể từ rất lâu. Nhưng riêng trong tháng 1 này, bác sĩ Lục đã nhận ba bệnh nhân cùng vào thăm khám do biến chứng, trong đó có người tiêm ở mặt, hai người tiêm ở mông và ngực. Trong đó, trường hợp ở mặt rất khó lấy silicon ra.

"Khi bệnh nhân đến điều trị, silicon lỏng đã thâm nhiễm vào vùng mô, làm ngực bệnh nhân cứng như đá. Các vùng bị silicon thâm nhiễm cũng tạo thành các ổ viêm có nguy cơ phá ra ngoài da bệnh nhân.

Sau khi nạo vét silicon, vùng ngực bệnh nhân bị xơ hóa, co rút không còn hình thù như bình thường. Chúng tôi sẽ phải đặt túi ngực kết hợp với các biện pháp khác làm mềm những vùng bị cứng như đá trên ngực bệnh nhân", bác sĩ Lục cho biết.

Bác sĩ Lục cũng cho rằng hiện vẫn còn nhiều nạn nhân của silicon lỏng chưa được điều trị, do vài năm trước đây, do thiếu hiểu biết rất nhiều chị em đã đi tiêm silicon lỏng, có khi họ đi thành tốp 8-10 người.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên