Ngày 19-11, HĐND TP có buổi làm việc với VKSND TP.HCM liên quan đến tội phạm lừa đảo các dự án trên địa bàn TP.
30 vụ bắt người trong trường hợp khẩn cấp không được VKS phê chuẩn
Theo đó, số liệu từ đầu năm 2020 đến nay, cơ quan điều tra 2 cấp của thành phố đã khởi tố 9.319 vụ án với 8.032 bị can. Tuy nhiên, trong năm, viện kiểm sát không phê chuẩn 30 trường hợp bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, 58 trường hợp bắt tạm giam và 82 lệnh tạm giam bị can... Đặc biệt, VKSND TP.HCM đã yêu cầu khởi tố 32 bị can.
30 trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp không được phê chuẩn thì có sai sót, oan sai không? Trả lời câu hỏi của đại diện đoàn giám sát, thượng tá Lý Thế Sơn, phó chánh văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng với phương châm không bắt oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm thì VKS thận trọng hơn trong việc phê chuẩn.
Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp mà cơ quan điều tra thực hiện tuân theo đúng quy định của luật nhằm ngăn chặn hành vi tội phạm. Tuy có đến 30 trường hợp không được phê chuẩn nhưng sau đó sau đó đều bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc xử lý vì có vi phạm pháp luật chứ không có trường hợp nào oan sai hoặc bắt người không đúng.
Đại diện công an TP.HCM nói về việc VKSND TP.HCM không phê chuẩn 30 vụ bắt người trong trường hợp khẩn cấp - Video: HOÀNG ĐIỆP
Mất năng lực hành vi dân sự vẫn được thành lập doanh nghiệp!
Thông tin trên được ông Ngô Phạm Việt, trưởng phòng 3 VKSND TP.HCM chia sẻ trong buổi làm việc.
Theo đó, khi nói về các vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các dự án, cơ quan nhà nước còn nhiều sơ hở để những người mất năng lực hành vi dân sự vẫn được thành lập doanh nghiệp.
Khi xảy ra sự việc gian dối trong việc lập dự án, mua bán bất động sản thì những người này đưa ra bằng chứng bị mất năng lực hành vi dân sự.
"Lợi dụng sự thông thoáng trong thành lập doanh nghiệp, có người mất năng lực hành vi dân sự vẫn được Sở Kế hoạch - đầu tư cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.
Cụ thể như Trần Thị Mỹ Hiền dù bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng vẫn thành lập doanh nghiệp rồi mua đất đai, phân lô bán nền, chiếm đoạt mất trăm tỉ của người dân. Bây giờ xử lý rất khó, đang phải trưng cầu giám định về tâm thần đối với người này" - ông Việt nói.
Lãnh đạo phòng 3 VKSND TP.HCM nói về thực trạng xử lý án kinh tế liên quan đến dự án - Video: HOÀNG ĐIỆP
Ngoài ra, đại diện VKS cũng cho rằng hiện nay việc cơ quan định giá tài sản trong tố tụng hình sự của thành phố còn chưa đáp ứng được với yêu cầu của việc phòng chống tội phạm, dẫn đến việc xử lý một số vụ án chậm, gây bức xúc cho người dân.
Có cán bộ địa phương tiếp tay cho sai phạm trong các dự án không?
Đây là câu hỏi của đại diện HĐND TP.HCM đối với các vụ án liên quan đến phân lô bán nền trái phép. Theo lãnh đạo phòng 3 VKSND TP, việc xử lý những vụ án chiếm đoạt tài sản thông qua bán đất dự án rất khó vì rất nhiều bị hại không nghĩ mình là bị hại.
Thậm chí, như vụ án Alibaba, sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm nhưng có bị hại vẫn cho rằng việc mua bán vẫn tiếp tục thực hiện do họ không hiểu về quy định đối với việc phân lô bán nền hay mua bán quyền sử dụng đất. Nếu không giải thích thì họ sẽ không hiểu mình bị thiệt hại chỗ nào.
Những vụ án như thế này, việc trưng cầu giám định thiệt hại cũng không dễ. "Cái nhà xây lên không phải một hai ngày mà xong, vậy sao cán bộ địa chính không biết. Hiện chúng tôi cùng PC03 đang xem xét xem cán bộ quản lý đất đai địa phương có liên quan gì đến những sai phạm này hay không" - đại diện VKS nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận