Mật mã cho trẻ em của Dan Brown

TƯỜNG ANH (THEO AST) 14/12/2020 21:10 GMT+7

TTCT - Ít ai biết Dan Brown, tác giả loạt sách best-sellers về những cuộc phiêu lưu kỳ bí của giáo sư Robert Langdon (trong đó Mật mã Da Vinci, một trong những cuốn bán chạy nhất mọi thời đại, theo Time), còn viết nhạc giao hưởng và làm thơ.

Bìa sách

Sau 7 cuốn sách về giáo sư Langdon, Dan Brown vừa hoàn thành cuốn truyện tranh trẻ em viết bằng thơ, Bản giao hưởng hoang dã, với ứng dụng phụ đính kèm là các bản nhạc do chính ông sáng tác. TTCT giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của ông cho Nhà xuất bản AST nhân dịp cuốn sách được dịch sang tiếng Nga.

Từ Robert Langdon tới chuột nhạc trưởng

Người hâm mộ của ông khắp thế giới háo hức chờ đợi những cuốn sách mới của ông hẳn rất ngạc nhiên khi biết ông đang viết... truyện thiếu nhi. Tại sao ông quyết định viết cho trẻ em?

- Đầu tiên, tôi muốn trấn an người hâm mộ - hiện tôi vẫn làm việc với cuốn sách mới về Robert Langdon, tôi chưa hoàn toàn đi sâu vào mảng văn học thiếu nhi. Nhưng sau khi viết 7 cuốn sách liên tiếp, tôi muốn làm một điều gì đó hoàn toàn khác biệt. Từ nhỏ, tôi đã rất yêu thích nhạc cổ điển. Cha mẹ tôi không có tivi, chúng tôi chỉ đọc sách và nghe nhạc. Vì vậy, lẽ đương nhiên tôi muốn viết một cuốn sách như thế, và tôi rất hạnh phúc khi làm việc này.

Viết cho trẻ em có khó không?

- Có những điểm khác biệt, nhưng tôi tiếp cận việc sáng tác cho thiếu nhi giống với cách làm tiểu thuyết cho người trưởng thành: Tôi luôn viết những cuốn sách mà bản thân muốn đọc. Nên ở đây tôi cũng làm điều tương tự - nếu là một đứa trẻ, tôi sẽ thích câu chuyện này. Tôi luôn viết sách như thể cho chính mình, theo sở thích của tôi và hi vọng mọi người cũng sẽ thích nó.

Đó là về cuốn sách Bản giao hưởng hoang dã, nhân vật chính là một chú chuột - nhạc trưởng, người xây dựng dàn nhạc của riêng mình.

Tại sao ông chọn chuột làm nhân vật chính?

- Tôi nghĩ nó buồn cười. Người chỉ huy dàn nhạc luôn ở vị trí được tất cả nhìn thấy. Hãy tưởng tượng hình ảnh một con chuột ở chỗ đứng của nhạc trưởng, điều khiển một dàn nhạc mà trong đó có một con báo, chẳng hạn! Có khoảng 20 con vật trong cuốn sách, mỗi con có tính cách và mang trong nó những đạo lý riêng. Ví dụ, con hà mã đang đứng dưới ao, phơi mình trong nắng và nhai cỏ, đạo lý của nó là tận hưởng những điều giản dị và trân trọng những gì bạn có. Hoặc con đà điểu trong tình huống căng thẳng, chui đầu xuống đất, muốn ở một mình, và đạo lý là: nếu bạn muốn ở một mình, điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng đừng quên thỉnh thoảng nhìn ra ngoài và gặp gỡ bạn bè.

Đây là một cuốn sách dành cho trẻ em, nhưng nó gợi nhớ đến các sách trinh thám của ông về giáo sư Langdon. Nó chứa các mã khóa và gợi ý, liệu trẻ em sẽ có thể giải được tất cả các câu đố của cuốn sách, hay đây là công việc của cha mẹ chúng?

- Một số “mật mã” trong sách quả thực phức tạp với trẻ em, nhưng rất nhiều, hầu như tất cả, đều có thể nhận ra bằng mắt thường. Một đứa trẻ xem cuốn sách lần đầu tiên sẽ nhận thấy các chữ cái ẩn và sẽ có thể lắp ráp chúng thành từ, ví dụ, “vĩ cầm” hoặc một nhạc cụ khác được vẽ trên trang.

Hãy cho chúng tôi biết về âm nhạc. Tôi rất ngạc nhiên khi biết các bản nhạc trong sách là do ông viết.

- Tôi lớn lên trong một gia đình mê nhạc. Cha mẹ tôi là nhạc sĩ, mẹ tôi là một giáo viên piano. Thuở nhỏ, tôi chơi nhạc mọi lúc, đi nghe hòa nhạc. Tôi thích sáng tác nhạc khi còn nhỏ và tiếp tục khi trưởng thành. Ở trường đại học, tôi học sáng tác và viết văn cùng lúc. Sau đó, tôi quyết định sẽ sống một cuộc đời sáng tạo. Âm nhạc là ưu tiên hàng đầu nên tôi chuyển đến Los Angeles để viết nhạc. Trong 2-3 năm ở đó, tôi thu nhạc, phát hành một album, nhưng không ai mua. Sau đó tôi nảy sinh ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết. Nhưng ngay cả khi viết, tôi vẫn tiếp tục sáng tác nhạc cho piano.

Có khó để sáng tác lại nhạc sau 30 năm kể từ khi phát hành album Musica Animalia vào năm 1989?

- Không, không khó. Sau tất cả, tôi vẫn tiếp tục viết nhạc. Tôi nghĩ ra những tác phẩm nhỏ này với chủ đề động vật, nhưng khi ngồi vào cây đàn piano rồi thì tôi chẳng băn khoăn gì nữa.

Ai là người ảnh hưởng đến ông với tư cách là một nhạc sĩ?

- Khi còn nhỏ, tôi đã nghe Petya và Sói của Prokofiev, tôi thích Tchaikovsky và tất cả các biến thể từ Kẹp hạt dẻ. Tôi nghe Bach, rất thích những buổi hòa nhạc Brandenburg của ông. Và tất nhiên, mặc dù muộn hơn, nhưng tôi cũng nghe The Beach Boys và nhiều tác giả khác.

Ông chọn dàn nhạc giao hưởng Zagreb để thu âm, không phải dàn nhạc của Mỹ, Anh hay Nga, tại sao? Theo như tôi biết, thậm chí ông đã bay đến Croatia.

- Đúng. Đây là một dàn nhạc phi thường mà tôi có liên hệ qua nhà sản xuất tôi thuê để giúp viết nhạc cho cuốn sách. Ông ấy khuyên nên gửi cho các nhạc sĩ này bản nhạc và yêu cầu họ thu âm. Dàn nhạc hóa ra thật tuyệt vời, và chúng tôi đã chọn họ.

Ông có thể so sánh việc viết một cuốn tiểu thuyết với sáng tác nhạc không?

- Chúng rất giống nhau. Cho dù bạn đang viết một cuốn tiểu thuyết hay một bản nhạc, nó phải có cấu trúc. Nếu không có, sáng tác sẽ không thành. Thứ hai, bạn cần hiểu diễn tiến của cảm xúc: những cảnh hoành tráng hơn được thay thế bằng những cảnh tĩnh lặng hơn, bạn cần hiểu nhịp độ. Một đoạn nhạc hay đặt ra câu hỏi và lời đáp theo cách tương tự như một đoạn văn. Thế nên, vâng, chúng rất giống nhau.

Một trang trong Wild Symphony


Từ bỏ công nghệ, trở về cội nguồn

Cuốn sách được viết dưới dạng thơ. Đây có phải là trải nghiệm đầu tiên của ông với thi ca?

- Không, tôi sáng tác thơ từ nhỏ. Tôi lớn lên cùng sách của bác sĩ Seuss (Theodor Seuss Geisel, nhà văn thiếu nhi nổi tiếng người Mỹ), cũng viết bằng thơ. Tôi cũng đã đọc rất nhiều Ogden Nash (nhà thơ hài hước Mỹ nổi tiếng với cách gieo vần độc đáo) khi còn nhỏ. Vì vậy, làm thơ là việc quen thuộc với tôi. Tôi cũng hiểu rất rõ cách gieo vần, âm vận và nhịp điệu, bởi tôi từng viết rất nhiều nhạc pop. Vì vậy, tất cả đều rất tự nhiên.

Vậy thì tập thơ của ông đâu?

- Không ai, kể cả mẹ tôi, từng đọc thơ tôi.

Ai là nhà thơ yêu thích của ông ngày nay?

- Robert Frost (nhà thơ lừng danh Mỹ, tác giả duy nhất được 4 giải Pulitzer về thơ) hoặc Ogden Nash.

Thơ và nhạc cổ điển - ông có nghĩ sự kết hợp này sẽ thành công vào năm 2020?

- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi không biết chắc. Một lần nữa, tất cả những gì tôi làm là sáng tạo những gì tôi thích và hi vọng những người khác cũng sẽ thích nó. Có vẻ như những đứa trẻ nhận được tín hiệu từ cuốn sách, cha mẹ cũng như giáo viên của chúng thực sự thích công trình của tôi. Chúng nghe nhạc và nhảy nhót theo nó nhiệt tình. Với tôi, dường như hiện nay thế giới cần những thứ thế này: trở về nguồn cội, khôi phục mối liên hệ với những ý tưởng đơn giản, những minh họa và âm nhạc tươi đẹp. Tôi hi vọng cuốn sách sẽ thành công.

Quay trở lại với Bản giao hưởng hoang dã. Ông đã tham gia tất cả giai đoạn tạo ra cuốn sách - từ việc chọn họa sĩ minh họa, Susan Bathory, cho đến các phụ đính. Ông kiểm soát hết mọi thứ?

- Đúng. Về hình ảnh minh họa, tôi chọn Susan Bathory vì tác phẩm của cô ấy hay nhất trong số những tác phẩm tôi xem được. Nhà xuất bản đã giới thiệu tôi với hơn 100 họa sĩ minh họa và Susan là người hoàn hảo cho thị hiếu của tôi, cô đã làm rất tốt. Khi làm việc với những nhà sáng tạo như vậy, bạn không phải kiểm soát nhiều. Chúng tôi chỉ bổ sung thêm vài phác thảo và mọi việc diễn tiến hiệu quả.

Về các phụ đính, quả là tôi đã dấn khá sâu. Một trong những ý tưởng chính là giữ cho chúng đơn giản, để chỉ có nhạc và chính xác chỉ cất lên khi bạn lật trên điện thoại đến một trang nhất định. Trẻ em thích điều này! Nhưng tôi không muốn bọn trẻ quá bị cuốn vào các ứng dụng. Suy cho cùng, ý tưởng của sách là từ bỏ công nghệ và quay lại với việc đọc. Do vậy, ở đó không có trò chơi hay phim hoạt hình - nó rất đơn giản.

Tiểu thuyết của ông vài năm mới ra một lần, tại sao?

- Tôi dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tôi tìm hiểu rất nhiều thứ về các chủ đề khác nhau: vật lý lượng tử, bệnh dịch, hoặc công nghệ máy tính, trí tuệ nhân tạo. Đây là những chủ đề rất nghiêm túc, cần nhiều thời gian nghiên cứu.

Nhắc đến việc đọc, cuốn sách cuối cùng khiến ông ấn tượng là gì?

- Gần đây tôi đã đọc cuốn sách của Max Tegmark, Life 3.0. Being human in age of artificial intelligence (tạm dịch: Sự sống 3.0. Con người trong thời đại trí tuệ nhân tạo). Nó thực sự ấn tượng với tôi.

Ông có địa điểm yêu thích của mình không? Ông nói rằng mình viết suốt bảy ngày một tuần, nhưng ông cũng phải có những kỳ nghỉ chứ. Ông thích thế nào? Đi du lịch hay thư giãn ở nhà?

- Tôi thích đi du lịch - tôi vừa trở về sau một chuyến du lịch. Đi du lịch bây giờ rất khó, nhưng tôi đã có giấy phép đặc biệt để du lịch đến một quốc gia nhất định. Thêm vào đó, nếu bạn đeo khẩu trang và mang kính, sẽ không ai biết bạn là ai. Tôi yêu thiên nhiên, tôi thích chèo thuyền, đi dạo trong rừng, chơi tennis, dắt chó đi dạo. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng xem tivi, có một số chương trình mà tôi thích.

Ông đã cho bọn trẻ xem sách của mình chưa? Ấn tượng của chúng là gì?

- Có, và tôi thực sự thích phản ứng của chúng đối với cuốn sách. Lúc đầu, chúng chỉ nhìn thấy những bức tranh vui nhộn và sinh động. Và thậm chí không cần phải áp đặt âm nhạc cho chúng - dù sao chúng cũng thích nhạc mà. Ví dụ, khi trẻ nghe thấy “Chuột túi nhảy”, chúng hiểu ngay nội dung và cũng bắt đầu nhảy theo.

(Có thể nghe thử nhạc của Dan Brown ở trang wildsymphony.com)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận