Poster phim Wrinkles Ảnh: IMDb
1. Đó là vào một buổi chiều lớp năm, chỉ một xích mích nhỏ giữa tôi và ông mà lần đầu tiên ông nội nổi cáu rất "kinh khủng" trên đường chở tôi đi học về.
Vốn là đứa trẻ được ông cưng chiều, vì quá bất ngờ, tôi chỉ biết òa khóc và hoảng sợ. Mọi người trong nhà khi ấy rất bực mình về hành xử của ông, nên đã nghĩ là "ông hung dữ". Ngày hôm sau, ông bị té xe giữa đường rách da đầu, đến mức phải bán chiếc xe Dream.
Dần dà, ông không còn khả năng đọc được chữ, chỉ vẽ được những nét nguệch ngoạc, tiểu tiện không còn tự chủ được nữa.
Tôi khi ấy không hiểu chuyện, chứng kiến sự cực nhọc của bà khi chăm ông nên đã lảng tránh ông vì tôi chỉ nhớ về con người chỉn chu, tháo vát ngày nào của ông.
Chỉ đến khi ông mất, tôi mới thực sự ân hận. Và nỗi day dứt đó đi theo tôi cho đến năm tư, khi tôi nhận ra được rằng sự "hung dữ" ngày nào chính là biểu hiện của sa sút trí tuệ.
2. Mở đầu Wrinkles, khán giả chứng kiến cảnh vị quản lý Ngân hàng Emilio đang đưa ra giải pháp tài chính với khách hàng.
Chỉ đến khi lời la mắng vang lên "Bố đừng nhớ mãi công việc hồi còn trẻ của mình nữa", người xem mới bất ngờ khi "vị khách" chính là con trai của Emilio, đang đem đồ ăn đến cho ông tại giường.
Không đủ kiên nhẫn để chịu đựng sự lẩm cẩm và hành xử tức giận của cha, anh cùng vợ lên kế hoạch đưa ông vào nhà dưỡng lão. Lời tạm biệt của họ với Emilio như một cái thở phào khi dỡ được gánh nặng trên vai.
Emilio gặp Miguel - kẻ chuyên lợi dụng chứng mất trí nhớ của các cụ già để bòn rút vài đồng lẻ. Bản thân hắn sống độc thân cả đời, chọn vào đây vì sợ cô đơn.
Sự tò mò của Emilio với mọi thứ trong viện dưỡng lão khiến Miguel cởi mở bộc lộ nỗi sợ khi thấy bệnh tình xấu đi của những người khách và sự ám ảnh với tầng trên - nơi những người được phát hiện sa sút trí tuệ sẽ được đưa lên nằm biệt lập, bị cột dây khi mất kiểm soát và phải dùng thuốc.
Khi cả hai dần thân thiết với nhau hơn là lúc bệnh tình Alzheimer của Emilio ngày càng tệ đi. Miguel lúc này tìm mọi phương án "luồn lách" để bạn mình không vào giường bệnh.
Trong bộ phim hoạt hình này của Tây Ban Nha, nhà làm phim để khán giả tự cảm nhận sự vật lộn trong căn bệnh Alzheimer của Emilio thông qua cuộc cãi vã với Miguel và những hành động thường ngày...
Lydia (Kristen Stewart, trái) bên người mẹ Alice (Julianne Moore) mắc bệnh Alzheimer trong phim Still Alice - Ảnh: IMDb
3. Trong Still Alice, Alice (50 tuổi) gọi chồng dậy giữa đêm để nói về bệnh Alzheimer của mình. Mặc người vợ bảo cô biết mình thực sự không ổn, John - một tiến sĩ y sinh - vẫn cứ khăng khăng "Già đi rồi ai mà chả nhớ trước quên sau hả em", để rồi tỏ thái độ bất hợp tác trước những bác sĩ thần kinh khám cho vợ mình.
Với Alice Howland, nỗi sợ lớn nhất của cô chính là một cuộc đời vốn có định hướng đã bị tước đi. "Em thà mắc bệnh ung thư còn hơn", Alice khóc.
Nhân vật John gợi ra một vấn đề khác liên quan đến căn bệnh này: sự thiếu kiến thức và hiểu biết của cộng đồng liên quan đến chứng bệnh sa sút trí tuệ. Chúng ta vẫn nghĩ việc người thân lãng quên chỉ là "lẫn", và hành xử bất thường của họ là "điên".
Kết phim, John quyết dứt áo ra đi vì trong tâm trí ông chỉ có hình ảnh "người phụ nữ thông minh nhất anh từng gặp" chứ không phải con người đến cái quần cũng có người mặc giúp. Chỉ có Lydia, đứa con "lông bông", quyết về với mẹ.
4. Khi xem xong hai bộ phim, tôi bắt đầu có nỗi sợ về việc già đi. Tôi từng nghĩ về hình ảnh minh mẫn và vẫn nhiệt huyết khi lớn tuổi.
Nhưng bản thân mình vốn đã có người thân mắc sa sút trí tuệ, tôi cũng có thể là một bệnh nhân. Có thể một ngày nào đó tôi không nhận ra mình, không làm được bất cứ điều gì nữa. Vậy tôi sẽ còn gì?
Tôi đã tìm ra câu trả lời ở đoạn cuối hai phim. Lydia là đứa con duy nhất không chịu xét nghiệm gene Alzheimer, cô bảo rằng đời cứ ra sao thì chịu.
Và có lẽ giữa những con người trật tự đó, cô là người chịu chấp nhận rằng nếp nhăn chắc chắn sẽ xảy đến, và trong lúc đọc một đoạn văn cho mẹ cô, bà đã nói "Tình yêu".
Sau khi Emilio bị đẩy lên tầng trên, Miguel nhận ra khi bản thân mình còn tỉnh táo thì hãy chăm bẵm cho những người bạn già một cách tốt nhất khi còn có thể, cũng như cách ông chơi với Emilio.
Và một tuần trước khi ông tôi qua đời, lúc bà nội nói "Con bé năm nay thi đại học rồi đó", tôi đã nắm chặt tay ông và ông ngước mắt nhìn tôi như thấu hiểu.
Kể cả khi mất hết tất cả mọi ý thức, chúng ta vẫn hiện hữu trên đời, vẫn xứng đáng được yêu thương và trao điều đó cho người còn lại.
Paco Roca - tác giả kiêm biên kịch phim Wrinkles - đã sử dụng biện pháp lồng ghép khéo léo giữa quá khứ và thực tại.
Từng câu chuyện cá nhân của những người già mắc chứng sa sút trí tuệ được đan xen giữa cảm xúc quen thuộc trong ký ức ấu thơ và lúc về già.
Thông qua những trò nghịch đùa và trò chuyện của những người già đang mắc bệnh Alzheimer, khán giả trông thấy họ cũng hồn nhiên, ngông cuồng và dí dỏm như cách những đứa trẻ chơi đùa, thách đấu với nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận