08/02/2014 09:30 GMT+7

Mất hành lý trên máy bay, ai chịu trách nhiệm?

N.V.H. (66 tuổi, Việt kiều)GIA MINH (ghi)
N.V.H. (66 tuổi, Việt kiều)GIA MINH (ghi)

TT - Một hành khách Việt kiều về thăm quê hương dịp tết vừa qua cho biết khi chuẩn bị xuống máy bay, ông bị lấy mất chiếc túi đựng toàn bộ giấy tờ và một số tài sản quý giá. Dưới đây là lời kể của ông:

9gi4nXOH.jpgPhóng to

Tôi đi từ một nước châu Âu trên chuyến bay của Hãng Hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines), về tới sân bay Tân Sơn Nhất lúc 7g30 ngày 9-12-2013. Mấy chục năm nay, sau vụ tai nạn thảm khốc tại nước ngoài, tôi phải di chuyển bằng xe lăn, nên đã sử dụng dịch vụ hỗ trợ của Vietnam Airlines để về thăm quê hương.

Buổi sáng hôm đó, sau khi hầu hết hành khách thông thường đã rời khỏi máy bay, chỉ còn một số hành khách cần sự hỗ trợ như tôi ở lại chờ được đưa xuống bằng thang nâng riêng. Tôi đeo trên người chiếc túi xách bên trong chứa hộ chiếu, các loại giấy tờ, 600 euro, một dây chuyền vàng tây 2,5 lượng, một mề đay bằng vàng 1 lượng (là đồ cổ), hai viên mặt nhẫn bằng đá saphia và một số vật kỷ niệm. Sợ vướng, tôi bỏ chiếc túi qua ghế ngồi bên cạnh để nhân viên hỗ trợ bế tôi qua xe lăn. Vừa ngồi trên xe lăn xong, tôi liền nói với anh nhân viên hỗ trợ: “Anh làm ơn lấy giùm tôi chiếc túi xách trên ghế, bên trong có giấy tờ tùy thân của tôi”. Anh này trả lời: “Ông cứ lo đi ra kia, người ta đang chờ để hạ thang xuống đất, có người xách hành lý cho ông rồi” và đẩy tôi đi. Khi tới giữa máy bay, tôi lại hỏi lần nữa là túi của tôi đâu, họ lặp lại là “có người xách rồi, cứ yên tâm”.

Trước khi ra khỏi cửa máy bay để vào thang nâng, tôi hỏi họ túi của tôi đâu và yêu cầu phải đưa cho tôi để tôi treo trước ngực, vì trong đó có giấy tờ tùy thân, tôi không thể rời nó được. Lúc này nhân viên mang hành lý chỉ cho tôi nơi để các túi xách trong chiếc thang nâng, nhưng tôi không thấy có chiếc túi của tôi. Tôi không chịu vào thang mà yêu cầu họ phải tìm trả tôi chiếc túi, hoặc không thì phải lập biên bản ngay trên máy bay nhưng anh ta lạnh lùng trả lời tôi là “cứ xuống đất rồi lập biên bản, không thể chờ anh được”. Dứt lời là anh ta đẩy tôi vào xe thang, đưa tôi vào trong nhà ga.

Tại nhà ga, tôi thông báo với công an đồn cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất việc tôi bị mất giấy tờ, tiền và các tài sản nêu trên. Công an bảo tôi nếu không có hộ chiếu, visa thì buộc phải bay trở lại nơi xuất phát trong chuyến bay gần nhất và lập biên bản về việc tôi không có giấy tờ tùy thân khi nhập cảnh.

Tôi là người khuyết tật phải ngồi xe lăn nên mỗi lần phải đi xa, lên máy bay cần người giúp đỡ rườm rà, sức khỏe thì không thật tốt nên nghĩ tới đi máy bay thôi tôi đã sợ. Nghe thông báo phải quay về nơi xuất phát ngay trong chuyến bay gần nhất, tôi chỉ muốn tự vẫn ngay. Ở đây là Tổ quốc thân thương của mình, nơi tôi nói tiếng mẹ đẻ mà còn không thể qua cửa khẩu về nhà. Nếu trở lại nơi xuất phát, không giấy tờ tùy thân, không thể tự đi trên đôi chân của mình, tôi biết phải làm gì? Một cô nhân viên có mặt tại nhà ga đã cho tôi mượn điện thoại để liên lạc về gia đình, sau đó tôi phải vào khách sạn hàng không ở một ngày chờ người quen bảo lãnh để tới tổng lãnh sự xin cấp lại hộ chiếu mới, xin visa mới để được về bên gia đình, chờ đón tết cùng người thân.

Bao năm xa quê, mong ước trở về sôi sục trong từng giây từng phút, tôi phải chịu đựng rất nhiều đau đớn về thể xác để về được tới quê hương. Vậy mà có những kẻ vô lương tâm, vì chút tài sản đã đẩy tôi vào hoàn cảnh khốn khó vô cùng. Tôi mong nhà chức trách tìm ra những kẻ này để những người về sau không còn phải gặp chuyện như tôi.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát khai thác sân bay Tân Sơn Nhất:

“Trách nhiệm bảo quản hành lý xách tay là của hành khách”

Ông Phan Ngọc Linh, giám đốc Trung tâm kiểm soát khai thác sân bay Tân Sơn Nhất (là đơn vị quản lý các nhân viên hỗ trợ cho ông H.), cho biết: “Quy định chung là hãng hàng không vận chuyển chỉ chịu trách nhiệm đối với hành lý ký gửi, còn hành lý xách tay hành khách phải tự bảo quản. Về trường hợp của ông H., ngay khi ông ấy báo, chúng tôi đã cho kiểm tra lại toàn bộ máy bay nhưng không thấy chiếc túi. Chúng tôi có báo công an đồn cửa khẩu để xử lý về những vấn đề liên quan tới giấy tờ tùy thân của ông H.. Riêng về việc tài sản mất, mất ở đâu, ai lấy thì một mất mười ngờ. Ông H. nói vậy chứ chiếc túi có thể đã bị mất ngay từ khi còn ở nhà ga nơi ông H. xuất phát hoặc khi máy bay đang bay, vì tình trạng trộm cắp trên các chuyến bay vẫn xảy ra”.

Cũng theo ông Phan Ngọc Linh: “Nhân đây chúng tôi khuyến cáo người dân nên chú ý bảo quản tài sản của mình khi đi máy bay, không nên chủ quan. Nếu mất hành lý xách tay, hành khách phải tự chịu, chúng tôi không chịu trách nhiệm về mất mát này”.

Khi phóng viên hỏi vì sao ông H. khẳng định rõ ràng rằng trước khi nhân viên hỗ trợ bế ông từ ghế máy bay qua xe lăn, chiếc túi của ông còn nằm trên ghế mà Trung tâm kiểm soát khai thác sân bay không báo cho lực lượng an ninh sân bay, an ninh hàng không để xử lý và không tổ chức đối chất trực tiếp giữa nhân viên hỗ trợ với ông H. để tìm kiếm chiếc túi, ông Linh nói: “Vietnam Airlines có quy trình chặt chẽ về việc kiểm tra hành lý khi hành khách báo mất. Kiểm tra ở đâu, kiểm tra như thế nào đã được chúng tôi tổ chức thực hiện đúng theo quy trình. Nhóm nhân viên hỗ trợ ông H. cùng những người có mặt trên máy bay khi đó đều đã được mời làm việc và tất cả đều nói không nhìn thấy chiếc túi”. Ông Linh cũng cho rằng do vụ việc xảy ra trước khi hành khách H. nhập cảnh vào VN nên cơ quan chức năng VN không có chức năng xử lý, vì vậy đơn vị của ông không thông báo cho lực lượng an ninh sân bay hay an ninh hàng không.

Phải báo vụ việc cho an ninh sân bay

Bà Trần Thụy Minh, giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, khẳng định với Tuổi Trẻ ngày 21-1 rằng dù vụ việc như của ông H. xảy ra ở đâu, trên không phận quốc tế hay VN thì khi máy bay hạ cánh đều phải được báo cho lực lượng an ninh sân bay hạ cánh, ở đây là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhận được báo cáo, lực lượng an ninh sân bay sẽ báo cáo với cảng vụ và cảng vụ sẽ tổ chức các biện pháp nghiệp vụ để tìm kiếm. Bà Minh nói: “Chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra lại toàn bộ quy trình khi có đơn thư của ông H., tùy theo mức độ để xử lý, nếu không vi phạm cũng phải rút kinh nghiệm chứ không để vụ việc tái diễn”. Bà Minh cho biết việc mất tài sản tương tự như ông H. cũng từng được ghi nhận.

N.V.H. (66 tuổi, Việt kiều)GIA MINH (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên