19/06/2015 07:34 GMT+7

Mất hành lý ở sân bay, người đứng đầu phải thấy xấu hổ

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Ngày 18-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói như vậy trong một cuộc họp liên quan tới nhiều vấn đề, trong đó có việc chống mất mát hành lý trong vận chuyển hàng không.

Nhân viên bốc xếp vận chuyển hành lý ký gửi tại sân bay Nội Bài -  Ảnh: Tuấn Phùng
Nhân viên bốc xếp vận chuyển hành lý ký gửi tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Tuấn Phùng

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không - nhận định tình hình trộm cắp hành lý, tài sản tại sân bay vẫn còn phức tạp, số vụ phát hiện được còn ít.

Trong khi đó, hầu như rất khó kết luận trách nhiệm của các đơn vị liên quan, dẫn tới thời gian xử lý kéo dài và cuối cùng không có đơn vị nào chính thức nhận trách nhiệm.

Chỉ có hãng hàng không đền bù với giá trị tính theo ký được pháp luật quy định.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng bị lấy cắp hành lý

Ông Thanh cho biết khiếu nại về mất hành lý đối với các chuyến bay nội địa xuất phát từ sân bay Nội Bài lớn hơn các sân bay khác. Điều này cho thấy có nguy cơ từ nhân viên nội bộ đơn vị giải quyết hành lý ký gửi tại Nội Bài.

Ông Thanh loại bỏ việc móc nối giữa các nhân viên bốc xếp với nhân viên an ninh hàng không, vì nhân viên an ninh làm việc trong điều kiện ngặt nghèo, không được sử dụng điện thoại và được giám sát chặt...

Để ngăn ngừa nguy cơ trộm cắp tại sân bay, ông Thanh đưa ra các giải pháp: bổ sung camera ở các điểm còn chưa bao quát được, đưa camera di động lên hầm hàng máy bay và container đựng hành lý ký gửi...

Vấn đề quan trọng nhất là cần bổ sung vào quy chế việc phân định trách nhiệm giữa các đơn vị trong từng khâu xử lý hành lý.

Chẳng hạn, nếu hàng hóa bốc từ máy bay xuống đến quầy trả hành lý mới phát hiện bị rách, bung thì trách nhiệm thuộc về đơn vị bốc xếp hành lý.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) - cho biết từ năm 2013 đến nay, các vụ mất trộm hành lý liên tục gia tăng, kể cả hành khách đặc biệt đi chuyên cơ như một tổng giám đốc ngân hàng thuộc đoàn tùy tùng của Thủ tướng đi Nhật Bản về cũng bị mất vali.

“Nhiều vụ có dấu hiệu tiếp tay của các nhân viên đơn vị phục vụ mặt đất. Có những hành lý bị rạch đúng vị trí để đồ đạc có giá trị. Như chuyến bay từ TP.HCM ra Nội Bài có hành khách người Nhật Bản bị rạch đúng vị trí để đồng hồ. Việc này thể hiện sự liên quan đến nhân viên soi chiếu. Một lãnh đạo Bộ Công an đi nước ngoài về Nội Bài cũng bị móc mất cả iPad và máy tính xách tay trong hành lý ký gửi” - ông Thuận dẫn chứng.

Theo ông Thuận, một số nguyên nhân dẫn tới các vụ mất hành lý như: các doanh nghiệp phục vụ mặt đất có xu hướng chạy theo lợi nhuận nên tuyển nhân viên theo thời vụ, trả lương thấp; nhân viên coi thường pháp luật do không được đào tạo, giáo dục, tuyển dụng thiếu trách nhiệm.

Dẫn chứng là cơ quan công an từng phát hiện một doanh nghiệp cung cấp suất ăn ở TP.HCM tuyển dụng người bị truy nã nhiều năm, người này lên đến trưởng phòng tổ chức mà không biết.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Bộ trưởng Thăng cho rằng giải pháp số 1 là quy trách nhiệm người đứng đầu từ trưởng ca, trưởng tổ đến cảng vụ và Cục Hàng không. Phải làm rõ, cứ xảy ra một vụ mất hành lý thì có mấy người liên quan, nếu bắt quả tang thì xử lý hình sự, còn cán bộ phụ trách các bộ phận sẽ bị xử lý trách nhiệm.

“Đừng để xảy ra mất trộm mà ai cũng nghĩ là chuyện nhà hàng xóm, không phải nhà mình. Người đứng đầu phải thấy nhục, thấy xấu hổ khi khách đến cảng hàng không của mình mà bị mất cắp. Trách nhiệm này là của cả ngành hàng không, từ Cục Hàng không đến các đơn vị” - ông Thăng nói.

Ông Thăng yêu cầu phải rà soát lại đội ngũ nhân viên hàng không, chế độ lương thưởng và tăng cường bảo vệ an ninh nội bộ, không để tình hình nhộm nhoạm như hiện nay.

Theo ông Thăng, “con người mới là yếu tố quan trọng, máy móc chỉ là máy móc, cho nên phải tăng cường giám sát lẫn nhau giữa các bộ phận”.

Ông Thăng ví dụ nếu lắp camera di động ở hầm hàng, container chứa hành lý thì nhân viên bốc xếp vẫn có thể quay lưng lại chắn camera để trộm cắp.

“Phải nâng cao ý thức lao động, nhân viên. Phải coi việc xảy ra trộm cắp là trách nhiệm của mình, thấy đó là xấu hổ, xúc phạm đến chính mình, gia đình mình... Từ nay đến cuối năm nếu không giảm được trộm cắp thì xử lý cả giám đốc cảng vụ hàng không” - ông Thăng nói.

Mất cắp hành lý liên tục gia tăng

Theo Cục Hàng không, năm 2013 có 205 vụ khiếu nại mất hành lý tại sân bay (Nội Bài có 56 vụ, Tân Sơn Nhất có 149 vụ), số khiếu nại liên quan đến chuyến bay quốc tế là 141 vụ. Năm 2014, số vụ khiếu nại là 301 vụ (Nội Bài có 144 vụ, Tân Sơn Nhất 157 vụ), có 178 vụ liên quan đến chuyến bay quốc tế. Sáu tháng đầu năm 2015 có 168 vụ khiếu nại (Nội Bài có 79 vụ, Tân Sơn Nhất có 88 vụ), có 111 vụ ở các chuyến bay quốc tế.

Năm 2013, nhân viên an ninh bắt được 8 nhân viên trộm cắp, năm 2014 phát hiện 9 nhân viên có hành vi trộm cắp hoặc chiếm đoạt tài sản nhặt được, sáu tháng đầu năm 2015 phát hiện 5 vụ nhân viên có hành vi chiếm đoạt tài sản nhặt được của khách.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên