Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoàng (ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang), tháng 6-2012, bà cùng chồng là ông Lê Nhựt Quyền đến chi nhánh Ngân hàng Đông Á tỉnh Kiên Giang nộp 1,25 tỉ đồng giải chấp cho căn nhà số 513, lô E2-46 đường Phạm Hùng, P.Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá.
Đây là tài sản do bà Huỳnh Thị Liên mang thế chấp vay tiền nhưng mất khả năng thanh toán.
Đang sang tên nhà thì bị kê biên
Khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất sang tên mình thì vợ chồng bà Hoàng mới hay tài sản này vừa bị Chi cục thi hành án dân sự TP Rạch Giá kê biên.
Cơ quan này còn gửi 2 công văn ngăn chặn chuyển dịch tài sản để đảm bảo thi hành án cho 2 chủ nợ khác của bà Liên.
Bà Hoàng khởi kiện bà Liên ra tòa. TAND TP Rạch Giá ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa ông Quyền với bà Liên và bà Liên phải hoàn trả cho ông Quyền số tiền trên.
Nếu quá thời hạn ngày 12-12-2012 mà bà Liên không trả thì phải giao tài sản là căn nhà nói trên cho cơ quan thi hành án phát mãi đảm bảo thi hành án.
Lúc này, một chủ nợ khác của bà Liên là bà Nguyễn Thị Hồng Nhung có đơn kháng nghị quyết định công nhận thỏa thuận giữa ông Quyền với bà Liên với lý do bà Liên còn nợ mình 618 triệu đồng. TAND tỉnh Kiên Giang đã bác kháng nghị này.
Ngăn chặn bằng văn bản sai luật
Để giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng, Viện KSND tỉnh Kiên Giang đã thỉnh thị ý kiến Viện KSND tối cao về thứ tự ưu tiên thanh toán.
Trong nội dung trả lời, Viện KSND tối cao khẳng định 2 “công văn” ngăn chặn việc chuyển dịch cầm cố, thế chấp tài sản của Chi cục thi hành án dân sự TP Rạch Giá là sai thể thức văn bản, lẽ ra phải là “quyết định ngăn chặn” theo quy định tại điều 66 và điều 69 Luật thi hành án dân sự.
Mặt khác, quyết định công nhận thỏa thuận trả nợ giữa bà Liên và ông Quyền của TAND TP Rạch Giá đã có hiệu lực pháp luật và không bị kháng nghị nên phải được thi hành. Do vậy, việc xử lý tiền thu được từ bán tài sản là nhà đất của bà Liên phải ưu tiên thanh toán cho ông Quyền.
Hơn nữa, theo quy định tại điều 47 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014, tài sản thế chấp khi bán đấu giá sẽ ưu tiên cho bên nhận đảm bảo. Ở đây, ông Quyền đã nộp tiền của mình vào ngân hàng để giải chấp căn nhà nên ông Quyền có vai trò như bên nhận đảm bảo.
Mặc dù ngăn chặn bằng văn bản sai luật, nhưng đến tháng 12-2015, Chi cục thi hành án dân sự TP Rạch Giá vẫn tổ chức bán đấu giá căn nhà của bà Liên. Người trúng đấu giá là cháu ruột của bà Liên.
Số tiền bán đấu giá được Chi cục thi hành án dân sự TP Rạch Giá ưu tiên chi trả cho bà Nhung trên 780 triệu đồng, một chủ nợ khác 70 triệu đồng, còn lại hơn 422 triệu đồng trả cho vợ chồng bà Hoàng.
Bà Hoàng bức xúc cho rằng gần 4 năm qua, gia đình bà đã chạy vạy gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Các cơ quan trung ương đều khẳng định Chi cục thi hành án dân sự làm không đúng, nhưng không hiểu sao cơ quan này vẫn cố tình phớt lờ, đem bán tài sản thế chấp rồi chi trả tiền theo kiểu lạ lùng như vậy.
“Vợ chồng tôi đã gửi đơn tố cáo tới ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang về những khuất tất của lãnh đạo Chi cục thi hành án dân sự TP Rạch Giá và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang. Cơ quan này đã kết luận phía thi hành án có thiếu sót và đề nghị tôi kiện ra tòa” - bà Hoàng nói.
Kiểm điểm rút kinh nghiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang kết luận một số lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang và Chi cục thi hành án dân sự TP Rạch Giá có thiếu sót, ký ban hành văn bản chưa phù hợp, báo cáo nội dung vụ việc chưa đúng thực tế, gây ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và cơ quan, đơn vị. Do đó cần phải được kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm liên quan. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận