Chủ tịch Liên đoàn cầu lông TP.HCM Nguyễn Phương Nam trong cuộc trả lời Tuổi Trẻ. Ảnh: H.Đ |
Ông Phương Nam nói: “Ngay khi Liên đoàn cầu lông châu Á (BAC) vừa ‘bật đèn xanh’ ủng hộ VN đăng cai giải đấu này, tôi lập tức đồng ý. Đây là một giải đấu tầm cỡ mà đã chục năm nay chúng ta chưa từng được đăng cai. Tuy mang danh châu Á nhưng giải này chẳng khác gì vô địch thế giới khi quy tụ hầu như toàn bộ những quốc gia mạnh nhất trong làng cầu lông như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc… Có nhiều quốc gia chấp nhận trả lệ phí cao để được đăng cai giải, nếu chúng tôi không sớm gật đầu, cơ hội này sẽ vuột mất”.
Vậy tại sao BAC lại quyết định chọn VN thưa ông?
Một phần là nhờ vào uy tín đăng cai nhiều giải đấu quốc tế thời gian qua của VN. BAC cũng đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của chúng ta khi xử lý sự cố ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng (bị sập trần khi đang tổ chức Giải cầu lông Vietnam Open 2014). Cái hay là sự cố này không khiến chúng ta bị mất điểm trong mắt BAC. Bên cạnh đó, BAC muốn hỗ trợ VN trong việc phát triển cầu lông. BAC biết rằng ở VN hiện chỉ có Nguyễn Tiến Minh (nam) và Vũ Thị Trang (nữ) vươn đến đẳng cấp quốc tế.
Để được đăng cai, BAC đưa ra những yêu cầu nào cho VN?
Các tiêu chuẩn mà BAC đưa ra là rất cao, từ việc tổ chức trên sân đấu cho đến từng khâu trong hậu trường như chuyện ăn, ngủ… của VĐV. Khách sạn cho các VĐV, quan chức dự giải phải thấp nhất là 4 sao ở trung tâm TP.HCM, ăn uống phải thích hợp với từng quốc gia chứ không có chuyện ăn chung… Về khâu kỹ thuật trên sân, có rất nhiều tiêu chuẩn cao hơn các giải mà VN thường tổ chức, chẳng hạn như hệ thống chiếu sáng phải trên 1.000 lumens, trong khi hệ thống của chúng ta thường chỉ ở mức 600 lumens…
Để đáp ứng được các yêu cầu mà BAC đưa ra, chúng tôi đã phải làm việc cho đến tận ngày tết, vì giải đấu sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 14-2. Phía BAC cũng kiểm tra rất nghiêm ngặt quá trình chuẩn bị cho giải. Đến thời điểm này, BAC đã 3 lần cử chuyên gia sang kiểm tra. Họ thậm chí còn ăn thử, ngủ thử ở từng khách sạn chúng ta đề xuất để đánh giá chất lượng, có thể nói đây là giải tốn kém chi phí và nguồn lực lớn nhất từ trước giờ do phải đáp ứng các mọi điều kiện đạt yêu cầu đúng tiêu chuẩn của BAC từ trong đến ngoài sân đấu.
Ngược lại, BAC hỗ trợ gì cho VN?
Chúng ta được họ hỗ trợ khoản lệ phí đăng cai là 100.000 USD. Ngoài ra, BAC còn mang đến VN rất nhiều công nghệ mà các giải đấu cầu lông của VN chưa từng có. Đáng kể nhất là công nghệ “Mắt diều hâu” (Hawk-eye) để xác định các trường hợp gây tranh cãi thường thấy như cầu có qua vạch hay chưa… Ngoài ra, trên sân đấu, BTC cũng sẽ đặt màn hình trực tiếp lớn để các khán giả đến sân có thể tiện theo dõi hơn. Nhiều trận đấu sẽ được trực tiếp bằng vệ tinh đi khắp thế giới từ vòng tứ kết.
Ông kỳ vọng việc đăng cai giải sẽ mang lợi ích gì đến cho VN?
Về chuyên môn, đây là một cơ hội cọ xát tốt cho các tay vợt VN. Đáng kể hơn cả là việc các tay vợt trẻ của chúng ta có cơ hội theo dõi tác phong tập luyện, chỉ đạo của những tay vợt hàng đầu thế giới. Ngay cả những HLV VN cũng có thể học hỏi, tiếp thu nhiều điều.
Chúng tôi cũng lên kế hoạch để quảng bá hình ảnh về đất nước VN, cụ thể là TP.HCM đến với những người nước ngoài. Hiện ban tổ chức đang lên kế hoạch thực hiện những tour tham quan khắp thành phố cho toàn bộ những VĐV đến dự giải. Hy vọng điều đó sẽ góp phần thúc đẩy du lịch ở TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận