16/03/2015 09:28 GMT+7

​Mất cơ hội vì cơ chế

ĐÌNH DÂN
ĐÌNH DÂN

TT - Nhiều dự án khi nhà đầu tư tham gia vướng cơ chế, làm mất đi cơ hội của nhà đầu tư...

Dự án xây dựng ký túc xá Đại học Giao thông vận tải vẫn chưa thể triển khai dù đã được cấp phép đầu tư - Ảnh: Quang Định

Mô hình hợp tác công tư (PPP) đang nỗ lực kêu gọi vốn tư nhân vào hàng loạt dự án công, thế nhưng thực tế nhiều dự án khi nhà đầu tư tham gia lại vướng cơ chế, làm mất đi cơ hội của nhà đầu tư.

Dù đã có chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cũng sẵn sàng bỏ vốn, thế nhưng khu đất hơn 1.000m2 của dự án xây dựng ký túc xá ĐH Giao thông vận tải tại đường Tô Ký, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM hơn một năm nay vẫn chỉ là bãi đất hoang.

Mòn mỏi chờ

Trước đó, từ năm 2014, dự án này đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương và Bộ Kế hoạch - đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư theo mô hình hợp tác công tư (PPP), được ký dưới dạng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

“Chúng tôi hiện không thể triển khai và nguy cơ dự án bị dừng lại do thời hạn giấy phép đầu tư sắp hết. Đây là dự án đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục áp dụng mô hình hợp tác công tư theo chủ trương xã hội hóa đầu tư. Dù Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã cấp phép dự án nhưng đến khâu giải ngân vốn đối ứng bị vướng lại do chưa có cơ chế” - ông Trương Quốc Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư - xây dựng Vinaconex - PVC (PVV), chủ đầu tư dự án này, lo lắng nói.

Theo ông Dũng, dự án có vốn đầu tư 55 tỉ đồng, sẽ xây dựng khu ký túc xá cao 5-8 tầng đáp ứng khoảng 900 chỗ ở cho sinh viên. Thế nhưng, đến nay phía PVV chưa thể triển khai do phía Nhà nước là Bộ Kế hoạch - đầu tư chưa biết bố trí 20% vốn đối ứng vào lĩnh vực hạ tầng hay giáo dục.

Ông Dũng cho rằng việc kêu gọi vốn tư nhân vào xây dựng các khu ký túc xá sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi năm và tạo điều kiện chỗ ở cho hàng ngàn sinh viên.

Tuy nhiên, hiện nay dự án bị ngưng trệ đang làm mất đi cơ hội của nhà đầu tư không chỉ ở dự án này mà cả chiến lược đi vào xây dựng nhiều khu ký túc xá ở các trường đại học khác mà công ty này đã lên kế hoạch trước đó.

Trở ngại cản bước vốn tư nhân

Theo các chuyên gia, trong thời gian qua nhiều quy định pháp lý liên quan về chính sách xã hội hóa đầu tư, kêu gọi đầu tư tư nhân vào các dự án công nhưng nhiều vướng mắc về cơ chế vẫn còn cản bước nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án đối tác công tư.

Chẳng hạn trong lĩnh vực giao thông - lĩnh vực nóng nhất của PPP - chỉ tính riêng năm 2014 ngành giao thông đã huy động được gần 43.000 tỉ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư. Nhưng vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc hạn chế.

Một trong những khó khăn được nhà đầu tư chỉ ra là Nhà nước mong muốn dự án có giá trị đầu tư lớn, thời gian thu phí trên dưới 20 năm, trong khi ngân hàng chỉ chấp thuận các dự án có thời gian thu phí dưới 15 năm.

Ông Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng mới đây nghị định về hợp tác công tư đã được ban hành nhưng chỉ dừng lại ở mức nâng quyết định BOT trước đây thành nghị định PPP. Ông Lịch nhấn mạnh hành lang pháp lý hiện nay cho PPP vẫn chưa đủ và chưa giải quyết được các nghi ngại về rủi ro của nhà đầu tư vào các dự án công tư.

“Phải có hẳn một đạo luật về hợp tác công tư. Xử lý nghĩa vụ của hai bên, ví dụ các dự án về giao thông, phần đối ứng của Nhà nước thì trách nhiệm Nhà nước phải làm cái gì? Và nếu không làm thì xử lý ra sao? Đối lại phía tư nhân cũng vậy. Điều này phải được thể hiện cực kỳ chặt chẽ và chi tiết trong các hợp đồng, khế ước hợp tác” - ông Lịch phân tích.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư vừa được Chính phủ ban hành ngày 14-2-2015. Nghị định này quy định PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Hợp đồng dự án PPP theo các hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO)...

Theo nghị định này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận hợp đồng. Tỉ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư..

Riêng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

 

ĐÌNH DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên